Hình ảnh bé lớp 2 địu em 8 tháng tới trường lay động dân mạng

(Dân trí) - Hình ảnh bé gái mặt mũi lấm lem, trước ngực địu cả em mới 8 tháng tuổi ngay trong lớp học ở Quảng Nam khiến nhiều người xúc động. Trước mặt em, trang sách nhàu nát vẫn đang mở ra theo bài giảng của thầy giáo.

Chị em cùng học

Bức ảnh ghi lại bối cảnh một lớp học ở miền núi. Thoạt nhìn đã có thể thấy đây là một điểm trường miền núi rất khó khăn, học sinh chủ yếu là con em dân tộc thiểu số. Xung quanh lớp học, các mảnh gỗ cũ nát được ghép sơ sài với nhau.

Lớp học có khoảng trên dưới chục học sinh, hầu hết đều ăn mặc sơ sài. Trước mặt các em, những trang sách rách nát, nhàu nhĩ được mở ra theo bài giảng của thầy giáo.

Trao đổi với PV Dân trí chiều 10/1, thầy giáo Trần Văn Tuấn, người đăng tải bức ảnh trên mạng xã hội cho hay, lớp học này là một điểm lẻ thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn, huyện Nam Trà My, Quảng Nam.


Bức ảnh em Hồ Thị Nhung địu em 8 tháng tuổi đến lớp học làm lay động dân mạng (ảnh Trần Tuấn)

Bức ảnh em Hồ Thị Nhung địu em 8 tháng tuổi đến lớp học làm lay động dân mạng (ảnh Trần Tuấn)

Bức ảnh dưới đây do chính thầy Tuấn chụp ở điểm trường lẻ do mình phụ trách tại thôn 5, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, Quảng Nam.

Lớp học có tổng cộng 12 em, với trình độ học sinh của 3 lớp đang học chung. Trong đó, học sinh lớp 1 có 4 em. Học sinh lớp 2 có 3 em và học sinh lớp 3 có 5 em.

Hình ảnh em bé địu em trước ngực là học sinh Hồ Thị Nhung, học lớp 2, người dân tộc Ca Dong. Còn em của em chỉ mới 8 tháng tuổi. Do hoàn cảnh gia đình, bố mẹ làm nương rẫy xa, không ai trông em nên Nhung phải địu em đến lớp học.

Thầy Tuấn cho biết, trong lớp Nhung có học lực bình thường nếu không nói là yếu vì em hơi bị thiểu năng trí tuệ. Đáng ra em đã học lớp 4 nhưng do ở lại lớp 2 năm nên năm nay mới chỉ lớp 2. Mặc dù vậy, Nhung rất chăm chỉ cần cù đến lớp, kể cả có tuần em phải địu em đi học đến 4-5 buổi.

Ngoài Nhung, em Biết (áo hồng) cũng phải địu em tới lớp học (ảnh Trần Tuấn)
Ngoài Nhung, em Biết (áo hồng) cũng phải địu em tới lớp học (ảnh Trần Tuấn)

Còn nhiều học sinh địu em đi học

Thầy Tuấn quê huyện Quế Sơn, Quảng Nam. Tốt nghiệp khoa Tiểu học mầm non, Trường ĐH Quảng Nam năm 2014, thầy xung phong lên điểm trường lẻ này.

“Lúc đầu, gia đình khuyên em nên đi làm công nhân vì lương cao, lại gần nhà. Tuy nhiên, vì yêu nghề, tiếc những năm theo học ĐH nên em quyết định xung phong đi điểm lẻ. Hiện em đang làm giáo viên hợp đồng, có 2,6 triệu tiền lương nhưng nếu ở quê có việc làm tốt hơn, em cũng chẳng về nữa vì đã gắn bó”, thầy Tuấn tâm sự.

