Hãy coi việc trò giỏi hơn thầy là chuyện bình thường

Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) - khi nêu ra giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý triển khai thí điểm mô hình dạy Toán và các môn khoa học khác bằng tiếng Anh trong các trường THPT chuyên giai đoạn 2011 - 2015.

Rất ít giáo viên vừa giỏi ngoại ngữ, vừa giỏi chuyên môn

Dù đã thí điểm đến 10 năm nhưng các trường trung học phổ thông chuyên vẫn gặp hàng loạt thách thức trong việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh.

Các thầy cô giáo tiếng Anh không thể dạy các môn khoa học tự nhiên được vì thiếu kiến thức chuyên môn. Còn các thầy cô giáo dạy Toán và các môn KHTN lại rất hạn chế về tiếng Anh.

Có một số ít giảng viên ở các trường đại học vừa có kiến thức về chuyên môn, vừa có khả năng tiếng Anh tốt nhưng các thầy cô này cũng chỉ là các giáo viên mời giảng nên khó gắn bó lâu dài với các trường THPT chuyên. Chế độ đãi ngộ cho các thầy cô đứng lớp cũng gặp nhiều bất cập.

Hãy coi việc trò giỏi hơn thầy là chuyện bình thường - 1

Cô Phạm Thị Phương Dung - giáo viên trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) - chia sẻ: Trình độ tiếng Anh của đội ngũ giáo viên trong nhà trường không đồng đều.

Số lượng giáo viên có trình độ tiếng Anh đảm bảo trong trường rất ít, do đó trường phải mời các giáo viên có năng lực từ bên ngoài hoặc tuyển thêm giáo viên để dạy các môn chuyên bằng tiếng Anh.

Cũng đến từ Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, cô Trần Thị Anh Đào cho biết: Giáo viên giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn khi đối mặt với các bài giảng bằng tiếng Anh.

Hầu hết họ chỉ được đào tạo từ các trường Đại học Sư phạm về chuyên môn, trình độ ngoài ngữ hoàn toàn là tự rèn luyện, học tập nên chất lượng không đồng đều.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả và tiến độ triển khai chương trình giảng dạy. Giáo viên rất vất vả trong việc soạn giáo án và truyền tải kiến thức lại cho học sinh.

Để soạn giáo án cho một tiết dạy thường mất từ 7 - 10 ngày. Bên cạnh đó, người dạy còn phải thiết kế bài giảng sao cho đơn giản, dễ hiểu, phù hợp cho học sinh nắm vững các kiến thức cơ bản.

Gạt nỗi lo trò giỏi hơn thầy

Một thực tế là nhiều học sinh các trường chuyên có tư duy tốt, đặc biệt là các môn KHTN nên khả năng tiếp thu môn học này bằng tiếng Anh khá tốt.

Nhiều em có quá trình học ngoại ngữ nhiều năm ở các lớp học dưới nên kiến thức của các em về môn học lẫn ngoại ngữ đều rất phong phú. Trước thực tế này, nhiều giáo viên tỏ ra e ngại khi trình bày bài giảng với các học sinh.

Thầy Nguyễn Thành Văn - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên ngữ (Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN) chia sẻ thực trạng ở trường mình:

Học sinh quá giỏi ngoại ngữ là một thử thách khi các thầy cô giáo dạy môn khoa học tự nhiên chỉ được đào tạo ở trường sư phạm về chuyên môn, không giỏi ngoại ngữ bằng học trò nên thiếu tự tin trước học sinh.

Trước thực trạng này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho rằng các giáo viên không nên áp đặt tâm lý phải giỏi hơn trò, nhất là ở môn ngoại ngữ.

Ông Thành chia sẻ: Bản thân tôi khi đi dạy cũng gặp tình huống tương tự. Khi đó, tôi luôn thừa nhận mình chưa hiểu từ đó và nhờ học sinh giảng giúp, nhưng tôi không thấy trò nào tỏ vẻ không tôn trọng mình nên các thầy cô cũng không cần phải cảm thấy ngại hay xấu hổ vì thua trò.

Hiện nay, theo xu hướng của giáo dục hiện đại, phương pháp dạy học tích cực không phải lấy người dạy làm trung tâm, không phải lấy người học là trung tâm, mà lấy hoạt động dạy học là trung tâm.

Quan trọng nhất là học trò học được gì từ những bài giảng. Vì nếu học sinh được học thầy giỏi nhưng ngồi trên lớp như vịt nghe sấm thì hoạt động giáo dục cũng không có ý nghĩa gì.

Các giáo viên cần tạo môi trường thân thiện giúp học sinh có hứng thú học và tiếp thu bài giảng được dễ dàng, đưa tiếng Anh chuyên ngành gần gũi với học sinh, giúp học sinh vượt qua được rào cản về tiếng Anh chuyên ngành, đưa một số hoạt động vào bài giảng đặc biệt là hoạt động nhóm, để các em giúp đỡ lẫn nhau, cùng chia sẻ để nâng cao kiến thức.

Đồng tình với quan điểm trên, thầy Nguyễn Vũ Lương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên KHTN (ĐHKHTN-ĐHQGHN) cho rằng: Để thành công thì trước hết phải làm cho mỗi giáo viên, học sinh có cách nghĩ khác về tiếng Anh, dám nói tiếng Anh, không sợ sai, không ngượng khi trình độ kém và luôn cầu thị.

Theo Lan Anh

Giáo dục & Thời đại

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm