Hàng trăm học sinh “liều mình” qua cầu phao cũ nát
(Dân trí) -Hàng trăm học sinh xã Thiệu Long (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) hàng ngày đang phải đi qua cây cầu phao đến trường. Cầu cũ nát, mỗi khi có người đi qua lại rung lên bần bật. Ước mơ bao đời nay của người dân nơi đây chỉ là có được một cây cầu kiên cố...
Hai thôn Tiên Nông và Tiên Long thuộc xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) nằm ở phía bên kia sông Cầu Chày. Người dân hai thôn này phải đi một quãng đường dài, sau đó vượt qua chiếc cầu phao bắc ngang sông Cầu Chày, đoạn giáp ranh với thôn Phú Lai thì mới đến được trung tâm xã.
Bao đời nay, người dân hai thôn này luôn luôn mơ ước có được một cây cầu kiên cố nối đôi bờ sông để thuận tiện giao thông qua lại. Hàng ngày, các em học sinh đến trường không còn phải đi qua chiếc cầu phao tạm luôn rình rập nhiều mối hiểm nguy.
Bà Lê Thị Chín (60 tuổi) ở thôn Tiên Long tâm sự: “Ngày trước khi chưa có chiếc cầu phao nối hai bờ sông này, người dân chúng tôi muốn qua sông phải đi đò rất nguy hiểm. Vào năm 1984, ở đây cũng đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm làm ba người bị chết”.
Chị Vụ Thị Dưỡng - một trong những người đi trên chuyến đò năm đó kể lại: “Hôm đó, trong chuyến đò sớm có hơn chục người từ bên kia sông sang bên xã để đi chợ. Do chở nhiều người, nước sông lại chảy xiết làm cho con đò bị lật. Lúc này, nhiều người đã nhảy tán loạn lên bờ và may mắn thoát chết. Riêng có một người phụ nữ đang mang thai cùng với đứa con nhỏ đi cùng mình đã không thoát lên bờ được đã bị nước cuốn trôi và tử vong sau đó”.
Từ đó, người dân thôn Tiên Nông và Tiên Long mỗi khi đi qua đoạn sông này rất lo sợ. Năm 1990, một người dân trong xã thấy cảnh bà con nhân dân qua sông vất vả, khó khăn đã đứng ra làm chiếc cầu phao để cho người dân được qua lại an toàn. Đến nay, chiếc cầu phao này vẫn đang còn sử dụng.
Thôn Tiên Nông và Tiên Long hiện có 220 hộ với hơn 700 nhân khẩu. Số học sinh của hai thôn đang theo học ở các cấp học từ mầm non đến THPT là hơn 200 học sinh. Do cách trở về đường đi nên hàng ngày, hầu hết tất cả học sinh tại hai thôn này đều phải đi qua chiếc cầu phao này mới đến được trường.
Có mặt tại chiếc cầu phao này, chứng kiến cảnh người dân và học sinh đi qua cây cầu chông chênh khiến chúng tôi không khỏi lo lắng. Chiếc cầu phao tạm bắc ngang sông này dài hơn 30m, rộng hơn 1m. Các phao nổi của cầu là những thùng xi măng. Những thùng này được nối lại với nhau bởi những thân cây luồng, cột bằng những sợi dây thép hay lốp xe đạp. Mặt cầu được lát từ nhiều tấm ván liên kết lại với nhau.
Được biết, những thùng nổi này được làm từ những năm 1990 nên đến nay đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Cầu được kết cấu bằng các thân cây luồng ghép lại, sau thời gian mưa nắng nên đến nay rất yếu. Mỗi khi có người đi qua, cầu lại rung lên bần bật, phát ra những tiếng kêu cành cạch. Cầu chỉ rộng hơn 1m, nhưng hai bên lại không có lan can che chắn, rất nguy hiểm.
Em Lê Thị Trang, học sinh lớp 9B - Trường THCS Thiệu Long cho biết: “Nhà em ở thôn Tiên Long nên ngày nào em cũng phải đi học qua cây cầu này. Mỗi khi qua cầu em rất sợ bị ngã nhưng cũng phải đi vì không có đường nào khác. Khổ nhất là các em học sinh tiểu học không dám đi qua đây. Mỗi khi đi học phải có bố mẹ đưa qua cầu mới đến được trường”.
Được biết, trước thực trạng người dân hai thôn trên bị cách trở đi lại rất khó khăn trong nhiều năm, vào mùa mưa lũ nước sông dâng cao thì giao thông bị chia cắt hoàn toàn, UBND xã Thiệu Long đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhờ sự giúp đỡ. Tuy nhiên, đến nay người dân nơi đây vẫn phải chờ. Mỗi khi qua cầu phải gồng mình, bất chấp những hiểm nguy luôn rình rập.
Ông Nguyễn Ngọc Tình - Chủ tịch UBND xã Thiệu Long cho biết: “Trước tình hình người dân hai thôn Tiến Nông và Tiến Long đi lại khó khăn như vậy, UBND xã cũng đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan cấp trên để mong muốn được xây dựng nơi đây một cây cầu kiên cố nhưng đến may vẫn chưa có được. Người dân đi qua còn đỡ chứ các cháu học sinh thì vô cùng nguy hiểm”.
“Vào mùa mưa lũ, nước sông dâng cao đến mức báo động thì cầu phao phải dừng hoạt động. Hàng ngày, các cháu học sinh vẫn phải đến trường không thể nghỉ học được. UBND xã đã phải dùng thuyền máy để chở các cháu học sinh qua sông đến lớp. Có những năm thuyền máy cũng phải chịu vì nước sông dâng quá cao. Bình thường sông chỉ rộng khoảng 40m, nhưng khi nước lũ dâng cao khoảng cách qua sông lên đến 600 - 700m. Nước mênh mông vô đến tận làng thì đò cũng không thể hoạt động được”, ông Tình cho biết thêm.
Trường Tiểu học Thiệu Long hiện nay có gần 70 học sinh là con em ở hai thôn trên theo học. Các học sinh này hàng ngày phải mất 4 lần đi về qua chiếc cầu phao đầy hiểm nguy này. Nhiều em học sinh lớp 1, 2 không tự mình đi qua cầu được nên lúc nào cũng phải có phụ huynh đưa đi, đón về.
Ông Nguyễn Đình Tính - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Biết được những khó khăn của các em học sinh gặp phải nên nhà trường rất lo lắng và quan tâm đến các em. Cứ đến đầu năm học, đây cũng là thời gian trùng với mùa mưa lũ, các em học sinh ở hai thôn này đến trường rất khó khăn. Khi có thông báo nước sông chuẩn bị dâng cao thì nhà trường cũng thông báo đến các phụ huynh đưa con mình sang nhà người thân bên này sông để đảm bảo an toàn mỗi khi đến trường, không phải nghỉ học”.
“Hàng năm, nhà trường cũng luôn vận động các tổ chức tài trợ cặp có phao cứu sinh phát cho các em ở đây vào đầu năm học. Các thầy cô giáo trong nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở các em học sinh khi đi qua cầu phao không được nô đùa, chạy nhảy dễ bị rơi xuống sông. Mùa hè thì không được tắm sông để không bị đuối nước”, ông Tính cho biết thêm.
Thái Bá - Duy Tuyên