Hà Nam:
Tròng trành qua đò, vượt sông tìm chữ
(Dân trí) -Mỗi ngày, hàng trăm em học sinh và người dân thuộc thôn Nam Công, Tân Lập và thôn kinh tế mới Nam Tân (xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) phải đi trên những chuyến đò ngang đầy bất trắc, nguy hiểm luôn rình rập, để được đến trường, đi học và đi làm.
Con sông Đáy chảy qua địa bàn xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, chia cắt 3 thôn Nam Công, Tân Lập và kinh tế mới Nam Tân với trung tâm xã Thanh Tân. Để được đến trường học tập và đi làm, hàng chục năm qua, 141 hộ dân với với hơn 1.000 khẩu, thuộc 3 thôn trên, phải vượt sông Đáy trên những chuyến đò mà nguy hiểm luôn rình rập.
Có mặt tại bến đò Nam Công, một cảnh tượng dễ nhận thấy là hàng trăm em học sinh thuộc các bậc tiểu học, THCS và THPT, hàng ngày phải đánh cược tính mạng qua sông, không một chiếc áo phao, thiết bị hỗ trợ nào khác, để được đến trường đi học.
Được biết nếu người dân ở các thôn trên không muốn đi bằng đò ngang, thì có thể đi đường vòng, nhưng nếu đi đường vòng thì quá xa so với đi bằng đường đò. Anh Nguyễn Xuân Thinh, cán bộ tư pháp xã Thanh Tân cho biết: “Tôi cũng là người dân bên thôn Nam Công, nhưng nếu đi đường vòng thì tôi mất hơn 30 phút mới tới được UBND xã làm việc, trong khi đi bằng đò thì tôi chỉ mất khoảng gần 10 phút…”.
Hàng ngày các em học sinh ở đây phải đi qua dòng sông rộng hơn 120m này ít nhất là hai lần. Mỗi một lần qua đò, là mỗi một lần các em đối mặt với sự bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khi đò luôn chở quá số người quy định và không có áo phao.
Em Trần Văn Hiếu, học sinh lớp 8 chia sẻ: “Đi qua đò em cũng sợ lắm, nhưng bố mẹ em thì bận đi làm, nếu đưa em đi đường vòng đến trường thì mất thời gian, vì vậy mà em phải đi bằng đò, lâu dần nên cũng thành quen rồi”.
Bến đò Nam Công có 2 con đò, một con đò trọng tải nhỏ, và một con đò trọng tải lớn. Hai con đò này đều thuộc quản lý của gia đình ông Nguyễn Văn Luyến. Vào những giờ cao điểm, có nhiều người như sáng, trưa và chiều tối, ông Luyến dùng đò trọng tải lớn chở các em học sinh qua sông, còn bình thường thì dùng con đò nhỏ.
Ông Luyến cho biết: “Tôi về làm cái nghề này từ năm 2002. Mấy năm trước thì dân ở đây còn phải dùng đò chèo bằng tay qua sông, nhưng sau đó tôi đầu tư làm thêm hai con đò này để chạy. Mỗi ngày tôi chạy hơn 100 lượt để đưa người qua sông, biết là nguy hiểm, nhưng dân người ta cần mình, mình không bỏ được”.
Không những không đảm bảo về mặt kỹ thuật, những chuyến đò ngang nơi đây còn phải đối mặt với những nguy hiểm về tai nạn giao thông, khi mà mỗi ngày có hàng trăm lượt tàu, thuyền khai thác cát trọng tải lớn chạy qua bến đò ngang này.
Hiện nay thì chỉ có một số ít các em học sinh tiểu học, được trang bị cặp phao, nhưng số đó là rất ít. Còn các em học sinh THCS và THPT thì không có trang bị cứu hộ. Vào mỗi mùa mưa lũ, nước sông Đáy dâng cao, con đò thì quá nhỏ bé so với dòng sông Đáy rộng lớn. Nhưng cũng không còn cách nào khác, bác lái đò lại tiếp tục công việc chở các em học sinh qua sông để đến trường.
Anh Đinh Viết Đạt, phụ huynh của hai con đang theo học tại trường THCS Thanh Tân cho biết: “Hai đứa nhỏ nhà tôi mỗi lần qua đò là chúng nó sợ lắm. Biết là nguy hiểm, nhưng chúng tôi có còn cách nào khác đâu. Đi đường vòng thì xa quá. Mỗi lần con đi là chúng tôi cứ lo mãi”.
Trao đổi với chúng tôi ông Đinh Văn Đoàn, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: “UBND xã cũng đã kiến nghị lên UBND huyện và Tỉnh xin cấp kinh phí xây cầu, nhưng được bên trên trả lời là, do ở cuối xã và đầu xã đã có hai cầu Bồng Lạng và Kiện Khê, khoảng cách địa lý cũng gần, hơn nữa kinh phí xây cầu cũng không có. Còn nếu làm cầu phao cũng không hợp lý, vì phương tiện giao thông đường thủy qua lại sông Đáy rất nhiều nên tồn tại nhiều vấn đề bất cập…”.
Ông Đoàn còn cho biết thêm, hiện nay UBND xã đang có ý định xây dựng thêm một trường tiểu học bên thôn Nam Công, để giảm tải bớt lượng học sinh qua đò, nhưng kinh phí của xã còn hạn hẹp, cho nên việc xây dựng thêm một trường học vẫn đang mới chỉ là dự định.
Đức Văn - Duy Tuyên