Hàng ngày giáo viên phải nhắc nhở học sinh phòng, chống đuối nước
(Dân trí) - Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ kêu gọi toàn ngành giáo dục quan tâm nhiệm vụ dạy bơi, học bơi, dạy kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh và sinh viên.
Ngày 19/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động thương binh và Xã hội cùng hơn 3.000 học sinh, nhân dân quận Long Biên đã tham dự “Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước trẻ em năm 2019”.
Tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ kêu gọi toàn ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm nhiệm vụ dạy bơi, học bơi, dạy kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh và sinh viên.
Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm tại nước ta có hàng nghìn thanh thiếu niên tử vong do đuối nước. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trẻ em chưa biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước; người lớn thiếu quản lý, giám sát; do thiên tai bão lũ; cơ sở vật chất dạy và học bơi còn thiếu…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các bộ, ban, ngành và các địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Nhiều chương trình giáo dục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên trong phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước đã được thực hiện.
Môn bơi cũng đang được chọn lựa là một trong những môn tự chọn trong các nhà trường. Để từng bước đáp ứng cơ sở vật chất trong dạy và học bơi, các hình thức xã hội hóa cũng đã được áp dụng một cách linh hoạt. Tính đến tháng 5/2018, cả nước đã có hơn 1000 trường học có bể bơi, hơn năm triệu em học sinh của cả ba cấp học đã biết bơi.
Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và ban hành cơ chế chính sách để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng bể bơi, câu lạc bộ bơi và các hoạt động phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh.
Các đồng chí lãnh đạo tham quan các mô hình tập bơi, dạy bơi.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, một phần rất quan trọng để chương trình dạy bơi có hiệu quả đó là phải làm cho các em học sinh, sinh viên yêu thích môn bơi và coi tập luyện môn bơi là một cách để rèn luyện thân thể.
“Học bơi không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn làm cho mỗi người trở nên hoàn thiện hơn, mạnh mẽ hơn. Trong một số trường hợp, biết bơi và có kỹ năng phòng chống đuối nước còn có thể giúp người khác vượt qua nguy hiểm, xây dựng một môi trường sống an toàn trong mỗi gia đình, nhà trường và cộng đồng” - Bộ trưởng chia sẻ.
Để việc phòng chống đuối bước trở thành ý thức của mỗi học sinh, Bộ trưởng đề nghị, mỗi thầy cô giáo sẽ dành từ 3-5 phút trong các tiết học cuối cùng, trước khi tan trường để nhắc nhở các em học sinh tuyệt đối không được chơi, đùa nghịch gần những nơi tiềm ẩn nguy cơ gây nên đuối nước.
Tại lễ phát động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, dù có rất nhiều biện pháp đã triển khai nhưng số người tử vong do đuối nước ở Việt Nam còn rất lớn. Theo Phó Thủ tướng, biết bơi chưa đủ mà mỗi người phải được trang bị kỹ năng ứng phó, xử lý để cứu người bị đuối nước. Cùng với đó, các cấp, các ngành cần làm tốt công tác cảnh báo tại những nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước như vực xoáy, sụt cát, nước sâu; hạn chế rủi ro thiên tai bằng các biện pháp như giữ rừng, cấm hút cát ven sông…
Phó Thủ tướng mong rằng lễ phát động thực sự tạo chuyển biến tốt để giảm thiểu số người bị đuối nước hàng năm ở Việt Nam, đầu tiên là bằng mức trung bình của ASEAN, sau đó là của thế giới.
Minh Thu