1. Dòng sự kiện:
  2. Căng thẳng Chính phủ Mỹ - ĐH Harvard

Hàng nghìn ca "trẻ em sinh ra trẻ em": Yêu vội, cưới sớm và những bà mẹ nhí

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Hiện tượng "trẻ em sinh ra trẻ em" với những bà mẹ nhí đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong định hướng, giáo dục cho trẻ.

Tuần qua, thông tin chỉ trong vòng 2 năm, Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) đã ghi nhận gần 800 trường hợp trẻ em sinh ra trẻ em một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng yêu và quan hệ tình dục sớm ở lứa tuổi vị thành niên.

Con số trên gợi ra một thực tế đáng buồn khi trung bình mỗi ngày có một ca trẻ em sinh ra trẻ em tại bệnh viện này. Và đây, chỉ là thống kê của một bệnh viện phụ sản tại TPHCM. Nếu tính trong cả nước, có lẽ, số ca này còn cao hơn gấp nhiều lần.

Hãy hình dung, một đứa trẻ vừa cắp sách tới trường, nay đã phải đối diện với trách nhiệm của một người mẹ. Những cô bé tuổi trăng tròn lóng ngóng bế trên tay đứa con còn đỏ hỏn.

Hàng nghìn ca trẻ em sinh ra trẻ em: Yêu vội, cưới sớm và những bà mẹ nhí - 1

Trẻ mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên có thể chịu nhiều hậu quả nặng nề (Ảnh minh hoạ: Vy Hiếu).

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, bác sĩ (ThS.BS) Phạm Văn Giào - Viện trưởng Viện Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục trước thực trạng đáng lo ngại trên.

Thưa ThS.BS Phạm Văn Giào, ông nhận định thế nào về tình trạng quan hệ tình dục và mang thai ngoài ý muốn của vị thành niên hiện nay? 

- Trước hết, đây là một thực trạng đáng lo ngại, đòi hỏi sự quan tâm nghiêm túc. Gần 800 trường hợp "trẻ em sinh ra trẻ em" tại một bệnh viện trong 2 năm là minh chứng cho thấy khoảng trống lớn trong giáo dục giới tính, kỹ năng sống và khả năng tiếp cận dịch vụ tư vấn tâm lý, y tế phù hợp cho lứa tuổi này.

Chúng ta cần nâng cao hiệu quả của các chương trình giáo dục và hỗ trợ toàn diện cho thanh thiếu niên.

Giai đoạn vị thành niên với sự bùng nổ cảm xúc và khao khát khám phá dễ khiến các em rơi vào các hành vi rủi ro, bao gồm cả quan hệ tình dục không an toàn.

Môi trường sống hiện đại, với sự phổ cập của mạng xã hội, phim ảnh không lành mạnh, thiếu định hướng từ người lớn và áp lực đồng trang lứa, cũng tác động không nhỏ đến nhận thức và hành vi của các em.

Nhiều em đang "học làm người lớn" từ những nguồn thông tin sai lệch, trong khi thiếu một hệ sinh thái giáo dục lành mạnh từ gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của cả mẹ và con mà còn gây ra những tổn thương tâm lý sâu sắc, dẫn đến nguy cơ bỏ học, bị kỳ thị và vòng xoáy tái nghèo.

Chúng ta đang thiếu một hệ thống giáo dục giới tính toàn diện, cần sự phối hợp liên ngành giữa giáo dục, y tế, truyền thông và công tác xã hội, cùng với sự tham gia chủ động của phụ huynh.

Thưa ông, việc mang thai và sinh con ở độ tuổi vị thành niên có những tác động tâm lý sâu sắc nào đến các bà mẹ nhí?

- Trở thành cha mẹ ở tuổi vị thành niên là một biến cố lớn, thường để lại hệ quả lâu dài và đa tầng đối với các em gái chưa trưởng thành về thể chất lẫn tinh thần.

Tuổi vị thành niên là giai đoạn hình thành bản sắc cá nhân, xây dựng lòng tự trọng và khám phá thế giới xung quanh. Việc mang thai ngoài ý muốn làm gián đoạn toàn bộ tiến trình này, khiến các em bị đẩy vào vai trò người lớn khi chưa hề sẵn sàng – cả về cảm xúc lẫn nhận thức.

