Hiểu đúng về “trường chuyên”

(Dân trí) - “Què cụt”, “gà nòi” về kiến thức, kỹ năng là những cụm từ thường “được” đi kèm với các khái niệm như trường năng khiếu, trường chất lượng cao, nhân tài hay còn có tên gọi chung là trường THPT chuyên.

Tuy nhiên, trường THPT chuyên thực sự là trường thế nào thì trong 42 năm qua chưa hề được ngành giáo dục lý giải một cách cụ thể và xác đáng nhất.

Trong hai ngày 14 và 15/9, Hội nghị toàn quốc các trường THPT chuyên đã lần đầu tiên diễn ra tại Hải Phòng để bàn về các giải pháp trả lại cái tên đúng nghĩa nhất cho hệ thống trường chuyên.

Mô hình trường chuyên được ra đời vào năm 1965 và đến năm học 2006 - 2007 đã có 47.500  học  sinh chuyên học tại 74 trường, khối THPT chuyên trực thuộc 7 ĐH và 63 tỉnh, thành phố.

4 tồn tại bi - hài trong hệ thống trường chuyên

- Học sinh chuyên nhưng không học theo... sách chuyên. Chương trình và sách giáo khoa của học sinh trường chuyên đều phải do nhà trường và giáo viên tự “mò” và giảng dạy trong...mông lung. Không hề có một chương trình chuẩn nào cho học sinh trường chuyên. Đã thế, mặc dù đã có hệ thống trường THPT chuyên gần nửa thế kỷ nhưng không hề có trường đào tạo giáo viên dạy chuyên!

3 yêu cầu của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đối với hệ thống trường THPT chuyên:

 

1. Cần dạy học sinh thêm phương pháp tự học và làm việc tập thể. Các em phải được bồi dưỡng ý chí về một Việt Nam giàu mạnh, quyết tâm không để đất nước nghèo.

 

2. Các trường THPT chuyên phải tuyển học sinh đủ năng lực yêu cầu, không chỉ học chăm mà phải có tư chất thông minh, học giỏi nhiều môn. Bồi dưỡng các em trở thành những học sinh giàu tư chất về trí tuệ và thể chất để tiếp tục đào tạo thành nhân tài.

 

3. Trường THPT chuyên phải đạt chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất phải tốt, đãi ngộ giáo viên, học sinh tốt...

- Què cụt về kiến thức, yếu đuối về thể xác: Học sinh chuyên bị “què cụt” về kiến thức, kỹ năng chỉ vì bỏ hết các môn học khác để tập trung vào môn chuyên, môn thi vào ĐH! Về điểm này, Báo cáo tổng kết của Bộ GD-ĐT đã chỉ rõ: “Học sinh các trường THPT chuyên rất yếu về tiếng Anh, sức khỏe, chưa thật tự tin, khả năng hòa đồng trong giao lưu với bạn bè quốc tế, trong môi trường đa ngôn ngữ còn hạn chế”.

- Chuyên mà không phải là... chuyên: Trong hàng chục năm qua, nhiều phụ huynh và ngay cả học sinh muốn tìm đến  trường chuyên chỉ để được học tập tại môi trường học tập sạch và tốt, học để thi đỗ ĐH chứ không phải để phát triển... năng khiếu.

Hiện nay, mỗi lớp chuyên có từ 30 - 40 em, nhưng số học sinh thực sự có năng khiếu là rất ít! Chúng ta đang nhầm lẫn giữa học sinh học chăm và học sinh giỏi. Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận: “Có những học sinh không có năng khiếu thực sự; chỉ cần cù, chịu khó, chăm học được tuyển vào trường THPT chuyên”.

- Mù mờ mục tiêu đào tạo: Theo con số của Viện Chiến lược và chương trình giáo dục (Bộ GD-ĐT): Có hàng trăm ngàn lượt học sinh chuyên được đào tạo trong hàng chục năm qua, nhưng chỉ có 423 học sinh đoạt giải Olympic, số học sinh chuyên còn lại không rõ hiệu quả đào tạo ra sao! Mục tiêu giáo dục của trường THPT chuyên còn được hiểu chưa thống nhất, chưa rõ là tất cả những gì mà Bộ GD-ĐT có thể kết luận lại được sau 42 năm ra đời và phát triển hệ thống trường chuyên.  

 

Nỗ lực khôi phục “gốc”

Đối mặt với 4 tồn tại bi-hài kể trên trong hệ thống trường THPT chuyên, giải pháp hàng đầu của Bộ GD-ĐT hiện nay để “cứu” hệ thống trường THPT chuyên là phải khẳng định được “gốc” của trường chuyên chính là khuyến khích các học sinh có năng khiếu đặc biệt và say mê học tập. Trường THPT chuyên phải là nơi tạo điều kiện tốt nhất để học sinh tài năng vươn lên, phát huy hết năng lực trong làm việc sau này.

Xây dựng và phát triển các trường THPT chuyên thành hệ thống chủ lực phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, khá giỏi nhiều môn học, bồi dưỡng các em trở thành những học sinh có tình yêu đất nước, có ý thức tự học, có nền tảng kiến thức vững vàng, có phương pháp tự học, tự nghiên cứu, có sức khoẻ tốt để tiếp tục đào tạo thành nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Để thực hiện tinh thần mới này, ngay trong thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ  thành lập Ban chỉ đạo “chương trình quốc gia bồi dưỡng nhân tài” giai đọan 2008-2020 do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng làm trưởng ban; một Thứ trưởng Bộ GD-ĐT là Phó trưởng ban thường trực.

Cục Đào tạo phát triển tài năng cũng sẽ ra đời để dành riêng cho hệ thống trường THPT chuyên.

Mai Minh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm