Hiệu trưởng trường ĐH chỉ là người được thuê để điều hành
(Dân trí) - Theo ý kiến nhiều chuyên gia giáo dục, cần giao quyền tự chủ cho các trường ĐH nhiều hơn, theo đó hội đồng trường chính là cơ quan quyền lực nhất của mỗi ĐH và được quyền đặt ra các quy định tuyển dụng hiệu trưởng làm người điều hành.
Từ vụ việc GS Trương Nguyện Thành trở về Mỹ sau khi không đạt chuẩn hiệu trưởng đại học ở Việt Nam, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng nên nhìn nhận vấn đề sao cho đúng và có phải đến lúc cần điều chỉnh nội dung Luật Giáo dục ĐH cho phù hợp hơn với thực tế.
Phân định rạch ròi giữa năng lực quản lý và nghiên cứu
TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật, trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng, cần phân định rạch ròi giữa năng lực quản lý và năng lực chuyên môn nghiên cứu để có cái nhìn toàn diện hơn. Khi thu hút về Việt Nam, đâu cứ phải một người rất giỏi về chuyên môn sẽ là một nhà quản lý giỏi.
“GS Trương Nguyện Thành ở nước ngoài là một nhà nghiên cứu giỏi nhưng ông cũng chưa từng làm hiệu trưởng ở nước ngoài. Sự nổi tiếng cũng như những tài năng ở lĩnh vực nghiên cứu của các nhà khoa học ở nước ngoài thì chúng ta phải có chính sách khai thác tốt nhất năng lực của họ.
Còn đối với vấn đề quản lý thì đòi hỏi có những tiêu chuẩn về quản lý. Việc của GS Trương Nguyện Thành chỉ là một vấn đề để người ta xem lại các tiêu chí bổ nhiệm hiệu trưởng của nước mình thôi. Không nên vội vàng khẳng định trường hợp của GS Trương Nguyện Thành là sai”, TS Ngọc Sơn nêu quan điểm.
Còn TS Nguyễn Thiện Tống, một chuyên gia giáo dục thì chia sẻ: “Tôi có đặt câu hỏi cho một giáo sư ở bên Mỹ rằng “có một trường ĐH nào ở Mỹ cử một người chưa có kinh nghiệm làm hiệu trưởng không” thì vị này cho rằng hiệu trưởng bên Mỹ lo chuyện ngoại giao, vận động tài chính chứ không lo chuyện quản lý. Chẳng hạn vấn đề học vụ thì sẽ có người phụ trách chứ không phải hiệu trưởng. Trong khi hiệu trưởng ở Việt Nam lại đóng vai trò là người quản lý”.
Theo ông Tống, trước khi luật Giáo dục ĐH được sửa đổi thì các trường nên tuân thủ theo quy định nhà nước. Ông Tống cho rằng, không cần căn cứ vào quy định của Bộ, bản thân mỗi Hội đồng quản trị (HĐQT) khi chọn một người làm hiệu trưởng phải cân nhắc để mang lại lợi ích cho trường mình. Việc trường ĐH Hoa Sen bỏ phiếu đề xuất GS Trương Nguyện Thành làm hiệu trưởng thể hiện sự thiếu cân nhắc. Vì không thể nói rằng kinh nghiệm không cần thiết đối với chức danh hiệu trưởng một trường ĐH.
“Bất cứ công việc gì cũng vậy, trong điều kiện chất lượng mọi thứ như nhau thì người có kinh nghiệm hơn sẽ được chọn lựa hơn người thiếu kinh nghiệm. Bây giờ chúng ta đưa ai đó lên một chức vụ quản lý ở trường ĐH mà cao nhất là hiệu trưởng mà không đòi hỏi những kinh nghiệm thì tôi thấy quá sai lầm. Đặc biệt với giáo dục ĐH Việt Nam thì người hiệu trưởng có vai trò rất quan trọng trong vấn đề quyết định về chương trình đào tạo, các chế độ làm việc trong trường hay về nhân sự...”, TS Nguyễn Thiện Tống nói.
Phải sửa luật Giáo dục ĐH
Nhìn nhận ở góc độ của Luật Giáo dục ĐH hiện hành, theo TS Nguyễn Ngọc Sơn, điều quan trọng hiện nay là phải chỉnh sửa nhiều nội dung để luật phù hợp hơn với thực tiễn. “Từ thời điểm Luật giáo dục ĐH ban hành đến thời điểm này có nhiều thay đổi cả từ thực tế lẫn chính sách. Nếu chỉ nói đến cơ sở giáo dục ĐH công lập, thì nghị quyết 77 của Chính phủ về tự chủ ĐH được ban hành sau có rất nhiều vấn đề đổi mới cho thấy những quy định, cơ chế của Luật GD ĐH bộc lộ nhiều yếu điểm.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 19 của Ban chấp hành TƯ Đảng tháng 10/2017 nói về đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó đặc biệt đối với cơ sở giáo dục ĐH. Kèm theo đó là hàng loạt đổi mới trong đó nhấn mạnh tăng cường tự chủ, hướng đến việc quản trị như doanh nghiệp, thậm chí cao cấp hơn là bỏ luôn chế độ công chức trong mô hình sự nghiệp công lập và thực hiện chế độ thuê hiệu trưởng. Nếu đúng vậy, các tiêu chuẩn cứng như một công chức của hiệu trưởng đối với trường công lập sẽ phải thay đổi và hướng tới tự chủ hơn. Còn đối với những trường dân lập, tư thục thì còn đòi hỏi tự chủ nhiều hơn nữa”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, nếu theo Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, thì hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất trong một trường. Lúc này chủ tịch hội đồng trường phải đạt tiêu chuẩn “cứng” như hiệu trưởng. Còn hiệu trưởng lúc ấy được xác định như một nhà điều hành thì tiêu chuẩn cũng phải tương ứng. Hiệu trưởng chỉ là một nhà điều hành thì không cần phải giới hạn về nhiệm kỳ, hoặc theo nhiệm kỳ của hội đồng trường.
TS Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng mọi rắc rối hiện nay chính vì chúng ta có thói quen đặt hiệu trưởng lên vị trí quá cao và được nhiều quyền quyết định trong khi thực chất vai trò của hội đồng trường mới là cao nhất. “Chính vì tư tưởng đó mà chúng ta cứ đòi hỏi hiệu trưởng phải là nhà khoa học lớn, phải có chức danh này, chức danh kia mà quên mất hiệu trưởng chỉ là người điều hành. Mà người điều hành thì chỉ cần tiêu chuẩn tương đối tối thiểu và miễn sao có năng lực điều hành. Vì một giáo sư xuất sắc chưa chắc là nhà điều hành giỏi.
Ngay như thầy Trương Nguyện Thành là một giáo sư nghiên cứu giỏi ở nước ngoài nhưng ông chưa từng là hiệu trưởng của một trường nào ở nước ngoài. Nếu ở nước ngoài mời thầy Thành về làm hiệu trưởng các trường lớn mà Việt Nam lại cho rằng thầy không đạt tiêu chuẩn thì mới là vấn đề. Còn đây ở nước ngoài trọng vọng thầy với tư cách là nhà khoa học và Việt Nam cũng trọng vọng như vậy chứ có đánh giá thầy không phải là nhà khoa học đâu. Nếu cần thì phải “soi” chuẩn hiệu trưởng ở nước ngoài thầy Thành có đạt hay không. Ở nước ngoài đạt mà Việt Nam không thì phải coi lại các tiêu chuẩn của nước ta”, ông Sơn nêu ý kiến.
Quay trở lại vấn đề luật định, TS Nguyễn Thiện Tống cũng cho rằng: “Hiện nay ĐH của Việt Nam có cách tổ chức rất “lộn xộn”, từ các trường theo đa lĩnh vực đến những trường phạm vi rất nhỏ như tài chính, tin học, thể dục thể thao… Nếu chỉ dựa vào danh xưng là trường ĐH mà đòi tự chủ thì tôi cho rằng chưa ổn. Để tự chủ thực sự thì phải cải tổ ĐH thành những trường đa lĩnh vực trong đó có những giáo sư ở những ngành nghề khác nhau mới tạo sự cân bằng, để có trách nhiệm trước những vấn đề mà ĐH đặt ra”.
“Do đó, phải sửa luật Giáo dục ĐH từ cơ sở là HĐQT, hội đồng ủy thác, hội đồng cao nhất của trường ĐH. Luật phải đặt ra cấu thành của những hội đồng này như thế nào, thành phần có bao nhiêu người bên ngoài, bên trong nhà trường và chính hội đồng này mới là đơn vị có năng lực lựa chọn ra người hiệu trưởng. Lúc ấy sẽ không cần chuẩn như hiện nay mà mỗi trường sẽ có những quy định riêng trong việc lựa chọn hiệu trưởng”, ông Tống nói.
Tuy nhiên, ông Tống cho rằng việc điều chỉnh luật phải thực hiện có lộ trình. “Tôi cũng rất thông cảm với Bộ GD-ĐT, dù hiện nay luật lệ của ta cũng khá chặt chẽ rồi nhưng vẫn có nhiều trường làm bậy. Nên giờ “thả cửa” cho tự chủ ngay sẽ rất nguy hiểm. Chính vì vậy, phải có lộ trình và làm từ từ mà trước mắt là sát nhập các trường ĐH thành những viện ĐH đa lĩnh vực thì mới trao quyền tự chủ, tự trị ĐH cao được. Song song đó, luật phải quản lý chặt chẽ với những trường chưa đủ năng lực tự chủ.
Như vậy những ĐH có đủ năng lực tự chủ, có hội đồng quản trị tốt thì sẽ được tự quyết định mọi thứ. Lúc đó, thậm chí họ còn có những tiêu chuẩn cao hơn của nhà nước quy định và lúc đó chất lượng nhân sự trong đó hiệu trưởng của các trường sẽ chất lượng hơn. “Cũng như các công ty, các trường sẽ tuyển người rất giỏi về làm hiệu trưởng trường ĐH. Họ sẽ thông báo để có nhiều ứng viên đăng ký dựa vào các tiêu chí đặt ra, hội đồng quản trị hay hội đồng ủy thác sẽ cân nhắc, lựa chọn”, ông Tống nhận định.
Trước đó, dư luận xôn xao trước việc GS Trương Nguyện Thành đã gửi lời chia tay trường ĐH Hoa Sen để trở về Mỹ. Lý do dù ông được HĐQT trường đề cử làm hiệu trưởng nhưng không được chấp thuận do thiếu chuẩn theo quy định Luật Giáo dục ĐH phải có 5 năm kinh nghiệm quản lý phòng/khoa của một cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam.
Mới đây, GS Trương Nguyện Thành cũng lên tiếng khẳng định không cần sự đặc cách nào nhưng nhiều người vẫn cho rằng từ vụ việc này cần có cách nhìn nhận thực tế hơn với nhiều nội dung cần sửa đổi của Luật Giáo dục ĐH hiện hành.
Lê Phương