Hàng nghìn ca trẻ em sinh ra trẻ em: Yêu vội, cưới sớm và những bà mẹ nhí - 2

ThS.BS Phạm Văn Giào, Viện trưởng Viện Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thứ nhất, cảm giác sốc, hoang mang và tội lỗi là những phản ứng thường gặp ngay sau khi phát hiện mang thai. Do thiếu kỹ năng đối diện với khủng hoảng và sợ hãi phản ứng từ gia đình – nhà trường – xã hội, nhiều em lựa chọn im lặng, tự cô lập hoặc tìm đến những hành vi tiêu cực như bỏ học, bỏ nhà đi, thậm chí có ý nghĩ tự tử.

Thứ hai, các em dễ rơi vào trạng thái lo âu kéo dài và trầm cảm, đặc biệt khi không có người lớn hỗ trợ đúng mức. Những em gái vị thành niên mang thai thường không có chồng, không có nguồn lực tài chính, chưa có nghề nghiệp ổn định.

Đặc biệt là phải đối mặt với sự kỳ thị xã hội. Điều này làm tăng nguy cơ stress sau sang chấn (PTSD) và rối loạn lo âu xã hội, khiến quá trình làm mẹ trở nên vô cùng nặng nề.

Thứ ba, việc đảm nhận vai trò làm mẹ khi chưa phát triển đầy đủ về kỹ năng làm cha mẹ khiến các em dễ rơi vào cảm giác bất lực, mất kiểm soát và tổn thương lòng tự trọng.

Những vấn đề như thiếu kiên nhẫn trong chăm sóc con, xung đột với gia đình, hoặc bị tước mất cơ hội học tập – phát triển cá nhân sẽ ảnh hưởng nặng nề đến lòng tin của các em vào tương lai.

Đáng chú ý, một số nghiên cứu cho thấy những em gái mang thai ở tuổi vị thành niên có nguy cơ rơi vào vòng xoáy tái nghèo, tái lệ thuộc và tái tổn thương, nhất là nếu các em từng có tiền sử bị bạo lực, bị lạm dụng hoặc bị bỏ rơi trước đó.

Thưa ông, xã hội thường tập trung nhiều vào những bà mẹ nhí. Vậy theo ông, những ông bố trẻ, ông bố vị thành niên có phải chịu những tác động tâm lý tương tự, hay có những đặc điểm riêng nào trong những ảnh hưởng đó?

- Trong vài trường hợp, trẻ em trai là bên trực tiếp liên quan nhưng lại bị xem nhẹ vai trò và nhu cầu tâm lý, trong khi thực tế các em cũng là một nửa của vấn đề và phải đối diện với những ảnh hưởng tâm lý không hề nhỏ.

Thực tế, nhiều em trai vị thành niên khi đối diện với việc bạn gái mang thai thường rơi vào trạng thái tâm lý khủng hoảng, hoang mang, sợ hãi – không khác gì bạn gái của mình.

Các em thường chưa đủ trưởng thành để gánh vác trách nhiệm làm cha, chưa có nền tảng tài chính hay kỹ năng sống phù hợp. Cảm giác tội lỗi, thất vọng về bản thân, lo sợ bị xã hội và gia đình lên án là những phản ứng phổ biến.

Hàng nghìn ca trẻ em sinh ra trẻ em: Yêu vội, cưới sớm và những bà mẹ nhí - 3

Một bé gái ở Nghệ An từng sinh con khi 15 tuổi (Ảnh: Đ.Hoàng).

Một số em phải nghỉ học, đi làm sớm, gây gián đoạn quá trình phát triển bản thân. Sự thiếu hụt mô hình vai trò giới tính tích cực cũng dẫn đến những hành vi tiêu cực ở một số em trai.

Do đó, hỗ trợ tâm lý cho trẻ vị thành niên mang thai cần một mạng lưới can thiệp liên ngành, bao gồm tham vấn học đường, trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên thân thiện, hỗ trợ tâm lý sau sinh, giáo dục kỹ năng làm cha mẹ sớm và can thiệp gia đình. Mục tiêu là giảm tổn thương và phục hồi năng lực cảm xúc, xã hội cho các em.

Theo ông, vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc hỗ trợ tâm lý cho những bà mẹ trẻ và ông bố trẻ là gì? 

- Việc một thiếu niên trở thành cha hoặc mẹ khi chưa sẵn sàng không chỉ là vấn đề cá nhân, mà là thách thức hệ thống. Hỗ trợ tâm lý cho các em không thể là trách nhiệm đơn lẻ của một cá nhân hay một ngành, mà đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, liên cấp giữa gia đình – nhà trường – xã hội. 

Gia đình là nơi đầu tiên tiếp nhận thông tin khi một em gái mang thai hoặc một em trai trở thành cha. Phản ứng của cha mẹ, người thân có thể quyết định hướng đi tâm lý của các em - hoặc đẩy các em vào khủng hoảng trầm trọng hơn hoặc mở ra cơ hội phục hồi sớm. 

Một gia đình tích cực cần tạo ra không gian cảm thông và không phán xét, giúp con cảm thấy được chấp nhận thay vì bị loại trừ; đồng thời cung cấp hỗ trợ thiết thực như hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh, hỗ trợ tài chính tạm thời và duy trì liên kết cảm xúc để các em không rơi vào trạng thái cô lập hoặc mất niềm tin vào các mối quan hệ.

Việc cha mẹ giữ được bình tĩnh, thấu hiểu và đồng hành là yếu tố then chốt giúp các em phục hồi lòng tự trọng, điều chỉnh cảm xúc tiêu cực và từng bước thích nghi với vai trò làm cha mẹ ở độ tuổi còn rất trẻ.

Hàng nghìn ca trẻ em sinh ra trẻ em: Yêu vội, cưới sớm và những bà mẹ nhí - 4

Một bé gái ở Hà Nội mang thai và sinh con khi chỉ 12 tuổi (Ảnh: G.Đ.).

Nhà trường có thể trở thành hệ thống phục hồi bằng cách tạo điều kiện linh hoạt cho việc học tiếp, triển khai dịch vụ tham vấn tâm lý học đường, tổ chức các chương trình kỹ năng làm cha mẹ và lồng ghép giáo dục giới tính toàn diện. Việc nhà trường tiếp tục đồng hành cùng các em gửi đi thông điệp về giá trị và cơ hội của các em.

Xã hội cần đảm bảo các em không bị gạt ra bên lề mà được tiếp cận với hệ thống dịch vụ liên ngành, thân thiện. Cần thiết lập các trung tâm tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản và hỗ trợ nuôi dạy con cho thanh thiếu niên; xây dựng chính sách an sinh xã hội phù hợp và thúc đẩy truyền thông không kỳ thị. Sự phối hợp liên ngành giữa y tế, giáo dục, đoàn thể và tổ chức xã hội là rất quan trọng.

Một xã hội nhân văn không chỉ phòng ngừa mà còn trao cơ hội phục hồi cho những người trẻ từng vấp ngã. Gia đình là nền móng, nhà trường là điểm tựa tri thức, và xã hội là vành đai bảo vệ, giúp các em vượt qua khủng hoảng để trưởng thành một cách có trách nhiệm và lành mạnh.

Xin cảm ơn ông!

Số liệu từ Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) cho thấy, mỗi năm trên thế giới có khoảng 800.000 trẻ gái dưới 15 tuổi sinh con, chủ yếu ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Ngoài ra, tại các nước đang phát triển, mỗi năm có ít nhất 10 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn ở nhóm tuổi 15-19 và 3,9 triệu trường hợp phá thai không an toàn trong nhóm tuổi này.

Theo số liệu của Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, tỷ suất sinh con ở vị thành niên (từ 15-19 tuổi) vẫn còn cao, trên toàn quốc là 42 trẻ sinh ra sống/1.000 phụ nữ, cao nhất ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc (115) và Tây Nguyên (76).