Học hỏi kinh nghiệm quốc tế để biên soạn sách giáo khoa phát triển năng lực
(Dân trí) - Với mục tiêu mở rộng và nâng cao hiểu biết về cơ sở lý luận của việc biên soạn sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực và các cách tiếp cận hiện đại về lý luận dạy học, NXB Giáo dục Việt Nam vừa tổ chức hội thảo tập huấn “Sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực: Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế”.
Hội thảo lần này được cho là một bước chuẩn bị của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhằm thực hiện nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa (SGK) mới phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông.
Đồng thời, xây dựng các tiêu chí làm cơ sở cho việc soạn thảo và đánh giá SGK các môn học phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới; đồng thời, vận dụng các lý thuyết và kinh nghiệm quốc tế trong biên soạn SGK đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Viện Bồi dưỡng Giáo dục thuộc Trường Đại học Potsdam (Đức) và chuyên gia của Đại học Timepere (Phần Lan) trình bày nhiều vấn đề quan trọng về SGK phát triển năng lực. Đáng chú ý là vấn đề khái niệm và bản chất của phát triển năng lực trong giáo dục; khái niệm và, vị trí của SGK trong việc phát triển năng lực người học; những tiêu chí cơ bản để phân tích và đánh giá SGK phát triển năng lực.
Quy trình biên soạn SGK phát triển năng lực, từ hình thành ý tưởng, dự thảo đề cương, biên soạn bản thảo, chỉnh lý và hoàn thiện bản mẫu trước khi in ấn; các vấn đề cụ thể thuộc về kỹ năng, kỹ thuật biên soạn SGK, từ cấu trúc các trang sách, sự phối hợp hình ảnh và phần chữ, cách trình bày các trang đôi…; sự phối hợp giữa tác giả, biên tập viên và họa sỹ trong quá trình biên soạn bản thảo SGK; việc biên soạn các tài liệu điện tử đi kèm với SGK, các tài liệu bổ sung trên mạng.
Các chuyên gia tại hội thảo cũng chia sẻ về mối quan hệ giữa SGK phát triển năng lực và các bài tập đặt ra cho học sinh trong quá trình dạy học; vai trò của bài tập trong việc phát triển năng lực cho người học; khái niệm, bản chất, các kiểu loại bài tập, các bước tiến hành cụ thể trong việc biên soạn bài tập cho học sinh; mối quan hệ giữa bài tập và các chuẩn cần đạt được trong giáo dục.
Một vấn đề quan trọng cũng được đưa ra tại hội thảo là cấu trúc của SGK với các vấn đề dung lượng, trình tự của các chương, bài trong một cuốn sách; cách thức thể hiện yêu cầu cần đạt trong chương trình giáo dục phổ thông thành mục tiêu bài học trong SGK và cách thức triển khai mục tiêu đó trong bài học.
Cùng với đó là các phương pháp dạy học được thể hiện trong SGK, việc biên soạn câu hỏi và tổ chức hoạt động cho học sinh trong SGK; cách thức kiểm tra, đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin trong SGK; kinh nghiệm chuyển đổi biên soạn SGK từ định hướng dạy học kiến thức sang định hướng phát triển năng lực.
S.H