Bình Định:

Hiểm nguy cảnh học sinh lội sông đến trường

(Dân trí) - Để đến trường học chữ, hàng ngày những học sinh ở xóm 4 thôn Cảnh An 1, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước (Bình Định) phải liều lội qua sông Hà Thanh với bao hiểm nguy rình rập.

Xóm 4 thôn Cảnh An 1 có hơn 70 hộ dân với hơn 360 nhân khẩu, trong đó có hơn 60 học sinh bậc tiểu học đến THPT. Trường học bên kia sông nên hàng ngày học sinh ở đây phải liều mình lội qua sông để đi học. Các em học sinh THCS, THPT thì tự mình lội, còn học sinh mẫu giáo, tiểu học thì có cha mẹ đưa đón đi. Khi mùa mưa đến nước sông dâng cao, nước chảy rất mạnh người dân tự sắm sõng chèo qua sông, nếu nước lũ lớn về thì học sinh phải nghỉ học dài dài.

Học sinh muốn đến trường phải lội sông rất nguy hiểm.
Học sinh muốn đến trường phải lội sông rất nguy hiểm.

Có mặt tại khúc sông này đúng vào tầm tan học, chúng tôi chứng kiếnn cảnh hàng chục em học sinh vén quần lên ngang tận bẹn, em nhỏ hơn thì cởi quần dài bỏ vào cặp đội lên đầu để lội qua sông.

Đang đứng dưới bờ sông chờ mẹ qua đón, cô bé Đoàn Thị Trang (đang học lớp mẫu giáo lớn) hồn nhiên nói: “Cháu còn nhỏ nên hàng ngày mẹ phải cõng cháu qua sông đi học. Khi về mẹ dặn, nước cạn mấy cũng không được tự ý lội qua sông nếu không có người lớn đưa qua”.

Còn em Nguyễn Thanh Thắng - lớp 9A2, Trường THCS Phước Thành cho biết: “Khi học cấp một thì ba mẹ phải cõng em qua sông đi học khi nước lớn thì phải chèo sõng. Bây giờ lớn em tự lội qua, khi nước lớn nhưng không chảy xiết vẫn bơi qua được. Các bạn ở đây, cả nam nữ muốn đi học thì phải biết bơi hết”.

Theo quan sát, lòng sông Hà Thanh rộng khoảng 100m, dù đang là mùa hè nhưng chỉ sau một trận mưa vừa thì nước trên đổ về nên nước sông đã dâng lên. Các bậc phụ huynh phải cõng con em qua sông đến trường.

Không chỉ khó khăn cho các em học sinh đến trường mà hơn 70 hộ dân ở đây muốn đi chợ hay công việc gì bên xã cũng phải lội sông qua rất vất vả.

Anh Phan Văn Chiêm, một người dân xóm 4, Cảnh An 1, cho biết: “Người dân ở đây cực lắm, muốn đi chợ, đi công việc gì đều phải lội sông. Khổ nhất là các em học sinh muốn có cái chữ thì phải lội sông rất nguy hiểm. Về mùa mưa lũ, nước lớn các cháu không tự đi được thì mạnh nhà nào nhà nấy sắm sõng (thuyền nan nhỏ - PV) đưa con em họ tới trường. Nhưng gặp nước lũ lớn, nước chảy xiết thì chịu thôi vì có nhiều lần bị lật sõng nhưng cũng may chưa có ai việc gì”.

Các em nhỏ cha mẹ phải đón đưa đi ngày một rất vất vả.
Các em nhỏ cha mẹ phải đón đưa đi ngày một rất vất vả.

Anh Chiêm nói thêm: “Dân ở đây quen rồi nên khi nước lớn là nhất định không qua nên mới không xảy ra trường hợp thương tâm. Chỉ năm 2011, có một học sinh ở nơi khác đến đây chơi nên bị chết đuối”.

Ông Cao Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho biết: “Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân xóm 4 đều mong muốn có cây cầu để người dân đi lại cũng như các cháu học sinh đến trường bớt nguy hiểm. Tuy nhiên, việc xây một cây cầu bắc qua sông là không thể vì địa phương không có kinh phí. Địa phương cũng không thể tổ chức được bến đò vì chỉ có một số ít học sinh nên xã chỉ hỗ trợ áo pháo cho học sinh được thôi”.

Một số hình ảnh người dân, học sinh ở xóm 4 thôn Cảnh An 1, xã Phước Thanh lội sông Hà Thanh hàng ngày:

Nguy hiểm nhất là học sinh đi học qua khúc sông này.
 
Nguy hiểm nhất là học sinh đi học qua khúc sông này.

Nguy hiểm nhất là học sinh đi học qua khúc sông này.

Học sinh đi học qua khúc sông này phải vác xe đạp lội qua sông.
Mua bao bột cho heo cũng phải vác qua sông.

Một người dân mua bao bột cho heo cũng phải vác qua sông.
Bà Đoàn Thị Kính (73 tuổi) phải lần lượt mang từng túi đồ lội qua sông.

Bà Đoàn Thị Kính (73 tuổi) phải lần lượt mang từng túi đồ lội qua sông.

Doãn Công