Hiện tượng "cuồng trai Tây" qua góc nhìn của cựu du học sinh Việt tại Mỹ
(Dân trí) - “Chúng ta đang sống ở thời đại, nơi mà những đặc điểm của người da trắng chính là tiêu chuẩn của vẻ đẹp như mũi cao dọc dừa, da trắng nõn nà, dáng cao gầy,… Bởi vậy mà đôi khi chúng ta tự ti với chính mình. Đây cũng chính là nguyên nhân khơi dậy làn sóng cuồng trai Tây trong những năm gần đây và điều đó góp phần làm tăng thêm sự kỳ thị văn hóa trong các mối quan hệ đa chủng tộc.”
Nguyễn Siêu từng gây ấn tượng khi trúng tuyển đến 7 trường Đại học danh giá của Mỹ vào năm 2013. Trong cộng đồng du học sinh nói riêng và giới trẻ tại Việt Nam nói chung, chàng trai 24 tuổi này được biết đến nhiều qua những bài viết bày tỏ quan điểm của mình về một số vấn đề văn hóa, xã hội, giáo dục.
Tốt nghiệp loại xuất sắc Đại học Vassar, Mỹ, Nguyễn Siêu hiện đang làm trong lĩnh vực truyền thông cho một hãng phim lớn tại Mỹ.
Với những trải nghiệm trong suốt 4 năm học tập và làm việc xa nhà, Nguyễn Siêu đã tập hợp lại những ghi chép về đất nước, con người, văn hóa Mỹ dưới một góc nhìn riêng đầy tỉ mỉ trong cuốn sách “Cô đơn để trưởng thành”.
Trong khuôn khổ của sự kiện, bằng những câu chuyện cá nhân từ quãng thời gian sống, và yêu, tại thành phố New York - thủ phủ của sự đa dạng màu da cũng như lối suy nghĩ mở về các vấn đề chủng tộc, giới tính, tác giả Nguyễn Siêu cùng với nhà văn Trang Hạ đã có buổi trò chuyện cởi mở về những mảng tối của tình yêu hiện đại dưới lăng kính văn hoá - xã hội, hay những mối quan hệ đa chủng tộc như vậy có thật sự màu hồng như nhiều người nghĩ và sự chênh lệch về quyền lực, vị thế trong xã hội xuất phát từ màu da có bóp méo tình yêu?
Có sự kỳ thị văn hóa trong mối quan hệ đa chủng tộc?
Việt Nam là một đất nước đồng đều về chủng tộc cùng sinh sống nên chúng ta nhận diện nhau bằng hình dáng, khuôn mặt, tính cách. Nhưng ở Mỹ, nơi mà bạn phải tiếp xúc với những người có màu da, sắc tộc khác nhau hàng ngày thì vấn đề phân biệt chủng tộc hiện lên rất rõ nét trong cuộc sống và các mối quan hệ.
Khi nói về vấn đề này, Nguyễn Siêu đã chia sẻ những câu chuyện thực tế bản thân được chứng kiến: “Khi ở Mỹ, có người từng hỏi mình về hình mẫu lý tưởng.
Nhưng chưa kịp trả lời thì họ đã lập tức cướp lời mình ngay: “Bạn thích da trắng, da đen, châu á, hay là người Latinh”. Điều đó khiến mình hơi bất ngờ rằng tại sao con người lại định nghĩa nhau bằng màu da sắc tộc như vậy.
Có thời gian, mình cũng quen với một số bạn là người Mỹ da trắng. Chính vì định kiến đó mà thỉnh thoảng mình vẫn tự hỏi bản thân rằng bạn ấy thích mình vì khiếu hài hước, tính cách của mình hay vì mình là người châu Á mà thôi.
Mình hỏi nhiều người sao lại thích yêu người châu Á thì câu trả lời là vì tính cách của người châu Á rất dễ bảo. Bởi vậy mà họ cảm thấy được yêu chiều hơn và bản thân họ có thể dễ dàng kiểm soát mối quan hệ ấy.
Điều đấy khiến mình không khỏi băn khoăn bởi rõ ràng luôn có một màng lọc chủng tộc ẩn chứa khiến tình yêu thiếu đi sự cân bằng về vị trí của mỗi người trong một mối quan hệ”.
