Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội: Tôn trọng quyền tự chủ của các trường trong nhóm xét tuyển

(Dân trí) - Nguyên tắc của thang điểm nhóm năm nay là tôn trọng tối đa quyền tự chủ của các trường tham gia. Cho nên khi các trường tham gia nhóm, không ảnh hưởng gì tới quy định của từng trường, đặc biệt là thang điểm.

Đó là ý kiến của PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đơn vị chủ trì nhóm xét tuyển khu vực phía Bắc khi trao đổi với phóng viên về quy trình, phương thức thực hiện trong nhóm xét tuyển.


PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội

PV: Trường Đại học Bách Khoa HN trong 2 năm triển khai xét tuyển theo nhóm, đã đem lại được hiệu quả như thế nào ? Với sự tham gia đông đảo của các trường trong nhóm, là một trưởng nhóm thì phải có sự chuẩn bị như thế nào để cho công tác tuyển sinh đạt hiệu quả cao nhất, thưa ông?

PGS.TS Hoàng Minh Sơn: Việc hợp tác giữa các trường đại học trong công tác đào tạo nói chung và tuyển sinh nói riêng là cần thiết và mang lại hiệu quả. Quan trọng là trong quá trình xét tuyển, chúng ta chia sẻ thông tin, với sự chia sẻ thông tin thì chúng ta có được một quy trình xét tuyển tốt nhất và đối với năm 2017 là giảm tỉ lệ thí sinh ảo ngay từ những vòng đầu.

Để làm những việc đó, trường Đại học BKHN cùng với các tường đại học trong khu vực đã bàn bạc và đưa ra quy trình xét tuyển, có thể năm nay sẽ là 40 – 50 trường ở khu vực miền Bắc tham gia nhóm xét tuyển thì công việc chuẩn bị không phức tạp hơn năm trước, bởi vì năm nay theo quy chế tuyển sinh, việc các em đăng kí nguyện vọng đã được thực hiện trước và toàn bộ dữ liệu ấy đã có trong cơ sở phần mềm chung của Bộ GD-ĐT.

Các trường chỉ chuẩn bị rõ yêu cầu của mình trong nhóm ngành, hay ngành tuyển sinh. Để chuẩn bị cho tuyển sinh này thì nhóm kĩ thuật đã hỗ trợ, hoàn thiện phần mềm để xét tuyển, về hệ thống phần cứng đã chuẩn bị từ năm 2016, khá đơn giản và không phức tạp.

Hiện nay trường Đại học BKHN đang hoàn thiện quy chế tham gia nhóm, sẽ đơn giản hơn rất nhiều, các trường cùng góp ý hoàn thiện quy chế các lịch trình cụ thể trong xét tuyển. Khi đó các trường đến thời gian xét tuyển sẽ thực hiện đúng theo quy trình này.

Lăn tăn của nhiều trường tham gia nhóm đó là về thang điểm. Là trưởng nhóm năm nay, ông nghĩ như thế nào về thang điểm sẽ sử dụng thang điểm 10 hay thang điểm 30?

Nguyên tắc của thang điểm nhóm năm nay là tôn trọng tối đa quyền tự chủ của các trường tham gia. Cho nên khi các trường tham gia nhóm, không ảnh hưởng gì tới quy định của từng trường, đặc biệt là thang điểm. Chúng ta cũng không chỉ có thang điểm 30 mà chúng ta có thể có thang điểm 40, rồi có những thang điểm khác khi mà các trường có những môn xét tuyển riêng chẳng hạn như môn năng khiếu hay xét tuyển theo học bạ.

Cho nên việc thang điểm nào đưa ra là hoàn toàn do các trường, phần mềm chấp nhận được việc đó, không cần thiết thống nhất về thang điểm 10 -30 hay 40. Đó hoàn toàn là quyền tự chủ của các trường xác định.

Có ý kiến cho rằng, cần có những tổ hợp xét tuyển nhỏ trong nhóm xét tuyển lớn, ý kiến của ông như thế nào về quan điểm này?

Quy trình xét tuyển không bắt buộc các trường chia thành nhỏ hay lớn. Bởi vì, nhóm xét tuyển chỉ là chia sẻ thông tin và xử lí kĩ thuật hộ các trường.

Các trường cũng có thể ngồi theo nhóm để thỏa luận các vấn đề riêng, ví dụ nhóm ngành y thảo luận về xu hướng tuyển sinh như thế nào và thống nhất. Điều đó không nằm trong phạm vi bắt buộc của nhóm xét tuyển, đó là vấn đề riêng của các trường, không cần thiết phải thống nhất trong nhóm này.

Ông lưu ý gì với các trường khi tham gia nhóm xét tuyển này, để hiệu quả, hạn chế sai xót, đạt hiệu quả như mong muốn?

Chúng tôi nghĩ rằng trước khi đưa vào nhóm xét tuyển, các trường đã xây dựng phương án tuyển sinh, thống nhát các mã xét tuyển. Để chạy hiệu quả thì các mã xét tuyển các ngành, nhóm ngành phải chuẩn, tránh sự không nhất quán trong dữ liệu. Nhóm kĩ thuật sẽ hỗ trợ các trường để chạy lại việc này.

Việc tham gia nhóm thì công tác chuẩn bị không có gì nhiều, thực ra nếu không tham gia nhóm, các trường cũng phải làm việc như vậy. Còn khi tham gia thì nhóm kĩ thuật sẽ chạy các phần mềm giúp các trường tìm ra điểm chuẩn, dữ liệu tham khảo để các trường quyết định và phần mềm sẽ chạy tiếp theo để đưa ra danh sách của các trường.

Quan trọng nhất là mỗi trường trong hội đồng tuyển sinh thống nhất một số nguyên tắc để khi xác định điểm chuẩn trúng tuyển cuối cùng không quá mất nhiều thời gian, tỷ lệ ảo qua thông số sẽ quyết định nhanh chóng.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Hồng Hạnh - Hà Cường (ghi)