Hiệu trưởng Đại học Sư phạm nhắn phụ huynh đừng bắt con chín ép
(Dân trí) - "Phụ huynh đừng bắt con cái chín ép và trở thành công cụ thực hiện tham vọng của mình. Cha mẹ hãy gạt bỏ tư tưởng biến đứa trẻ thành chuyên gia xuất sắc".
Trên đây là chia sẻ của GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN) trong bài phát biểu cuối cùng trên cương vị hiệu trưởng tiễn sinh viên ra trường ngày 9/6.
Đánh mất sự trong sáng của trẻ thơ là có tội
Trong lời nhắn nhủ với các sinh viên ra trường, thầy Minh nói rằng, thiếu vắng tình yêu thương thì sống ở đời đã khó, làm nghề giáo thì khó biết nhường nào. Thầy cô giáo chính là những người bảo vệ sự ngây thơ cho con trẻ.
Hiệu trưởng này mong rằng, mai kia ra đời, các em hãy dạy cho trẻ biết thương cha thương mẹ, biết ơn những đồng chua nước mặn, những nhọc nhằn để có bát cơm; biết sẻ chia với những phận đời không may mắn và vị tha lỗi lầm, sau đó mới dạy trẻ những tình yêu lớn lao hơn thế.
Chúng ta không thể thờ ơ với những thành công của công nghệ. Nếu không ta mãi mãi đi sau nhưng xin nhớ rằng, một con người thiếu đi tình yêu thương thì tương lai trở thành bất định.
Hãy hỏi trẻ đi học có vui không thay vì hỏi hôm nay con được bao nhiêu điểm?
Đừng để trẻ con mơ ước chúng trở thành chiếc điện thoại thông minh vì cha mẹ chúng dành nhiều thời gian cho màn hình điện thoại hơn dành cho chúng.
Theo hiệu trưởng Minh, thêm một nhúm kiến thức không trở thành người nổi tiếng, đánh mất sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ là có tội.
Hãy gạt bỏ cái tư tưởng biến đứa trẻ thành chuyên gia xuất sắc, mà luôn nhớ rằng giáo dục trẻ để chúng biết yêu thương, biết quan tâm, biết sẻ chia với những người gần gũi.
Hiệu trưởng này cũng nhắn với phụ huynh rằng, đừng bắt con cái mình chín ép và trở thành công cụ thực hiện tham vọng của mình.
Các em sinh viên sắp bước vào đời cũng nhắn với phụ huynh rằng, gia đình là nơi thường xuyên và nơi cuối cùng che chở cho mỗi trẻ thơ và mỗi con người, là nơi thấu hiểu và sẻ chia, không phải chỉ cứ nhiều tiền của, cứ ăn uống đủ đầy là có đủ yêu thương.
"Thầy cũng hiểu rằng, mai ngày ra đời, thu nhập của các em vẫn rất khiêm tốn, vẫn phải lo cái ăn, cái mặc, phải chạy vạy sớm hôm.
Ai cũng biết, khi người thầy sống trong điều kiện thiếu thốn giữa một môi trường có mức sống trung bình cao hơn thì làm sao mà toàn tâm toàn ý cho công việc của mình.
Thay vì rầm rộ tuyên dương, thay vì những lời ngợi ca cao quý, hãy có những quyết sách sát sườn với nhà giáo để họ dành hết tâm sức cho công việc mà họ đau đáu cả đời", thầy Minh chia sẻ.
Đừng hỏi học sinh hôm nay được bao nhiêu điểm
Không dặn dò các em những điều xa xôi, không nói về những thành tựu công nghệ, trong bài phát biểu, vị hiệu trưởng này vẫn đau đáu, trăn trở về lẽ sống, về yêu thương, về sự biết ơn và về những điều dường như ta đang vô tình dần đánh mất.
Ông cho biết, mình có niềm tin về các em khi rời xa mái trường này và chắc chắn sẽ là người tử tế và gieo mầm, lan tỏa sự tử tế đến với muôn người.
"Những lúc bắt gặp các em vui đùa hồn nhiên lòng thầy khấp khởi; những lúc thấy một vài em ngồi tư lự dưới các tán cây, lòng thầy chùng xuống và tự hỏi tại sao đâu đó nơi này còn làm cho tâm tư các em trĩu nặng?
Có hôm, đi bộ ngoài đường thầy được một bạn làm xe ôm chào và nói rằng, ngoài giờ học em chạy xe ôm. Thầy cảm phục và rất tôn trọng các em. Các em đã cho thầy nhiều bài học giá trị của cuộc đời.
Dường như tất cả các em đến với mái trường này, vượt lên tất cả, là trong thẳm sâu đều có một tình yêu thương sâu nặng với con người và với cuộc đời và thầy diễm phúc được sống trong tình yêu thương chan chứa đó.
Các em là một phần máu thịt của cuộc đời thầy. Thầy biết ơn các em", thầy Minh tâm sự.
Tại lễ chia tay sinh viên, ngoài nói về công ơn của các đấng sinh thành, GS.TS Nguyễn Văn Minh nhắn nhủ các tân cử nhân.
"Thầy mong muốn các em hãy đi đến tận cùng của cuộc sống, chạm đến đáy sâu tâm can của những kiếp người để không thờ ơ và trở thành vô cảm và đừng bao giờ để con tim mình nguội lạnh.
Có thể thầy chưa đúng hết, cũng có thể cuộc sống chuyển động quá nhanh, cũng có thể vòng xoáy của cuộc đời cuốn ta vào cuộc, rồi ta không còn thời gian dành cho những điều tưởng chừng bé nhỏ nhưng rất đỗi đáng yêu.
Có xót xa không khi có học sinh phải chịu đựng trong cô đơn và đơn độc giã biệt cuộc đời?
Có đau đớn không khi con cái trưởng thành rồi chỉ biết sống cho riêng mình, mặc cho mẹ cha trong cảnh cùng khốn khó?
Có đáng suy ngẫm không khi ai đó dắt tay bà cụ sang đường như là biểu tượng của việc làm tử tế, mà lẽ ra đó là việc bình thường của một con người tử tế? Lẽ nào thiếu vắng đến thế chăng?
Và lẽ nào chúng ta bình tâm khi những đồng nghiệp của chúng ta hằng ngày đi qua những cung đường hiểm trở, đánh cược cuộc đời vì những trẻ thơ?
Và chúng ta nghĩ gì, khi những đứa trẻ chen nhau trong những mái tôn ngày hè oi bức, đường đến trường với bước chân trần? Có nặng lòng không khi trẻ đến trường như một sự sợ hãi, lo âu?", GS Minh đặt câu hỏi.
Thầy giáo này mong muốn các em hãy đi đến tận cùng của cuộc sống, chạm đến đáy sâu tâm can của những kiếp người để không thờ ơ và trở thành vô cảm, để những gì chân chính trội lên.
Thấu hiểu không phải để rồi bi lụy mà để nhen nhóm dần cái tốt đẹp bằng việc mình làm và đừng bao giờ để con tim mình nguội lạnh.