Nguyễn Siêu cùng nhà văn Trang Hạ trò chuyện cởi mở về những mảng tối của tình yêu thời hiện đại.
Và trong thời đại ngày nay, khi mà tình yêu qua các ứng dụng hẹn hò như Tinder, Bumble, Grindr được “ưa chuộng” đã góp phần đẩy bức tường thành ngăn cách nền văn hóa ngày một cao thêm trong những mối quan hệ tình cảm đa sắc tộc.
“Họ ngay lập tức tập trung vào thông tin của những đối tượng thuộc chủng tộc mà họ muốn tìm kiếm. Và khi chúng ta sống trong nền văn hóa với tiêu chuẩn của vẻ đẹp là người da trắng như thế này thì những người thuộc chủng tộc khác đôi khi sẽ dễ bị tự ti với vẻ đẹp của mình, tự kỳ thị bản thân mình.
Bởi vậy mà họ luôn tìm cách để vị thế của mình được nâng cao hơn. Một trong số cách mà họ lựa chọn là hẹn hò với một anh chàng da trắng. Chính điều này đã làm dấy lên trào lưu cuồng trai Tây”, Nguyễn Siêu chia sẻ quan điểm.
Trào lưu “cuồng” trai Tây đã vô tình tạo nên làn sóng phản lại xu hướng này
Có một thực tế cho thấy rằng, trên các trang mạng xã hội, không khó tìm kiếm một nhóm hay page cộng đồng tập hợp những người có cùng sở thích về trai Tây.
Có thể nói đây trào lưu trong những năm gần đây, tạm gọi là “cuồng trai Tây”. Trong buổi trò chuyện, các diễn giả đồng ý với một thực tế rằng hiện nay người Việt “cuồng” trai Tây.
Như nhà văn Trang Hạ chia sẻ: “Có một số người phụ nữ châu Á nghĩ rằng vị thế của họ sẽ được nâng lên, họ sẽ có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống và tình yêu, bản thân họ sẽ có giá trị hơn nếu như mình dám hẹn hò với một người đàn ông da trắng và nói tiếng Anh. Đôi khi chúng ta bị nhầm lẫn giữa giá trị của mối quan hệ và giá trị của chính chúng ta ở trong mối quan hệ đó”.
Đồng tình với ý kiến này, Nguyễn Siêu cho biết thêm: “Có những anh chàng Tây rất bình thường, họ không có nghề nghiệp ổn định và thất bại ở quê nhà.
Nhưng khi sang Việt Nam, ngay lập tức họ được tôn vinh như một ngôi sao, người ta không cần quan tâm đến việc anh ta làm nghề gì, đến từ đâu, có đứng đắn hay không”.
Lý giải điều này, Nguyễn Siêu cho rằng, chính sự tự ti về chủng tộc là nguyên nhân tạo nên trào lưu “cuồng trai Tây”. Sự khác biệt về màu da, sắc tộc, văn hóa,… khiến mọi người thấy hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, thực tế không ít phụ nữ Việt "cuồng" trai Tây đã dẫn đến một làn sóng phản lại xu hướng này.
Nhà văn Trang Hạ chia sẻ: “Trong 2 năm qua, có vô số bài viết nói rằng những anh Tây sang Việt Nam là những anh Tây ba lô, là những người thất bại ở quê nhà, sang đây dạy tiếng Anh kiếm sống.
Còn những anh Tây thành đạt thì giờ này không ở đây để nấu cho bạn bữa sáng, dắt bạn và dắt chó đi dạo ngoài công viên. Và rằng những người phụ nữ có bạn trai Tây đừng vội tự hào, mà hãy xem lại bản thân đi.
Tôi phát hiện ra rằng sự tấn công luôn nhằm vào phụ nữ, trong khi cả nam giới lẫn phụ nữ Việt Nam đều đang có những mối quan hệ với người ngoại quốc. Và làn sóng "dìm hàng" trai Tây này thậm chí còn nhắm trực tiếp vào những người nước ngoài đang sống ở Việt Nam”.
Mối quan hệ đa chủng tộc hay sự khác biệt về văn hóa, màu da sẽ không phải thứ gây trở ngại trong chuyện tình cảm mà nó sẽ trở thành một thứ vô cùng hấp dẫn khi chúng ta xác định được giá trị của bản thân mình trong mối quan hệ đó.
Hồng Nhung