Hàng loạt ĐH, CĐ có nguy cơ đóng cửa: Không thể kinh doanh giáo dục

Các trường đại học, cao đẳng cần nhìn nhận sự thật là nên chấp nhận đóng cửa, giải thể nếu không đảm bảo chất lượng đào tạo.

Kết thúc 2 đợt xét tuyển đại học năm 2015, lãnh đạo nhiều trường đại học, cao đẳng đã bày tỏ tâm trạng lo lắng vì không có đủ nguồn tuyển sinh so với yêu cầu đề ra. Điều này sẽ dẫn đến các trường gặp khó khăn trong hoạt động giảng dạy và có thể đứng trước nguy cơ đóng cửa hoặc phá sản.

Không phải năm nay là năm đầu tiên, nhiều trường đại học, cao đẳng than phiền vì không tuyển đủ người học sau mỗi mùa tuyển sinh. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay nhưng các trường vẫn cố gắng duy trì hoạt động một cách cầm chừng, chắp vá, thiếu thốn đến đâu thì bổ sung dần đến đó hoặc chờ đợi những chính sách thông thoáng hơn từ phía cơ quan quản lý Nhà nước. Đó là trường hợp của những trường đại học, cao đẳng ngoài công lập hoạt động không mấy hiệu quả.


Rất ít thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển đại học trong đợt 2.

Rất ít thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển đại học trong đợt 2.

Với các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập huy động tốt cổ đông đóng góp cho xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và tìm kiếm giảng viên giỏi giảng dạy cũng như đã tạo được uy tín với xã hội và người học thì hàng năm không thiếu nguồn tuyển.

Tuy nhiên, bên cạnh những trường trên thì còn nhiều trường không đủ nguồn vốn ban đầu để xây dựng trường học nên phải thuê địa điểm, hạn chế đầu tư sân bãi, phòng thí nghiệm cũng như không có nhiều kinh phí để mời giảng viên giỏi giảng dạy thì chất lượng đào tạo lại yếu kém nên khó thu hút thí sinh nhập học.

Ngoài những trường đại học, cao đẳng ngoài công lập hoạt động cầm chừng, manh mún thì còn rất nhiều trường tốp giữa, tốp dưới hay những trường trực thuộc một số Bộ, ngành, địa phương dù được Nhà nước đầu tư sẵn về cơ sở vật chất nhưng lại hoạt động kém hiệu quả. Họ không tạo được động lực phát triển ngành nghề, nghiên cứu khoa học cũng như đảm bảo đủ giảng viên có trình độ cao giảng dạy nên không đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Đây cũng là lý do chính khiến những trường này mất dần uy tín của người dân và khiến thí sinh, phụ huynh “quay lưng” lại với họ.

Chưa hết, còn có các trường đại học, cao đẳng muốn có thêm nguồn thu đã cố gắng xin mở thêm hệ đào tạo tại chức, văn bằng 2 và sau đại học. Thậm chí nhiều trường vì muốn có người học cũng tìm mọi cách để được nâng cấp từ trung cấp lên cao đẳng, cao đẳng lên thành đại học. Tuy nhiên, họ chỉ quan tâm đến việc thu hút nhiều học viên mà không chú trọng đến đảm bảo chất lượng đào tạo.

Có những cơ sở đào tạo buông lỏng việc quản lý nên sinh viên đã thuê người học hộ, chỉ đến trường nộp tiền và thi lấy bằng. Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp, họ lại khó xin được việc làm vì không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Trình độ, năng lực của họ cũng không cạnh tranh được với lao động ở các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Chất lượng đào tạo ở nhiều trường đại học, cao đẳng yếu kém là một trong những nguyên nhân khiến cho hàng chục nghìn, trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Điều này đã được đề cập rất rõ khi mới đây, bản tin cập nhật của Viện Khoa học Lao động và Xã hội về thị trường lao động quý I/2015 cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp, tăng 114.000 người so với cùng kỳ năm 2014. Số lao động trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp tăng từ hơn 162.000 lên gần 178.000 người; lao động tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp tăng từ 79.000 người lên hơn 100.000; lao động không có bằng cấp từ gần 630.000 lên 726.000.

Đáng buồn nhất là để có được bất kỳ một công việc nào nhằm nuôi sống bản thân, nhiều người đã “giấu” đi tấm bằng thạc sĩ, cử nhân của mình.

Chấp nhận đóng cửa, chứ không đem giáo dục ra kinh doanh

Có thể nói, hệ lụy của thực trạng trên là trong một thời gian dài, Bộ GD-ĐT đã ồ ạt cho các trường đại học, cao đẳng được thành lập, mở ngành, mở hệ đào tạo mà buông lỏng việc giám sát, quản lý hay còn “nương tay” chưa giải thể những trường hoạt động không hiệu quả.

Xã hội hóa giáo dục để người dân và các tổ chức, đơn vị cùng chung tay đóng góp xây dựng trường học và phục vụ nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân. Tuy nhiên, không vì mục đích cao cả đó mà ngành Giáo dục lại buông lỏng quản lý, thả nổi việc thành lập, nâng cấp, mở ngành, mở hệ đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng.

Trong lĩnh vực kinh tế, sản phẩm, hàng hóa của các công ty, doanh nghiệp có chất lượng kém thì sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người tiêu dùng và bị họ “tẩy chay”. Còn giáo dục là lĩnh vực đặc thù, sản phẩm mà các trường đại học, cao đẳng đào tạo ra chính là con người của 5 đến 10, 20 năm tới. Nếu các trường chỉ coi trọng đến lợi nhuận, mở trường, mở hệ chỉ để thu học phí mà quên mất nhiệm vụ chính là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì hậu quả để lại sẽ vô cùng lớn đến cả một thế hệ trẻ trong tương lai và đối với đất nước.

Chính vì vậy, đã đến lúc (nếu không nói là quá trễ), các trường đại học, cao đẳng cần nhìn nhận sự thật là nên chấp nhận đóng cửa, giải thể nếu không đảm bảo chất lượng đào tạo. Bởi nếu không thì người học cũng sẽ “quay lưng” lại với chính mình.

Còn về phía cơ quan quản lý như Bộ GD-ĐT cũng nên nghiêm khắc, dứt khoát đình chỉ các trường sau một thời gian gia hạn mà không có sự đổi mới, chuyển biến trong giảng dạy, đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất. Việc làm này cũng là để ngành Giáo dục sắp xếp, cơ cấu và hệ thống lại toàn bộ mạng lưới giáo dục đại học sao cho có chất lượng, hiệu quả hơn.

Theo VOV