Học cách sống "phông bạt", sinh viên dễ bị cô lập, đánh mất chính mình

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - "Xin lỗi mọi người vì sự "phông bạt"", một tiktoker vừa lên tiếng về hành vi "phông bạt", "làm màu"... dấy lên những lo ngại về việc học sinh, sinh viên, người trẻ đang chạy theo lối sống ảo.

Nhiều bạn trẻ thích sống "phông bạt", "làm màu"

Lối sống "phông bạt" là từ ngữ ám chỉ một lối sống lộng lẫy bề ngoài nhưng thiếu chân thật bên trong, dùng vẻ hào nhoáng để dựng lên một hình ảnh khác xa thực tế.

Câu chuyện sống "phông bạt", "sống ảo", "làm màu"... không chỉ xuất hiện mới đây mà đã tồn tại trong lối sống của không ít bạn trẻ, trong đó có cả học sinh, sinh viên.

Hiện nay, xuất hiện những bạn xây dựng hình ảnh cuộc sống sang chảnh, dùng đồ hiệu, đến những địa điểm nổi tiếng... dù điều kiện kinh tế không phù hợp.

Họ có tâm lý không cần quan tâm đời sống thực tế như thế nào nhưng khi đăng video lên mạng thì phải đẹp, phải hào nhoáng để khoe và được nhiều người ngưỡng mộ, khen ngợi.

Không ít học sinh, sinh viên sử dụng tiền của cha mẹ để mua sắm, ăn uống đắt tiền phục vụ cho mục đích này. Thậm chí, nếu gia đình không cho tiền, các bạn sẵn sàng vay tín dụng, trộm cắp để chạy theo lối sống xa hoa.

Lối sống "phông bạt" được nhắc đến nhiều hơn nữa khi sáng 13/9, Việt Anh Pí Po (tên thật Phùng Việt Anh) - tiktoker có 1,3 triệu lượt theo dõi - đã đăng video xin lỗi sau khi bị dân mạng tố "phông bạt", khoe chuyển khoản tiền ủng hộ lũ lụt ở miền Bắc.

Sự việc bùng nổ sau khi Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố sao kê số tiền ủng hộ đồng bào bão lũ từ 1/9 đến ngày 10/9.

Học cách sống phông bạt, sinh viên dễ bị cô lập, đánh mất chính mình - 1

Việt Anh chủ động ghim lại hình ảnh đăng tải và sao kê thực tế để nhắc nhở về hành động của mình (Ảnh chụp màn hình).

Việt Anh kể lại, sáng 10/9, nhóm của tiktoker dự định chuyển số tiền ủng hộ 20 triệu đồng và anh có nhờ một bạn trong nhóm thực hiện giao dịch chuyển tiền nhưng sau đó không kiểm tra lại số tiền thực tế đã chuyển.

Anh nói vì muốn "làm màu" nên nhóm đã che số tiền đi và đăng ảnh chụp chuyển khoản lên mạng xã hội. Dù số tiền bị che nhưng dựa trên phần hình ảnh lộ ra, dân mạng có thể thấy số tiền anh chuyển là hàng chục triệu đồng.

Tuy nhiên, tối 12/9, sau khi kiểm tra sao kê từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, dân mạng phát hiện số tiền nhóm chuyển thực tế là 1 triệu đồng.

Đến sáng nay, khi đọc được những bình luận từ cư dân mạng và hỏi lại bạn chuyển khoản, nam tiktoker mới phát hiện sự thật.

"Xin lỗi mọi người vì sự "phông bạt". Những hình ảnh, thông tin mọi người nhận được là thật. Và việc mình "phông bạt" cũng là thật", Việt Anh Pí Po nói trong video đăng và cho rằng đó là những hành động đáng xấu hổ, hổ thẹn.

Hành động đầu tiên của Việt Anh khi phát hiện sự cố là chuyển khoản lại cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số tiền 20 triệu đồng như muốn làm từ ban đầu.

Sau vài tiếng đăng tải, video của nam tiktoker đã thu hút hàng trăm ngàn lượt xem và bình luận với nhiều ý kiến trái chiều. Việt Anh khẳng định sẽ không xóa, không khóa bình luận, nói rằng những góp ý từ mọi người chính là bài học cho mình.

