Bạn đọc viết:
Hãy thay đổi công tác Bồi dưỡng thường xuyên
(Dân trí) - Chương trình Bồi dưỡng thường xuyên (BDTX) là một trong những hoạt động đang được triển khai ở các cấp học từ mầm non đến phổ thông, giáo dục thường xuyên. Chương trình được xác định có ý nghĩa chiến lược, quyết định chất lượng giáo dục ở các trường học, góp phần vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới toàn diện GD&ĐT.
Theo Thông tư 26 của Bộ GD&ĐT, mục đích của BDTX là để cán bộ quản lí, giáo viên cập nhật kiến thức về chính trị, kinh tế, xã hội, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, phát triển năng lực dạy học, năng lực giáo dục và những năng lực khác theo chuẩn nghề nghiệp, đồng thời phát triển năng lực tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên.
Mục đích vươn tới của chương trình BDTX rất hữu ích, thiết thực. Tuy nhiên, quá trình tổ chức, triển khai thực hiện lại tạo ra khá nhiều bất cập, đi chệch mục tiêu cao đẹp ban đầu.
Các văn bản hướng dẫn của Bộ, Sở chưa có sự thống nhất chung và cách tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở chênh nhau khá nhiều. Thậm chí có cơ sở vẫn chưa thấm nhuần mục tiêu của công tác BDTX, mơ hồ về nội dung và lúng túng trong triển khai thực hiện. Giáo viên ở tỉnh thành này “học” nội dung này, giáo viên tỉnh khác “học” những kiến thức khác. Nơi thì cấp phát sách, in ấn tài liệu, nơi thì cấp các mã mô-đun và những tiêu đề cần học, còn nội dung như thế nào thì giáo viên tự mày mò. Có tỉnh thành thực hiện việc đánh giá kết quả BDTX bằng hình thức thi cử tập trung, tỉnh khác thì chỉ cần làm bài thu hoạch trên giấy và nộp.
Mặt khác, cách tổ chức kế hoạch học tập cho giáo viên thật sự chưa khoa học và tạo được hiệu quả thiết thực. Ngoài việc tham gia lớp bồi dưỡng chính trị tập trung đầu năm học, phần lớn nội dung BDTX lại là tự học với hàng loạt mã mô-đun liên quan đến các chủ đề được cấp sẵn. Nhiệm vụ “quan trọng” của giáo viên là chỉ cần chép và chép lại vào sổ. Đến dịp thanh kiểm tra, mỗi giáo viên chỉ cần nộp hồ sơ cá nhân, đặc biệt lưu ý quyển sổ BDTX đúng chu trình đã lập trong kế hoạch là yên tâm.
Không thể phủ nhận thực tế đầy nghịch lí: Chương trình BDTX hướng đến việc thúc đẩy tinh thần tự học, tự sáng tạo của giáo viên lại vô hình chung đẩy giáo viên vào tình trạng chây ì. Tư tưởng “Làm cho có”, “Đối phó” đã thật sự nảy sinh trong đội ngũ giáo viên đang thực hiện nhiệm vụ BDTX. Giáo viên chỉ cần lên mạng chép, mượn sổ bạn chép. Thử hỏi có bao người chép và để tâm mình đang viết nội dung gì? Hay đơn thuần chỉ là thấy gì chép nấy, thấy dài là cắt bớt, lược bỏ?
Bên cạnh đó, việc lập kế hoạch BDTX đầu năm và làm bài thu hoạch cuối năm học cũng dễ dàng xuôi theo chiều hướng “đối phó”, “hình thức”. Cứ “đến hẹn lại lên”, kế hoạch hay bài thu hoạch gì cũng có thể sao chép của nhau hoặc đơn giản chỉ cần lên mạng là đầy rẫy bài viết, hay dở đều có. Và chất lượng của bài thu hoạch thì chưa hề có sự đánh giá sát sao. Yêu cầu căn bản là nộp bài đúng hạn và hiếm khi có giáo viên nào bị đánh rớt, không đảm bảo chất lượng, không hoàn thành nhiệm vụ BDTX.
Bản thân tôi thiết nghĩ, bất kì một qui định nào được ban hành cũng cần có sự giám sát thực hiện gắt gao, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả. Và chương trình BDTX này cũng vậy. Không thể phủ nhận những lợi ích thiết thực mà nó mang lại đối với việc nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ giáo dục hiện nay. Chính vì vậy, mong rằng Bộ GD&ĐT có những cải tiến hiệu quả hơn để mỗi giáo viên có thể tự giác học tập chương trình BDTX.
Nên chăng Bộ GD&ĐT cùng các cấp quản lí nghiên cứu giảm tải bớt những nội dung không thật sự cần thiết, chỉ tập trung vào những tài liệu chuyên môn của từng môn học, những kiến thức cơ sở cần thiết phục vụ công tác giảng dạy và giáo dục, những văn bản hướng dẫn, các bộ luật thiết thực thay vì dàn trải vấn đề như hiện nay. Đồng thời, thay vì để giáo viên tự học, tự mày mò bồi dưỡng bằng việc ghi chép, cần tổ chức các chuyên đề, hội thảo cấp tổ, cấp trường, nhóm trường với các hình thức tổ chức sinh động, hữu ích để những kiến thức lí luận không còn khô khan, dễ đi vào nhận thức. Và quan trọng nhất là công tác kiểm tra đánh giá cần nghiêm túc, thiết thực hơn. Có như vậy mới tạo ra động lực, thậm chí là “áp lực” thúc đầy chất lượng công tác BDTX.
Thùy Mai
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!