Thanh Hóa:

Hàng trăm phụ huynh không cho trẻ đi học để phản đối sáp nhập trường

Duy Tuyên

(Dân trí) - Để phản đối sáp nhập trường, hàng trăm phụ huynh tại huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đã không cho con em đi học. Chính quyền và ngành chức năng đang vận động người dân cho trẻ đến trường.

Thực hiện chủ trương sáp nhập địa giới hành chính, tại huyện Nông Cống (Thanh Hóa), nhiều địa phương tiến hành sáp nhập lại với nhau như: xã Trung Ý sáp nhập vào xã Trung Chính và lấy tên là xã Trung Chính; xã Tế Tân sáp nhập vào xã Tế Nông lấy tên là xã Tế Nông… Các đơn vị trường học tại các xã nêu trên cũng thực hiện sáp nhập lại.

Hàng trăm phụ huynh không cho trẻ đi học để phản đối sáp nhập trường - 1

Những ngày qua, hàng trăm phụ huynh tại xã Trung Ý, huyện Nông Cống, Thanh Hóa không đưa con em đến trường mới học mà cho con em đến trường cũ.

Ngày 1/9/2020, UBND huyện Nông Cống đã tổ chức công bố các quyết định về việc sáp nhập, đổi tên các trường học thuộc xã Tế Nông, Trung Chính…

Cụ thể, trường Tiểu học và THCS xã Trung Ý cũ (sau đây tạm gọi là Trường Tiểu học Trung Ý) được sáp nhập về Trường Tiểu học và THCS Trung Chính; Trường Tiểu học Tế Tân cũ (sau đây tạm gọi là Trường Tiểu học Tế Tân) sáp nhập về Trường Tiểu học Tế Nông; còn học sinh THCS Tế Nông sẽ sang học tại Trường THCS xã Tế Tân.

Tuy nhiên, phụ huynh tại xã Trung Ý, đã phản đối quyết định trên. Những ngày qua, hàng trăm phụ huynh không đưa con em đến trường mới để khai giảng cũng như học tập mà vẫn đưa con em đến các trường cũ.

Hàng trăm phụ huynh không cho trẻ đi học để phản đối sáp nhập trường - 2
Phụ huynh cho rằng, cơ sở vật chất tại trường cũ vẫn đang đáp ứng được và việc đi lại khó khăn nên mong muốn con em được học tại trường cũ.
Hàng trăm phụ huynh không cho trẻ đi học để phản đối sáp nhập trường - 3
Đã nhiều ngày trôi qua, học sinh vẫn được phụ huynh đưa đến trường cũ.

Trường Tiểu học Trung Ý có 148 học sinh, những ngày qua, chỉ một số ít phụ huynh cho con em đến trường mới học, còn hầu hết đều đưa con em đến trường cũ để phản đối việc sáp nhập.

Theo các bậc phụ huynh, hiện tại Trường Tiểu học Trung Ý vẫn đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy và học. Nếu chuyển trường, phụ huynh không sắp xếp được thời gian đưa con đi học vì đa số bố mẹ các cháu đi làm ăn xa và làm công ty, con cháu chỉ ở nhà với ông bà cao tuổi, phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp nên không thể mang các cháu đi học ngày 4 lần đến trường.

Nếu để các cháu tự đi thì phụ huynh không yên tâm vì các cháu còn quá nhỏ để tham gia giao thông.

“Chủ trương, đường lối của Nhà nước chúng tôi hoan nghênh, đồng ý. Tuy nhiên, đối với học sinh cấp 1, đưa đón con rất khó khăn, trong khi đó, cơ sở vật chất bỏ không mà con em phải đi học xa, khoảng 3,5km.

Chưa có cuộc họp tiếp xúc với người dân mà sát đến ngày khai giảng mới thông báo”, anh N.A.S., có con theo học tại Trường Tiểu học Trung Ý chia sẻ.

Hàng trăm phụ huynh không cho trẻ đi học để phản đối sáp nhập trường - 4
Học sinh đến trường cũ rồi lại về vì thầy cô giáo đã chuyển qua trường mới dạy.

Còn phụ huynh L.V.K. trình bày: “Chúng tôi rất tiếc vì trường đã có từ lâu, người dân đóng góp rất nhiều để xây dựng cơ sở vật chất cho trường, thầy cô đang công tác ổn định. Trong khi đó, người dân không được bàn bạc, trao đổi ý kiến”.

Nhiều phụ huynh cho rằng, việc chuyển đến trường mới gây xáo trộn rất nhiều. Các bậc phụ huynh bày tỏ nguyện vọng có thể để lại cơ sở 1 và cơ sở 2 để tạo điều kiện cho bà con trong việc đưa đón con em đến trường và người dân có thời gian phát triển kinh tế.

Ông Lê Xuân Phùng, Chủ tịch UBND xã Trung Chính cho biết: Địa phương đã thông qua chủ trương tại các hội nghị tiếp xúc cử tri. Người dân phản ánh do đi lại khó khăn, chính quyền đã cử giáo viên và cán bộ xuống từng gia đình vận động bà con.

Xã cũng đã báo cáo sự việc lên huyện và thời gian tới sẽ tiếp tục vận động bà con cho trẻ đến trường.

Hàng trăm phụ huynh không cho trẻ đi học để phản đối sáp nhập trường - 5
Phụ huynh tại xã Tế Tân cũ cũng đưa con đến trường cũ để phản đối sáp nhập trường.

Không chỉ tại xã Trung Ý, mà hàng trăm phụ huynh xã Tế Tân (cũ), cũng tập trung phản đối việc sáp nhập trường. Theo phụ huynh phản ánh, học sinh Tiểu học từ Tế Tân sang Tế Nông đi học vừa xa, vừa phải qua 2 lần đường tàu và đi trên quốc lộ rất nguy hiểm.

Những ngày qua, hàng trăm phụ huynh không cho con đi học tại trường mới mà vẫn mang con đến trường cũ để phản đối. Trong khi đó, trường cũ đóng cửa nên phụ huynh lại cho con về.

Mong muốn của phụ huynh vẫn là con em được học tại trường cũ. Lý do mà phụ huynh đưa ra là vì đường xa, hơn nữa, phần lớn là ông bà đưa các cháu đi học, nhiều ông bà không đi được xe máy nên đi lại khó khăn. Nếu bố hoặc mẹ là những nhân công chính ở nhà đưa con đi học thì ảnh hưởng đến việc làm.

Hàng trăm phụ huynh không cho trẻ đi học để phản đối sáp nhập trường - 6
Trường cũ đóng cửa...
Hàng trăm phụ huynh không cho trẻ đi học để phản đối sáp nhập trường - 7
...phụ huynh lại đưa con về.

Trước những thắc mắc của phụ huynh, ông Lê Hùng Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Tế Nông giải thích: Sau khi sáp nhập, xã có 6 đơn vị trường học (2 trường Mầm non, 2 trường Tiểu học và 2 trường THCS), trong đó sẽ tiến hành sáp nhập 2 trường Tiểu học và 2 trường THCS. Riêng 2 trường Mầm non được giữ nguyên làm cơ sở 1 và 2.

Thống kê cho thấy, Trường Tiểu học Tế Tân có 200 học sinh, còn Trường Tiểu học Tế Nông có 370 học sinh. Sau khi tính toán phương án, địa phương quyết định chuyển học sinh Tiểu học từ Tế Tân sang Tế Nông học (còn học sinh THCS sở thì ngược lại). Ông Đỉnh thông tin, cự li nơi xa nhất giữa 2 địa điểm cũ và mới là khoảng 4km. 

Cũng theo ông Đỉnh: “Việc sáp nhập là cần thiết và chính quyền đã tổ chức tuyên truyền đến người dân. Phụ huynh đề nghị cho các cháu học ở trường cũ để giảm bớt khó khăn đi lại và lo ngại đến sự an toàn cho các cháu. Cũng có những gia đình khó khăn khi cả vợ chồng làm công ty.

Những ngày qua, có khoảng 170 học sinh không đến trường. Chúng tôi tiếp tục cập nhật thông tin báo cáo về huyện, đồng thời tiếp tục động viên các cháu đến trường”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vấn đề nêu trên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm