Đồng Tháp:
Hiệu quả “chơi mà học, học mà chơi”
(Dân trí) - Với phương châm “học là phải hành” nhưng “hành” như thế nào cho vui mà học là chuyện ngành giáo dục TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đã và đang cho học sinh thực hiện nhiều năm qua. Trong đó, trải nghiệm du lịch - học tiếng Anh, rèn luyện kỹ năng sống, luôn thu hút thầy, trò tham gia tích cực.
Thăm vườn xoài… học tiếng Anh
Ngoài việc chú trọng dạy chữ, ngành GD&ĐT TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) trong thời gian qua đặc biệt quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống và tăng cường khả năng thực hành cho học sinh. Ngay từ đầu năm học 2016 - 2017 cũng như năm học 2017-2018, ngành giáo dục thành phố đã xác định hoạt động giáo dục gắn liền với thực tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Để thực hiện có hiệu quả, ngành giáo dục thành phố chỉ đạo các trường tổ chức hoạt động trải nghiệm ở các môn học: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Anh văn... Cách làm là tổ chức mỗi tháng ít nhất 1 lần, tạo điều kiện cho học sinh tích cực nghiên cứu, tìm ra những cái mới trên cơ sở kiến thức đã học trong nhà trường, cuộc sống. Giáo dục cho học sinh kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tìm tòi…
Tại xã Tân Thuận Đông (TP Cao Lãnh), ba trường tiểu học gồm TH Trần Phú, TH Lý Thường Kiệt và TH Phan Đăng Lưu đã liên kết để tổ chức nhiều hoạt động giáo dục gắn liền với thực tế. Như: Tham quan du lịch vườn cây ăn trái ở địa phương; vẽ tranh cổ động bảo vệ môi trường, đi cầu khỉ, tham gia làm bánh dân gian hay các em học sinh giao lưu bằng tiếng Anh với những du khách nước ngoài về đề tài du lich, môi trường…
Em Thúy Anh - học sinh trường tiểu học Lý Thường Kiệt (TP Cao Lãnh) vui vẻ cho biết: “Qua một chuyến thực tế đến vườn xoài của một bác nông dân xã Tân Thuận Đông, bọn em biết việc trồng xoài của bác rất vất vả. Tụi em còn biết qui trình ra trái của cây xoài, việc thu hoạch và bán… Nhưng tụi em vui thích nhất là được giao tiếp với các du khách nước ngoài, vì qua đây em giới thiệu về quê hương Đồng Tháp cho những du khách biết và rèn luyện khả năng giao tiếp tiếng Anh của tụi em tốt hơn”
Theo bà Ngô Thúy Anh - Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Đồng Tháp: Những chuyến tham quan, dã ngoại của học sinh giúp các em hiểu biết về lịch sử hình thành và phát triển xã Tân Thuận Đông cũng như đề án phát triển du lịch của xã. Đồng thời, qua hoạt động này, các trường còn tuyên truyền giáo dục học sinh về thực hiện “Năm văn minh đô thị 2017”; Đặc biệt là đối với người nước ngoài, tạo điều kiện cho các em giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau về giao tiếp bằng Tiếng Anh.
Rèn luyện kỹ năng sống
Hằng năm, Đoàn Thanh niên tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh này tổ chức “Ngày hội khi tôi 18 và Giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh thông qua địa chỉ đỏ”. Đây là sân chơi bổ ích, thiết thực cho đoàn viên, thanh niên, học sinh thể hiện ước mơ, hoài bão, năng khiếu, tài năng, ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội. Đối tượng tham gia chương trình là đoàn viên, học sinh đến từ các trường THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên của 12 huyện, thị, thành phố trong tỉnh…
Những kỹ năng mà Đoàn trường hướng tới để rèn luyện cho học sinh như: Kỹ năng tự nhận thức bản thân, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng hợp tác, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng từ chối, kỹ năng giải quyết xung đột, kỹ năng xác định giá trị, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng tư duy sáng tạo… Các lớp này diễn ra trong 2 buổi và nhà trường dành 1 buổi để giảng dạy về Giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cho học sinh.
Song song đó, Đoàn trường tiến hành tổ chức các hoạt động để rèn luyện các kỹ năng cho học sinh thông qua các hoạt động phong trào, các hội thi thường niên như làm lồng đèn, cắm hoa, làm thiệp, văn nghệ, cắm trại, các trò chơi dân gian, các hoạt động thể dục thể thao… các học sinh tham gia rất tích cực có nhiều sản phẩm đẹp, đầy sáng tạo.
Đặc biệt, khi Trường THPT TP Sa Đéc thực hiện các mô hình gian hàng “Thanh niên khởi nghiệp” thu hút đông đảo học sinh tham gia. Từ đó các em bước đầu tập làm kinh doanh, tập tìm hiểu thị hiếu của khách hàng gần gủi là bạn bè của mình, rèn luyện kỹ năng ra quyết định. Còn mô hình “Em yêu nghề trồng hoa” giúp các em trải nghiệm thực tế trồng hoa của các nhà vườn, học tập thể được một nghề nghiệp cho tương lai.
Còn mô hình “Học sinh tự quản” đã góp phần rèn luyện tốt cho học sinh kỹ năng ra quyết định và kỹ năng hợp tác trong việc tổ chức giờ truy bài và quản lý, kiểm tra lẫn nhau để làm việc có hiệu quả. Kết quả là những hạn chế của học sinh như ăn trong giờ học, ra ngoài hành lang chơi trong giờ truy bài, lớp làm vệ sinh kém… đã giảm đi rất nhiều, tạo được nề nếp học tập tốt cho học sinh. Từ đó, ý thức của học sinh trong việc giữ gìn vệ sinh trường, lớp ngày càng có tiến bộ. Các em có ý thức hơn trong việc ứng xử với thầy cô và bạn bè. Tình trạng học sinh vô lễ với giáo viên giảm đáng kể…
Theo cô Huỳnh Thị Mai Anh - Trường THPT TP Sa Đéc: Mục tiêu giáo dục kỹ năng thực hành xã hội trang bị cho học sinh những kiến thức, giá trị, thái độ, kỹ năng phù hợp. Hình thành cho học sinh những hành vi, thói quen lành mạnh, tích cực; loại bỏ những hành vi, thói quen tiêu cực.
Kỹ năng thực hành xã hội giúp học sinh có khả năng ứng phó phù hợp và linh hoạt trong các tình huống của cuộc sống hàng ngày. Đồng thời, giúp học sinh vận dụng tốt kiến thức đã học, làm tăng tính thực hành, tạo cơ hội thuận lợi để học sinh thực hiện tốt quyền, bổn phận của mình và phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức…
Do đó, theo ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp, việc giáo dục kỹ năng cho học sinh là nhiệm vụ vô cùng quan trọng mà Đoàn trường luôn chú tâm thực hiện thật tốt để các em có được những vốn kỹ năng cho cuộc sống của các em sau này.
Nguyễn Hành