Học cao học - con đường “lánh nạn chính đáng”?!
“Khi còn đi học, tôi cứ trông mong năm mau qua, ngày mau hết để ra trường đi làm. Đến khi đi làm rồi lại “hoảng hốt” tìm cách “chui” vào trường trở lại. Đôi lúc, tôi cảm thấy mình thật hèn khi chạy trốn với cái áo khoác nghe thật sang: Học cao học.
“Có lẽ cũng có nhiều người có cảm giác như tôi, nhưng cũng có người không cảm thấy đó là một cách lẩn trốn. Cũng còn tùy!” - anh bạn trí thức trẻ sắp hoàn thành chương trình cao học làm chúng tôi ngạc nhiên trước lời tâm sự nghe có vẻ... xót xa như thế.
Chuyện không của một người
“Tôi là dân gốc ruộng. Cha tôi dồn hết của cải, công sức của cả gia đình quyết cho tôi và thằng em trai kế ăn học tới nơi tới chốn với tâm nguyện hy sinh đời bố, củng cố đời con. Tôi vào được Trường ĐH Nông Lâm, thằng em vào Sư phạm Kỹ thuật. Anh em tôi cũng cố gắng dè sẻn, tranh thủ đi làm thêm chỗ nọ chỗ kia để giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình.
“Không dám đổi ti vi mới, không mua nổi cái tủ lạnh, không dám làm giỗ ông bà rình rang... hầu như mọi khoản thu nhập của cả nhà đều chạy thẳng lên TPHCM, đến chỗ anh em tôi. Vì vậy, ngày tôi "vinh quy" với cái bằng kỹ sư, cha tôi thở phào nhẹ nhõm, mẹ tôi rươm rướm nước mắt. Ông bà khấp khởi rằng cố thêm một năm nữa, đợi em tôi ra trường, chắc ông bà sẽ “khỏe ru”, an hưởng tuổi già...
“Nhưng cũng gian truân lắm tôi mới xin được về Sở Khoa học - Công nghệ Môi trường ở tỉnh nhà. Và không đợi lâu, tôi, rồi cha mẹ tôi bắt đầu vỡ mộng. Thu nhập của tôi mỗi tháng chưa tới 800.000 đồng. Cố gắng nuôi mình một cách hết sức chật vật, dè sẻn, không xin thêm cha mẹ đã là may lắm rồi, lấy đâu ra tiền để phụ giúp gia đình như hằng mong đợi? Điện thoại di động không có tiền nạp card, bèn lau sạch rồi cất vào hộp.
“Nhưng điều “kinh hoàng” nhất với một cái đầu đang nhiều ảo tưởng như tôi là cái cách tôi được làm việc. Tôi không muốn giống “người ta”, ngồi làm việc mà gác chân lên bàn, phì phò thuốc lá, cứ 15 - 16 giờ lại lập hội kéo nhau đi nhậu, cuối tháng nhìn lại thấy mình chẳng có công trạng gì, nên lãnh lương, dẫu thấp, cũng thấy kỳ kỳ... Mỗi ngày, nhìn cha mẹ vẫn phải tiếp tục lao tâm lao lực làm việc, bảo đảm tài chính cho cả nhà, còn bản thân thì hình như ngày càng “tàn tạ”, tôi vừa xấu hổ, vừa băn khoăn khó hiểu, không biết vì sao mình ra “nông nỗi” này, mình sai lầm ở đâu?
“Sau nhiều đêm suy nghĩ đến mất ngủ, tôi tìm ra giải pháp: Thi cao học! Một cách đàng hoàng để trốn tránh “thực tế phũ phàng” rằng sau 4 năm đại học, tốn của cha mẹ cả gia tài, mình vẫn chưa thể làm được gì cho ra trò ra trống. Lại đi học, lại tốn tiền của cha mẹ một cách chính đáng, nhưng cũng lại tiếp tục hoang mang: Lấy bằng thạc sĩ rồi sẽ làm cái gì?
“Vấn đề không phải là mình được cấp bao nhiêu mét đất, được nhận lương bậc mấy, mà sẽ làm cái gì? Hay cứ tàng tàng cho hết một ngày rồi đi nhậu giải sầu? Tôi lại không có năng khiếu giao tế, kinh doanh, không có được sự năng động để tìm cách khẳng định mình ở thành phố...”.
Và chiếc áo khoác bằng cấp
Thật ra, trong giới trí thức trẻ hiện nay, chuyện lựa chọn “nghề đi học” để trốn tránh “thực tế phũ phàng” tương tự như anh bạn cử nhân sắp là thạc sĩ nông lâm kia không hiếm, thậm chí ngày càng phổ biến. Học cao học, học văn bằng hai hay những bằng cấp khác đương nhiên là biểu hiện của sự cầu tiến.
Nhưng có một góc khuất khác, đó là con đường “lánh nạn” của một số người. Có những bạn trẻ tốt nghiệp đại học rồi vẫn không tìm được việc làm, cũng có những người không thể làm được việc, nhiều người khác không “chịu nổi” mức lương và môi trường làm việc bọt bèo... Đó là những “động lực” khiến họ tiếp tục kiên nhẫn đến trường.
Hệ lụy của những “động lực” không đủ “trong sáng” này là học không có định hướng, học trong tâm trạng miễn cưỡng, được chăng hay chớ và học để... giết thời gian. Và điều gì có thể bảo đảm được “chất lượng” của những thạc sĩ, tiến sĩ tương lai “hiếu học” một cách miễn cưỡng như thế?
Nguoilaodong – theo DNSG