Hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ học 2 buổi/ngày

(Dân trí) - Học 2 buổi/ngày là thời lượng học được giãn ra, học sinh và giáo viên sẽ không phải chịu sức ép, sự quá tải về cường độ học tập, thời gian và kiến thức…

Đó là khẳng định của ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT tại Hội thảo quốc gia về “Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên hướng tới dạy học cả ngày ở tiểu học”, tổ chức ngày 3/3 tại Hà Nội.

Ông Thành cho biết, học 2 buổi/ngày thì buổi thứ 2 không phải là thời gian để trẻ làm thêm bài toán khó, giải bài văn phức tạp mà để tăng cường các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tìm hiểu môi trường và vui chơi.  

Hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ học 2 buổi/ngày - 1

 Chương trình “chuẩn” cho học 2 buổi/ngày

 Hiện nay, cả nước có bao nhiêu tỉnh học 2 buổi/ngày và thực trạng của việc học này như thế nào, thưa ông?

Theo thống kê hiện cả nước có 35% học sinh được học cả ngày, tuy nhiên chương trình và kế hoạch dạy học buổi 2 không thống nhất, chưa được chỉ đạo tập trung, chủ yếu là tình trạng dạy thêm, học thêm, dẫn tới học sinh học quá tải, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe học sinh và gây bức xúc cho xã hội.

Những học sinh được học cả ngày lại chủ yếu ở các vùng thuận lợi, học khá lại được học thêm, trong khi học sinh vùng khó khăn, học yếu lại không được học thêm. Nghịch lý này dẫn tới học sinh vùng khó không đạt chuẩn kiến thức, kỹ  năng. Chất lượng giáo dục tiểu học vùng khó rất thấp. Chẳng hạn, Hà Giang có 22,4% học sinh lớp 1 chưa đạt yêu cầu tiếng Việt, tỷ lệ này ở Cao  Bằng, Gia Lai là 15,4%...

Do đó, Bộ đưa ra chương trình bảo đảm chất lượng giáo dục trường học vì chất lượng giáo dục ở bậc tiểu học ở nước ta hiện nay thấp vì chất lượng đội ngũ giáo viên chưa cao, thời lượng học tập ít (chỉ có 450 giờ/năm) trong khi cần tối thiểu là 700 giờ/năm, cộng với cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Chương trình học cả ngày được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Việc xây dựng chương trình học cả ngày là một chỉnh thể, thống nhất về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, kế hoạch dạy học để chỉ đạo thống nhất trong cả nước.

Hiện chương trình đề xuất được 2 mô hình dạy học cả ngày: T30 (học 30 tiết/tuần) và T35 (35 tiết/tuần), trong đó T 30 chủ yếu áp dụng cho các vùng khó khăn, tập trung tăng cường tiếng Việt và Toán và dạy tiếng dân tộc (lớp 1, 2, 3: thêm 7 tiết/tuần, lớp 4,5: thêm 5 tiết/tuần. Mô hình T35 sẽ được áp dụng cho vùng thuận lợi.

Tuy nhiên, Chương trình bảo đảm chất lượng giáo dục trường học sẽ tập trung thực hiện tại 35 tỉnh khó khăn, với cỡ khoảng 1.600 trường tập trung ở 150 huyện. Chương trình sẽ giúp các địa phương lựa chọn trường để đầu tư đúng với mục tiêu cho đối tượng khó khăn, đạt hiệu quả, tránh rủi ro. Các trường sẽ được tự chủ quản lý khi các cấp trung gian ít đi. Kinh phí thực hiện có hạn mức đối với từng đối tượng giáo viên.

 Để dạy cả ngày, các trường cần thêm giáo viên. Chương trình sẽ hỗ trợ ngân sách để trường bồi dưỡng trực tiếp cho ai lao động thêm. Điểm mới là ngân sách của chương trình không theo dự án truyền thống, tức trút tiền riêng ra ngòai luồng mà đưa vào chương trình mục tiêu, phân phối theo ngân sách nhà nước, phân bổ về các địa phương.

 Như vậy sẽ có nơi học 30 tiết/tuần, nơi thì học 35 tiết/tuần, tạo  sự chênh lệch kiến thức giữa các học sinh?

Đó là chuyện phải chấp nhận. Trường nào cũng muốn nâng lên 35 tiết/tuần  nhưng nguồn lực không có buộc phải chấp nhận nâng ở mức 30 tiết/tuần. Để áp dụng lên T35, các địa phương, các trường phải có lộ trình phấn đấu từng bước.

Giai đoạn 2009- 2015 sẽ chủ yếu thực hiện theo  mô hình T30. Mô hình T35 sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2015- 2020. Và từ năm 2025 trở đi các trường tiểu học trong cả nước sẽ học 35 tiết/tuần.

Vậy có sợ xảy ra tình trạng các trường chỉ được hỗ trợ ngân sách trong thời gian còn chương trình. Sau đó, chi phí học cả ngày sẽ lại dồn vào đầu phụ huynh, học sinh?

Nguồn kinh phí của chương trình sẽ nằm trong nguồn ngân sách chung của Chính phủ. Các đối tác cung cấp kinh phí như WB, DFID, Bỉ và các nhà tài trợ khác yêu cầu Chính phủ và các địa phương cam kết đảm bảo tính bền vững của nguồn kinh phí này. Đây cũng là cách quản lý tài chính mới. Sẽ không thể có chuyện  lúc anh đi học thì học 2 buổi/ngày, còn em thì không được học như thế.

Hỗ trợ 40% cho trẻ học 2 buổi/ngày được ăn trưa ở trường
 
Hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ học 2 buổi/ngày - 2

Chuơng trình tính đến những rủi ro khi thực hiện ở những vùng khó khăn?

Khó khăn ở vùng này tập trung ở đội ngũ giáo viên. Có những tỉnh tồn tại đến 20 điểm lẻ, mỗi điểm lẻ lại chỉ có từ 1 -2 lớp học, chỉ có một giáo viên. Trong khi  nếu dạy cả ngày, cần 1,3 giáo viên. Điều thêm giáo viên vào điểm lẻ vô cùng khó. Bài toán ấy sẽ do chính quyền địa phương tự tìm cách giải quyết  sao cho đạt hiệu quả. 

Khó khăn tiếp theo là trẻ em ở điểm lẻ, vùng khó có nguy cơ không đi học, bỏ học. Do đó, chương trình đặt ra mục tiêu ban đầu là hỗ trợ cho khoảng  40% trẻ học 2 buổi được  ăn trưa ở trường, không phải về nhà, dễ bị gia đình tận dụng lao động, giúp các em có cơ hội đến trường lớn hơn.

Những rủi ro này Bộ chỉ hướng dẫn, còn các sở, các địa phương tính được làm như thế nào để quản lý. Quản lý ngân sách giao cho cấp trường cũng  không phải đơn giản. Sẽ có một nguồn ngân sách cho nhà trường chi dạy học. Sau này có một phần ngân sách giao cho hội phụ huynh học sinh quản lý, lo cho trẻ ăn trưa. Và cũng sẽ  có quỹ khen thưởng động viên để trẻ không bỏ học.

Ngay ở thành thị, việc trẻ tiểu học ăn trưa cũng chưa có quy định cụ thể để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vậy thì khi triển khai ở vùng khó khăn, bữa ăn bán trú sẽ được quan tâm như thế nào? Có những quy định cụ thể ra sao?

Việc xây bếp ăn cho một điểm lẻ là không thể mà có thể tính đến chuyện xây ở điểm tập trung. Bài toán ấy phải đặt lên bàn để địa phương giải quyết, hoặc giao cho phụ huynh để cộng đồng cùng chung cách giải quyết. Chẳng hạn có thể trưa về nhà cạnh trường nấu cho trẻ ăn hoặc nấu cho trẻ mang thức ăn đến trường. Bài toán ấy một mình Bộ không thể lo hết mà cũng không trút gánh nặng cho hiệu trưởng. Nguồn kinh phí thực hiện sẽ được giao cho cộng đồng, cộng đồng sẽ chăm lo chuyện đời sống, vận động trẻ em đi học.

Quy định về bếp ăn bán trú ở bậc tiểu học là cần thiết nhưng không phải là việc riêng của Bộ GD-ĐT mà còn là Bộ Y tế cũng như nhiều ngành khác có liên quan. Mục đích cao nhất là để đảm bảo sức khỏe trẻ em được đến trường.

 Hồng Hạnh