Ngoài Việt Anh, không ít người trẻ khác cũng bị cư dân mạng "check var" sau khi khoe số tiền ủng hộ trên mạng xã hội. Theo đó, có nhiều người đăng tải ủng hộ số tiền lớn nhưng bị nghi là photoshop để "sống ảo".

Đánh mất mình bởi lối sống "phông bạt"

Chia sẻ về lối sống "phông bạt" xuất hiện trong đời sống, TS tâm lý Đào Lê Hòa An - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách, pháp luật về thanh thiếu nhi của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - bày tỏ, nhìn từ góc nhìn tâm lý học xã hội, xu hướng "phông bạt" - nơi giới trẻ tạo dựng một hình ảnh lý tưởng trên mạng - đang dấy lên nhiều lo ngại về tác động tiêu cực đối với cả cá nhân và xã hội.

Theo TS Hòa An, hiện tượng giới trẻ, trong đó có không ít học sinh, sinh viên, xây dựng hình ảnh cuộc sống sang chảnh, xa hoa trên mạng xã hội dù điều kiện kinh tế không phù hợp phản ánh xu hướng tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài và áp lực phải thể hiện mình theo chuẩn mực xã hội mà họ tin rằng được chấp nhận.

Việc đăng tải những nội dung không đúng với thực tế, như trường hợp ủng hộ từ thiện nhưng lại phóng đại số tiền trên mạng xã hội, là một phần của xu hướng này. Việc này cho thấy nhu cầu được đánh giá cao và thu hút sự chú ý, bất kể sự thật bị bóp méo.

Những cá nhân liên tục thể hiện hình ảnh giả tạo này có thể đối mặt với những vấn đề về sức khỏe, tinh thần. Họ phải chịu áp lực duy trì vẻ ngoài lý tưởng, dẫn đến lo lắng và cảm giác không đủ khi cuộc sống thật không đáp ứng được những kỳ vọng đó.

Học cách sống phông bạt, sinh viên dễ bị cô lập, đánh mất chính mình - 2

TS tâm lý Đào Lê Hòa An nhấn mạnh về tác hại tiêu cực đối với cá nhân và xã hội khi bạn trẻ có lối sống "phông bạt" (Ảnh: NVCC).

Tiến sĩ tâm lý nêu dẫn chứng, chẳng hạn, khi một người luôn thấy bạn bè đăng ảnh du lịch hay sở hữu những món đồ xa xỉ, họ có thể so sánh bản thân và cảm thấy mình thua kém, mặc dù đó chỉ là hình ảnh dàn dựng.

Ngoài ra, việc "phông bạt" còn có tác động xấu đến các mối quan hệ xã hội. Khi quá tập trung vào sự công nhận trực tuyến, nhiều người có thể lơ là những mối quan hệ thực tế, dẫn đến cảm giác cô lập và thiếu sự kết nối.

"Một người có thể dành quá nhiều thời gian để chỉnh sửa ảnh và đăng tải lên mạng mà quên đi những cuộc trò chuyện thật sự với gia đình và bạn bè. Điều này còn làm xói mòn lòng tin, vì những hình ảnh không phản ánh đúng thực tế khiến người khác khó lòng tin tưởng", TS Đào Lê Hòa An chia sẻ.

Cũng theo TS An, ở mức độ xã hội, xu hướng này thúc đẩy những kỳ vọng phi thực tế và lối sống thiên về vật chất. Sự xuất hiện liên tục của những hình ảnh được chăm chút kỹ lưỡng trên không gian ảo khiến nhiều bạn trẻ tin rằng đó là tiêu chuẩn sống. Điều này dẫn đến việc ngày càng không hài lòng với cuộc sống của chính mình.

Dành lời khuyên cho các bạn trẻ, vị chuyên gia nhấn mạnh các bạn là hãy biết nhìn nhận và trân trọng giá trị thực sự của bản thân, thay vì tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài hay so sánh với những người khác trên mạng.

"Điều quan trọng là xây dựng một lối sống dựa trên sự chân thành và thực tế, thay vì dựa vào hình ảnh ảo trên mạng xã hội. Hãy nhớ rằng, những giá trị thực sự nằm ở phẩm chất, kỹ năng và những mối quan hệ chân thành, chứ không phải ở những thứ vật chất hay hình ảnh bề ngoài mà ta "cố tình" tạo ra", TS Đào Lê Hòa An bày tỏ.