"Học để làm người tử tế: Nói thì dễ nhưng làm được khó lắm"

Mỹ Hà

(Dân trí) - Theo GS Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên môn toán, chương trình giáo dục phổ thông 2018, học để làm người tử tế, nói thì dễ nhưng làm được khó lắm, đòi hỏi suốt đời phấn đấu mới làm được.

Học để làm người tử tế: Nói thì dễ nhưng làm được khó lắm - 1

Các khách mời trong chương trình tọa đàm triết lý giáo dục "học để làm người tử tế" (Ảnh: Hải Luân).

Trong khuôn khổ kỷ niệm 35 năm thành lập Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), chia sẻ về triết lý giáo dục "học để làm người tử tế" của cố nhà giáo Văn Như Cương, GS Đỗ Đức Thái cho rằng, học để làm người tử tế, nói thì dễ nhưng làm được khó lắm.

Theo GS Đỗ Đức Thái này, giá trị của một con người không phải đo bằng địa vị xã hội, sự thành công trong nghề nghiệp, bằng học hàm học vị hay sự giàu có, giá trị đích thực của một con người được đo bằng nhân cách, tính nhân văn và đóng góp của họ trong đời sống xã hội. Đấy là tư tưởng căn bản chảy suốt trong cuộc đời của thầy giáo Văn Như Cương.

Về điều này, TS văn học Trịnh Thu Tuyết cho rằng, quan điểm giáo dục của nhà giáo Văn Như Cương không phải là khẩu hiệu suông, từ những việc tưởng như nhỏ nhặt nhất, tất cả phải biến thành hành động và mọi việc muốn thành công, trước hết phải xuất phát từ cái tâm của người thực hiện.

Để làm người tử tế, theo cô Tuyết, không phải những điều quá cao siêu, đó là những điều nhỏ bé, chẳng hạn học trò làm đúng quy định trong lớp học, bàn học sạch sẽ ngăn nắp, thẳng hàng lối…

Học để làm người tử tế: Nói thì dễ nhưng làm được khó lắm - 2

Để làm người tử tế, trước hết phải bắt đầu từ những điều nhỏ bé (Ảnh: Hải Luân).

"Tất cả những điều tưởng chừng nhỏ bé trên đây chạm đến triết lý mà thầy Văn Như Cương hướng đến là hãy làm người tử tế", cô Tuyết nói.

Chia sẻ về việc "học để làm người tử tế", nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên lý giải về tên trường Lương Thế Vinh. Ông dẫn dắt câu chuyện thời niên thiếu, Lương Thế Vinh đã nổi tiếng là thần đồng, thông minh, nhanh trí. Chuyện kể rằng Lương Thế Vinh học rất mau thuộc, mau hiểu mà chơi cũng rất tài tình, thích thả diều, câu cá, bẫy chim cùng các bạn trẻ chăn trâu.

Lớn lên, Lương Thế Vinh càng học giỏi, học có phương pháp, kết hợp học với lao động, vui chơi giải trí. Khác với những người "dùi mài kinh sử", học như con vẹt, chỉ thuộc nhiều, không cần hiểu không cần sáng tạo, Lương Thế Vinh học đến đâu đều có đào sâu hiểu rộng.

Học để làm người tử tế: Nói thì dễ nhưng làm được khó lắm - 3

Cho dù học gì, ngôi vị cao ra sao, trước hết phải có phẩm chất làm người lương thiện, tử tế (Ảnh: Hải Luân).

"Sở dĩ nhà giáo Văn Như Cương lấy tên của nhà toán học xuất sắc thế kỷ XV là Lương Thế Vinh đặt tên trường nhằm lan tỏa thông điệp, cho dù học gì, ngôi vị cao ra sao, trước hết phải có phẩm chất làm người lương thiện, tử tế.

Học trong nhà trường chỉ một số năm nhất định nhưng khi ra trường, các em lập thế cho mình ở đời. Các em học không phải để được lời khen ngợi mà để đứng vững vàng, có tư cách đóng góp cho xã hội. Bởi vậy ngay cả tên trường cũng mang thông điệp học để làm người tử tế, tư tưởng này cần được nhân lên nữa", ông Phạm Xuân Nguyên nói.

Lương Thế Vinh là ngôi trường dân lập đầu tiên trong thời kỳ đổi mới. Từ đó đến nay, toàn quốc có 4.077 cơ sở giáo dục ngoài công lập với gần 1,9 triệu học sinh, sinh viên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm