Hoa hậu H’Hen Niê: “Giáo dục cần song hành với hạnh phúc và thực lực”

(Dân trí) - Khi trẻ em hiện nay đang bị "quay cuồng" trong những ước mơ và kỳ vọng của bố mẹ và nhà trường, Hoa hậu H’Hen Niê cho rằng cần ưu tiên cho trẻ được hạnh phúc thay vì áp đặt, hạnh phúc cần đi suốt trong hành trình lớn lên của mỗi đứa trẻ - cùng với thực lực, như vậy chúng sẽ có rất nhiều năng lượng để đi đến thành công.

Ước mơ trở thành… cô bán ve chai

Tại tọa đàm “Giáo dục thu hẹp khoảng cách” trong khuôn khổ sự kiện Lễ hội âm nhạc BridgeFest 2019 diễn ra tại Hà Nội ngày 13/1, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H'Hen Niê - Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2018 đã truyền cảm hứng tới các bạn trẻ bằng câu chuyện giáo dục của chính mình với xuất phát điểm là con một gia đình thuần nông ở buôn làng Sứt M’đưng, xã Cư Suê, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk.

Kể câu chuyện về giáo dục của mình, Hoa hậu H'Hen Niê tâm sự, điều mà cô luôn quan tâm và mong muốn các em dân tộc thiểu số noi theo là có ước mơ thay đổi đời sống bằng giáo dục.

 

Hoa hậu H’Hen Niê: “Giáo dục cần song hành với hạnh phúc và thực lực” - Ảnh 1.

H’Hen Niê rạng rỡ truyền cảm hứng cho bạn trẻ bằng chính câu chuyện giáo dục của mình.

 

Cũng như những đứa trẻ cùng trang lứa, từ nhỏ H'Hen Niê đã ngày ngày đi rẫy, chăn bò dưới cái nắng cháy da thịt của mảnh đất Tây Nguyên. Ở buôn làng của cô gái Ê đê, việc đi học là tốn kém tiền bạc, lãng phí thời gian trong nếp nghĩ của người dân. Với họ, học đến tuổi 14 là quá đủ, quan trọng nhất vẫn là lấy chồng, sinh con rồi tiếp nối nhau làm nương, làm rẫy. Thế nhưng bất chấp quãng đường đi học dài hơn 12 cây số mỗi ngày và định kiến bao trùm dân làng cùng những lời thúc giục lấy chồng từ cha mẹ, H’hen Niê vẫn quyết tâm bám đuổi con chữ. Thay vì tảo hôn, Hen chọn đi học. Khi bạn bè đã bỏ học hết, mình Hen vẫn miệt mài tới lớp.

 

H'hen Niê kể về thuở học trò đạp xe 12 km đến trường mỗi ngày của mình.

Cô cho rằng, may mắn lớn của mình là có một người mẹ hiện đại, luôn khuyên con lấy chồng nhưng khi con thích đi học thì vẫn tìm mọi cách ủng hộ con từ vật chất đến tinh thần. Chính bà là người đã đẩy cô ra khỏi cánh cửa nhà sàn nằm heo hút trong buôn làng Tây Nguyên.

“Tại sao lúc ấy H’Hen chọn giáo dục? Vì Hen thấy việc học là vui, là hạnh phúc, được cố gắng phấn đấu, háo hức nên luôn gạt ra lời khuyên kết hôn của mẹ”, H’Hen Niê kể.

 

Hoa hậu H’Hen Niê: “Giáo dục cần song hành với hạnh phúc và thực lực” - Ảnh 3.

"Giáo dục là thứ mang lại cho tôi nhiều đam mê và mở ra nhiều cơ hội mới”, H’Hen nhấn mạnh.

 

H’hen nhớ lại, những ngày nắng cháy đen nhẻm, đổ mồ hôi, chân tay lấm lem, phồng rộp vì cuốc đất… khi thấy các bà bán ve chai "chỉ cần nhẹ nhàng đẩy những chiếc xe đi mua ve chai trong buôn làng", cô liền ao ước trở thành một người bán ve chai để được “an nhàn” giống họ.

Lớn hơn chút nữa, khi cùng cha tới một ngân hàng trên thị trấn để trả nợ, nhìn thấy các cô nhân viên ngân hàng mặc đồng phục đẹp quá, Niê lại nhen nhóm giấc mơ làm việc trong ngành này. Đang không biết phải làm sao để trở thành một nhân viên ngân hàng thì một đoàn sinh viên tình nguyện từ Sài Gòn đến với buôn làng của Niê. H’hen được nghe các chị sinh viên tình nguyện kể rất nhiều chuyện về thành phố. Khi biết các anh chị là sinh viên của một trường kinh tế, học chuyên ngành về Tài chính - ngân hàng, cô bé Ê đê càng quyết tâm trở thành một nhân viên ngân hàng hơn. Và H’Hen Niê đã đeo đuổi thực hiện được mục tiêu trở thành sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại (TPHCM) chuyên ngành tài chính doanh nghiệp.

 

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 từng ước mơ trở thành... người bán ve chai.

Cùng với những cơ duyên mới mà giáo dục mở ra, cô gái mạnh mẽ cứ thế dần tìm ra đam mê thực sự của mình. Mới đây, cô đã giúp Việt Nam lọt top 5 cường quốc sắc đẹp năm 2018. Báo chí Philippines - quê hương của Hoa hậu Hoàn vũ 2018 những ngày qua đã không ngừng tìm hiểu thông tin về H’Hen Niê sau cuộc thi nhan sắc quốc tế tầm cỡ để tìm lời giải về hành trình truyền cảm hứng của H'Hen Niê.

 

Hoa hậu H’Hen Niê: “Giáo dục cần song hành với hạnh phúc và thực lực” - Ảnh 5.

Đông đảo bạn trẻ và các bậc phụ huynh lắng nghe chia sẻ về “thu hẹp khoảng cách giáo dục”.

 

“From nothing, here I am. I can do it so you can do it too!" (tạm dịch: Từ không có gì, tôi đang ở đây. Tôi có thể làm được, vậy bạn cũng có thể làm được) - câu nói truyền cảm hứng của H’Hen Niê tại Miss Universe cũng như chính hành trình mở cửa thế giới bằng giáo dục của cô.

Trong hành trình đó, H'Hen Niê nhấn mạnh đến hai yếu tố thực lực và hạnh phúc.

Đi ngược lại định kiến và đám đông, tư duy của cô luôn hướng về tương lai hạnh phúc phía trước thay vì đau khổ, bó buộc chính mình bằng một “khoảng cách” xa vời nào đó.

PV Dân trí đã có cuộc phỏng vấn nhanh với Hoa hậu H’Hen Niê về quan điểm giáo dục để hạnh phúc của cô:

Phụ huynh cần ưu tiên hạnh phúc cho trẻ em từ khi con còn nhỏ

PV: Trong câu chuyện của mình thoát ra khỏi những định kiến của buôn làng, H’Hen nhắc nhiều đến hai từ thực lực và hạnh phúc. Tại sao vậy?

Hoa hậu H’Hen Niê: H’Hen cho rằng hai điều quan trọng với mình là thực tế và hạnh phúc bởi vì trong cuộc sống nếu chúng ta cứ quên đi thực tại mà đeo đuổi những thứ quá to lớn hay một giấc mơ vĩ đại mà không nằm trong phương diện thực tế thì khó mà thành công và đủ sức.

Hạnh phúc là khái niệm khó nắm bắt. Đó có thể là hạnh phúc của cha mẹ khi thấy con đỗ đạt vào trường danh giá nhưng chưa chắc đã là hạnh phúc của con trẻ. Đó có thể là hạnh phúc của người đó khi thấy cha mẹ tất bật mời hàng xóm đến ăn mừng nhưng người đó còn chưa thể chắc chắn về hạnh phúc trong quãng đường tương lai.

 

Hoa hậu H’Hen Niê: “Giáo dục cần song hành với hạnh phúc và thực lực” - Ảnh 6.

Hạnh phúc với đam mê cho H’Hen nhiều năng lượng để hoàn thành mục tiêu.

 

Phụ huynh cũng nên nhìn nhận thực tế về con em mình, có thể trong hiện tại các em đã có những ước mơ, khát khao và mong muốn nhưng điều quan trọng không kém là khả năng của các em. Các em có thể theo đuổi điều đó, có khả năng hay không thì phụ huynh cũng nên nhìn nhận thực tế về môi trường hiện tại của các em. Bản thân các em cũng nên nhìn nhận về khả năng của mình và đặt câu hỏi về niềm đam mê.

Và đặc biệt, giáo dục cũng phải luôn đồng hành với hạnh phúc vì mình nghĩ trong cuộc sống của chúng ta, bến bờ cuối cùng chúng ta muốn tìm đến là hạnh phúc. Vậy thì nên ưu tiên ngay từ lúc các em còn nhỏ, khi các em mong muốn biết đam mê, hạnh phúc của mình là gì thì các em có thể hoàn thành tốt điều đó.

Ví dụ, các em cảm thấy việc thức dậy buổi sáng để đi học thì mình nên hỗ trợ cho các em việc đó. Còn nếu các em cảm thấy việc học tập làm cho mình trì trệ, mệt mỏi, stress thì tới một điểm nào đó trong hành trình học tập các em cũng sẽ đi một cái hướng hoàn toàn ngược lại với phụ huynh mong muốn, ngoài sức tưởng tượng của phụ huynh.

Khi trẻ em hiện nay đang bị quay cuồng trong những ước mơ và kỳ vọng của bố mẹ, H’Hen cho rằng cần ưu tiên cho trẻ được hạnh phúc thay vì áp đặt, hạnh phúc cần đi suốt trong hành trình lớn lên của mỗi đứa trẻ vì có hạnh phúc thì mới có năng lượng để đạt được mục đích.

Việc ra khỏi buôn làng có nghĩa là nhiều cơ hội khác đang đến. Giáo dục là thứ mang lại cho Hen nhiều đam mê và cơ hội mới để từ đó có thể làm những thứ tôi thích sau này. Khi được làm những thứ mình thích, mình có thể làm từ 6h sáng đến 10h đêm mà không hề mệt mỏi.

 

Hoa hậu H’Hen Niê: “Giáo dục cần song hành với hạnh phúc và thực lực” - Ảnh 7.

Truyền cảm hứng để thu hẹp khoảng cách giáo dục trong cộng đồng là mong muốn lớn của Hoa hậu người Ê đê.

 

Rút ngắn khoảng cách với cộng đồng và toàn cầu

PV: Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng trên thế giới và bản thân H’Hen Niê cũng đã từng bước khẳng định mình ở tầm quốc tế? Theo bạn, người Việt có thể vươn ra thế giới tốt hơn nữa thì cần chuẩn bị điều gì?

Hoa hậu H’Hen Niê: Theo Hen, điều quan trọng nhất là mình luôn không ngừng học hỏi. Thế giới luôn quay, mọi thứ luôn chuyển động, kiến thức cũng như vậy. Nó không dừng lại ở định nghĩa, khái niệm. Châm ngôn sống nào đó có thể phù hợp với hiện tại nhưng chưa chắc hữu ích trong tương lai. Do vậy mỗi người phải luôn cập nhật những kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là kiến thức ở thời điểm hiện tại và những điều mới mẻ trong tương lai đang chờ đợi chúng ta.

Bên cạnh đó, cần phải tư duy tích cực. Khi mang suy nghĩ lạc quan, cho rằng tất cả đang chào đón mình thì mình sẽ đạt được những điều tích cực nhất.

 

H'hen Niê cho rằng, giáo dục nên đặt mục tiêu song hành cùng hạnh phúc.

- H’Hen Niê có thể cho biết về kế hoạch nhằm hỗ trợ cộng đồng và những người bạn yêu thương để họ có cuộc sống tốt hơn, thu hẹp khoảng cách ở những đối tượng vốn được coi là yếu thế?

Hoa hậu H’Hen Niê: Khi H’Hen làm về công việc cộng đồng, Henmong muốn những người được hỗ trợ sẽ thay đổi tư duy, suy nghĩ, niềm tin để họ của ngày mai tốt hơn ngày hôm nay. Không phải mình hỗ trợ để cho họ vượt qua bữa cơm ngày hôm nay mà muốn thay đổi suy nghĩ và tư duy. Đó là mong muốn của H’Hen khi tham gia hoạt động cộng đồng. Khi Hen hoạt động cộng đồng, luôn mong muốn giúp các em có suy nghĩ ngày mai tốt hơn hay những người phụ nữ tin vào lựa chọn của chính bản thân mình.

Bên cạnh đó, chính bản thân Hen cũng còn nhiều thiếu sót, không ai hoàn hảo và mình phải luôn cập nhật để chính bản thân mình thay đổi theo hướng cầu tiến, học hỏi. Hen cũng phải học rất nhiều trong thời gian sắp tới những kiến thức về xã hội, ngoại ngữ. Hen luôn mong muốn bản thân mình có thể là người truyền cảm hứng cho giới trẻ và phụ nữ. Do vậy, Hen luôn suy nghĩ rằng mình phải sống thật tích cực, biết mình là ai, mình làm điều gì mang đến sự tốt đẹp cho những cộng đồng xung quanh mình.

 

Hoa hậu H’Hen Niê: “Giáo dục cần song hành với hạnh phúc và thực lực” - Ảnh 9.

 

- Bạn nghĩ trong giáo dục nói riêng và cuộc sống nói chung, điều quan trọng nhất chúng ta cần làm là gì?

Hoa hậu H’Hen Niê: Hen nghĩ quan trọng chúng ta phải thu hẹp khoảng cách giữa mọi người. Đừng bao giờ nghĩ mình là người kém may mắn. Như H’Hen, Hen không nghĩ mình là cô gái dân tộc thiểu số thiếu thốn mà luôn nghĩ cô gái rất đặc biệt và có thể làm nhiều điều trong tương lai. Đặt những suy nghĩ lạc quan, tươi đẹp sẽ giúp giảm những khoảng cách đang diễn ra trong đời sống của mình.

Nói về các vùng nông thôn, có lẽ không chỉ là khoảng cách điều kiện kinh tế mà nó là khoảng cách trong suy nghĩ của người dân. Chẳng hạn, khi Hen thay đổi suy nghĩ mình là cô gái dân tộc thiểu số thì mọi khoảng cách (đôi khi do chính mình tự tạo ra) sẽ không còn.

H’Hen nghĩ giới trẻ hay mọi người trong cộng đồng chúng ta đều có khoảng cách nhất định với nhau. Nhưng Hen nghĩ suy nghĩ cho cùng, mình tạo khoảng cách đó làm gì? Nó có tạo ra lợi ích hay không, nó có dắt bạn trẻ đến gần giấc mơ hay không? Hen thường suy nghĩ rằng, nếu mình đồng hành với nhau, đồng hành với trang lứa này, trang lứa kia, đồng hành cùng người này, người kia thì có thể tạo thành mạng liên kết và liên kết đó có thể dẫn đến thành công, vậy tại sao chúng ta không xóa nhòa khoảng cách, đặc biệt trong giáo dục?

Xin cảm ơn H’Hen Niê về những chia sẻ thú vị!

Thực hiện: Lệ Thu


Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục