Hài hước bài văn điểm 10 tả bố “không bằng bố người ta” của cô bé lớp 5
(Dân trí) - Bài văn tả về bố của cô bé lớp 5 Nguyễn Phan Anh Thư được cô giáo cho điểm 10. Trong từng dòng viết dí dỏm của cô con gái thì bố mình “thua bố người ta” nhưng trên hết, đó là người cha có trách nhiệm và yêu thương con hết mực.
Bài văn tả về bố quá đỗi chân thực qua ngôn từ dí dỏm, hài hước của cô bé Nguyễn Phan Anh Thư (SN 2007, trú xã Nghi Phú, TP Vinh, Nghệ An) được mẹ em chia sẻ trên trang facebook cá nhân.
Bố em thua xa “bố nhà người ta”
Đây là bài tập về nhà của Anh Thư tại lớp bồi dưỡng học sinh giỏi Văn mà hiện bé đang theo học. Bài văn dài, chữ viết chưa thật đẹp, trình bày chưa thật sạch sẽ, còn nhiều chỗ gạch xóa nhưng vẫn được nhận điểm 10 của cô giáo.
“Cô thích lắm. Bài viết của em đã đưa cô gặp một ông bố (một con người) hội tụ đủ mọi điều xấu và tốt có thể có. Điều mà cô ngưỡng mộ nhất là cái tình của người cha với con và cái tình của con đối với ông ấy. Bài viết có tài trong sử dụng phép đối sánh (đối chiếu và so sánh) để làm bật lên hình ảnh người bố. Cách tổ chức đoạn, bố cục chặt chẽ”, cô giáo nhận xét.
Được biết đây là điểm 10 thứ hai và là điểm 10 Văn duy nhất ở bậc tiểu học trong 30 năm đứng lớp bồi dưỡng học sinh giỏi môn Văn của cô giáo này.
Bài văn điểm 10 của Anh Thư có đoạn viết:
“Bố em có dáng người thấp đậm, với cái bụng to khác bố người ta bụng thon 6 múi… Bố nhà người ta trán cao, hiểu biết rộng dài, bố em đây trán dô, siêu “lầy”. Bố nhà người ta mắt ánh lên sự nghiêm nghị, bố em đây mỗi khi làm sai là mắt láo liên như quạ vào chuồng lợn. Bố nhà người ta môi bặm lại nghiêm túc, bố em miệng chỉ có cười suốt ngày.
Bố nhà người ta tài giỏi, độc lập, vợ con nể phục, bố em đây bị vợ mắng suốt ngày để rồi tối đến rủ em lên giường ngủ sớm, nhưng thực ra là hai bố con trùm chăn nói xấu mẹ”.
Trong bài văn của Anh Thư thì “bố em còn thua xa bố nhà người ta”. Tuy nhiên, bố lại là người yêu thương con vô điều kiện, sẵn sàng che giấu khuyết điểm cho con và “giải cứu” Anh Thư “khỏi những trận lôi đình của mẹ”.
"…Bố em sẵn sàng ký vào bản tự kiểm điểm của em mà không mách mẹ; sẵn sàng nghe cuộc gọi phê bình của cô; sẵn sàng thức đến 3-4 giờ đợi em làm xong bài và đi ngủ; sẵn sàng ngồi bên cùng em “cày” toán khó mấy tiếng đồng hồ; sẵn sàng thức dậy mỗi sáng để gọi em, dù bố còn thèm ngủ hơn em; sẵn sàng nhường em miếng trứng cá ngon lành mà bố rất thích; sẵn sàng đấu hài với em, tám chuyện linh tinh cùng em để '”giúp nó giảm stress”, Anh Thư viết.
Cô bé hơi tồ thích đọc tiểu thuyết kinh điển
“Lúc đưa bài văn này cho tôi, Anh Thư còn “khuyến cáo” là mẹ đọc đừng cười, đừng tức con. Nhưng đọc thì vừa thấy buồn cười vừa nghẹn ngào bởi dấu ấn, tính cách của từng thành viên trong gia đình được con tả một cách chân thực. Tất nhiên là mình không “ghê gớm” như trong bài viết của con đâu. Đó là cách con viết để bật bố lên chứ bé rất gần gũi với mẹ”, chị Nguyệt Anh - mẹ bé Anh Thư cho biết.
Theo chị Nguyệt Anh thì bé Anh Thư là người hài hước, hơi chậm chạp và hơi “tồ” một tí nhưng suy nghĩ có phần lớn hơn tuổi. Trong khi các bạn ở độ tuổi này thích đọc truyện tranh thì bé Anh Thư lại có niềm yêu thích đặc biệt với những cuốn tiểu thuyết kinh điển và cảm nhận khá sâu sắc về số phận của từng nhân vật.
“Bé rất thích đọc sách, đọc báo và có thể đọc say sưa ở bất cứ đâu. Có lẽ nhờ vậy con có vốn từ khá phong phú và khả năng diễn đạt lưu loát. Bé sử dụng thành thạo nhiều thành ngữ phù hợp với ngữ cảnh khiến tôi cũng ngạc nhiên”, chị Nguyệt Anh chia sẻ.
Hiện anh Nguyễn Kế Hiếu - bố Anh Thư đang đi công tác và mới chỉ được đọc bài văn tả về mình của con gái qua facebook. Cũng như vợ mình, anh Hiếu không kỳ vọng lớn lao gì, chỉ mong con luôn vui vẻ, hồn nhiên, đáng yêu như bây giờ.
Hoàng Lam