Được biết, điểm trường lẻ này có 2 phòng. Một phòng làm lớp học cho cả 3 trình độ, chưa kể người dân tranh thủ gửi thêm học sinh mẫu giáo. Cơ sở vật chất ở đây toàn ghép gỗ và lợp tôn nhưng hầu hết đang xuống cấp nhiêm trọng vì lớp được dựng lên từ khoảng 15 năm trước.

Phòng còn lại khoảng 9m2 cũng ghép gỗ, lợp tôn, tồi tàn không kém lớp học, được dùng làm nơi ở cho thầy giáo. Để đảm bảo việc dạy cho cả 3 lớp ghép, thầy phải chia nhóm ra để dạy hàng ngày.

Bàn ghế trong lớp học của thầy Tuấn được nhiều người cho rằng, có thể có từ khoảng hơn 10 năm trước (ảnh Trần Tuấn)
Bàn ghế trong lớp học của thầy Tuấn được nhiều người cho rằng, có thể có từ khoảng hơn 10 năm trước (ảnh Trần Tuấn)

Theo thầy Tuấn, em Nhung không phải trường hợp duy nhất phải địu em đến lớp. Còn vài em khác cũng phải địu em đi học cùng bởi gia đình vào ngày mùa. Tuy nhiên, tần suất mà học sinh Nhung phải địu em nhiều hơn các bạn do gia đình em neo người, bố mẹ hay đi làm rẫy xa.

“Ở đây chưa có điện. Một số gia đình có điện là nhờ tua-bin nước. Riêng nhà ở giáo viên và lớp học thì không có điện đóm gì. Thức ăn của các em toàn rau, làm gì con cái có sữa. Vì thế, nhiều bé được anh chị địu tới lớp, lâu lâu lại khóc váng lên khiến thầy phải dỗ để ổn định lớp học. Lớp học thì lộng gió tứ bề, những ngày rét, có em có áo ấm, có em không. Đợt rồi, có một người đến công tác, thấy thương quá, họ vận động cho mỗi cháu 1 chiếc áo ấm nên phần nào đỡ lạnh. Sách học tập của các em còn thiếu thốn nên nhiều khi thầy phải nhường sách cho các em còn mình "dạy ké” sách của học trò", thầy ngậm ngùi nói.

Nhiều khi thầy Tuấn phải nhường sách cho học sinh còn mình dạy ké sách của các em (ảnh Trần Tuấn)
Nhiều khi thầy Tuấn phải nhường sách cho học sinh còn mình "dạy ké" sách của các em (ảnh Trần Tuấn)

Trao đổi với PV Dân trí, thầy Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn cho biết, điểm trường thôn 5 Trà Dơn cách điểm trường chính khoảng 33km. Trong đó, khoảng 15km có thể di chuyển bằng xe nhưng khoảng 18km phải đi bộ vì đường đèo dốc. Nếu đi bộ từ điểm chính lên đến trường, phải mất khoảng 6 tiếng đồng hồ vì đường núi rất hiểm trở.

Hiện, toàn trường có có 14 điểm trường với 520 học sinh và 45 cán bộ giáo viên. Riêng điểm trường lẻ khó khăn có khoảng 8 điểm với 18 giáo viên đang cắm bản. Trong đó, điểm lẻ thôn 5, xã Trà Dơn là xa nhất.

“Một số điểm trường lẻ, có đường ô tô đi vào đã được kiên cố hóa. Tuy nhiên, một số điểm trường như ở Trà Dơn, do giao thông quá khó khăn, không có đường xe cộ, chủ yếu đi bộ nên mặc dù địa phương đã có kế hoạch kiên cố hóa nhưng nhiều năm vẫn khó thực hiện được vì quá khó khăn trong khâu vận chuyển vật liệu”, thầy Tuấn nói.

Cũng theo thầy Hiệu trưởng, không những cơ sở vật chất ở địa bàn miền núi này còn thiếu mà sách giáo khoa của học sinh cũng khó khăn do nhà trường không được cấp phát miễn phí nữa nên nhiều em phải học chung nhau hoặc giáo viên cắm bản phải nhường sách cho học sinh.

Mỹ Hà

(Email: myha@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm