Học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nhân lực
(Dân trí) - Sáng ngày 23/12, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp cùng VCCI tổ chức hội nghị "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các mô hình học nghề, tập nghề tại Doanh nghiệp"
Vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong phối hợp tổ chức đào tạo nhân lực
Hội nghị người sử dụng lao động "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các mô hình học nghề, tập nghề tại Doanh nghiệp" diễn ra nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh đổi mới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp khẳng định: "Việc đánh giá hiệu quả của các mô hình học nghề, tập nghề và kết quả hoạt động hợp tác, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp cũng như các chính sách, quy định của pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp, làm cơ sở cho việc tiếp tục đẩy hoạt động hợp tác trong thời gian tới là hết sức quan trọng.
Do đó, cần có ý kiến đánh giá, trao đổi, thảo luận của các nhà chuyên môn, các chuyên gia trong nước và quốc tế để hoạt động hợp tác GDNN với doanh nghiệp đạt kết quả cao nhất. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở GDNN phối hợp triển khai các hoạt động đào tạo, hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động của doanh nghiệp và tạo cơ hội việc làm cho người học khi tốt nghiệp ra trường".
Ông Hùng chia sẻ thêm: "Trong bối cảnh việc tổ chức đào tạo, nhất là đào tạo thực hành của các cơ sở GDNN gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì vai trò của doanh nghiệp trong việc phối hợp, hỗ trợ trong tổ chức đào tạo; tiếp nhận người học đến thực hành, thực tập càng trở nên hết sức quan trọng. Việc này đồng thời cũng tạo ra một lực lượng lao động cho doanh nghiệp khi mà thị trường lao động đang chịu nhiều biến động do làn sóng dịch chuyển lao động do dịch bệnh".
4 mô hình học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp
Đại diện lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, bà Trần Thị Lan Anh cho biết: "Doanh nghiệp vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng.
Nguồn lao động có kỹ năng và chất lượng cao chính là người lao động được đào tạo gắn liền với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp. Đây cũng chính là xu hướng đào tạo mà các nước tiên tiến trên thế giới đều thực hiện rộng rãi".
Hiện nay, Việt Nam đang triển khai 4 mô hình học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp hiện nay: Kèm cặp qua công việc tại vị trí việc làm cụ thể, học nghề, tập nghề tại vị trí việc làm cụ thể, đào tạo nhân viên mới do nhóm lãnh đạo thực hiện; Kèm cặp qua công việc luân chuyển trong hệ thống đào tạo của doanh nghiệp; Học nghề, tập nghề luân chuyển trong hệ thống đào tạo nội bộ của doanh nghiệp.
Cuối cùng chính là đào tạo thực tập sinh tại doanh nghiệp, đào tạo nhân viên mới tại cơ sở doanh nghiệp theo hợp đồng đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường.
Đại diện VCCI cũng chỉ ra thực trạng của việc sử dụng lao động của các doanh nghiệp hiện nay như: Thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng, xây dựng đội ngũ đào tạo viên nội bộ và chế độ khuyến khích người dạy của doanh nghiệp; phát triển chương trình đào tạo; thực hiện hợp đồng theo Bộ Luật Lao động và Luật Giáo dục nghề nghiệp còn gặp khó khăn; bồi hoàn các chi phí đào tạo của doanh nghiệp theo chính sách pháp luật cũng như tiếp cận gói hỗ trợ đào tạo còn chưa hiệu quả".
Về giải pháp, bà Trần Thị Lan Anh cho rằng, cần phải phát triển chương trình đào tạo bằng cách lựa chọn mô hình thông minh. Xu hướng rút ngắn thời gian đào tạo, cải tiến chia nhỏ công việc để đào tạo theo công đoạn hoàn chỉnh, giúp người lao động trong thời gian ngắn có thể thực hiện được sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng có thu nhập.
Do đó, cần rút ngắn và chia nhỏ thời gian đào tạo để người lao động có thể sớm được làm việc trên công việc thực tế đồng thời phải có thu nhập ngay cho người lao động khi đào tạo.
Ở chính sách ưu đãi và khả năng tiếp cận gói hỗ trợ đào tạo, các doanh nghiệp đang khó tiếp cận với các gói ưu đãi, xác định chi phí vì phải chứng minh bằng hóa đơn chứng từ hợp lệ như chi phí máy móc, nguyên vật liệu phục vụ đào tạo, giảng viên giáo viên trong doanh nghiệp…
VCCI cũng đưa ra khuyến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện chính sách Nhà nước về hỗ trợ người lao động học nghề và thúc đẩy gắn kết nhà trường và doanh nghiệp. Tạo điều kiện thành lập trung tâm đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp của các tập đoàn.
Đồng thời, cần tăng cường năng lực chuyên môn cho các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải cải tiến và cập nhật thường xuyên chương trình đào tạo trong trường. Điều quan trọng là phải lựa chọn quy mô phù hợp và nội dung thông minh.
Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã nêu kết quả của việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp năm 2021 và đề ra kế hoạch nhiệm vụ năm 2022.
Theo đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có công tác chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động hợp tác doanh nghiệp. Trong đó, có ban hành Quyết định số 164/QĐ - TCGDNN ngày 05/4/2021 về Kế hoạch tổ chức các hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại nâng tầm kỹ năng người lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư". Trong đó, nội dung cơ bản là gắn kết GDNN với doanh nghiệp nhất là trong việc đào tạo, đào tạo lại người lao động trong các doanh nghiệp để hoàn thiện kỹ năng nhằm nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp.
Năm 2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ban hành Cẩm nang hướng dẫn đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề (Quyết định số 316/QĐ - TCGDNN ngày 30/7/2021) để triển khai thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với công ty Daikin Việt Nam tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ kỹ thuật viên máy lạnh và điều hòa không khí cho giáo viên của 25 cơ sở GDNN trên cả nước trở thành giáo viên hạt nhân để đào tạo nhân rộng đội ngũ kỹ thuật viên cho Daikin, nâng tổng số giáo viên hạt nhân được đào tạo theo chương trình này trong 02 năm 2020-2021 là 40 người.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp cùng tập đoàn Hoàng Long Group xây dựng mô hình dịch chuyển lao động quốc tế, tuyển dụng trên 30.000 lao động chất lượng cao để làm việc cho các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước như: Canon, Yamaha...; ký kết hợp tác với Tập đoàn Sun Group trong việc hỗ trợ đào tạo và hợp tác cung ứng nguồn nhân lực trong các lĩnh vực: Khách sạn, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, xây dựng...; tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng quản lý cho khoảng 400 nhân viên đào tạo tại doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Hồ Chí Minh.
Đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp năm 2022.
Theo đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, các hiệp hội nghề nghiệp tham gia GDNN trên cơ sở lợi ích và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; kiến nghị Chính phủ ban hành danh mục ngành, nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo; mở rộng danh mục các ngành, nghề phải sử dụng lao động có chứng chỉ nghề kỹ năng quốc gia. Bên cạnh đó, phối hợp với Tổng cục thuế hướng dẫn thực hiện các quy định về ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các quy định của pháp luật về thuế.
Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở GDNN thực hiện gắn kết với các doanh nghiệp trong đào tạo (nhất là đối với 45 trường đang thực hiện đào tạo thí điểm 22 nghề chuyển giao từ Đức); phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động đang và sẽ làm việc cho các doanh nghiệp (đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu dịch chuyển làn sóng đầu tư vào Việt Nam).
Đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp rà soát, đánh giá thực trạng và xác định nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp của ngành, địa phương, đặc biệt là nhân lực có kỹ năng nghề cao để có kế hoạch đào tạo gắn với nâng cao chất lượng đào tạo và tạo việc làm bền vững.