Hà Nội: Trường ngoài công lập kiến nghị cho học sinh đi học trước ngày 1/9
(Dân trí) - Chiều 9/7, Chủ tịch Hội đồng, Hiệu trưởng các trường ngoài công lập ở Hà Nội ký đơn gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ sự lo lắng, hoang mang về việc các trường không được tổ chức dạy học trước ngày 1/9.
Theo các Hiệu trưởng, các trường tư thục hiện còn đang vật lộn đối phó với cơn khủng hoảng của đại dịch Covid-19, vừa mở cửa đón học sinh quay trở lại liền đối mặt với nỗi lo về “rủi ro chính sách” trước thông báo của Bộ về việc sửa đổi Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT.
“Mặc dù chưa biết Bộ sẽ sửa đổi như thế nào, nhưng với tinh thần “thống nhất thời gian khai giảng trên cả nước” và “các trường không được tổ chức dạy học trước ngày 1/9”, chúng tôi thực sự lo lắng, hoang mang”, đơn kiến nghị viết.
Hiện các trường tư đang thực hiện theo Thông tư 13/2011 (Thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học THCS, THPT và phổ thông nhiều cấp học loại hình tư thục), cho phép các trường tư có thể bổ sung thời gian thực học không quá 4 tuần/năm để thực hiện chương trình nhà trường nhưng không thu thêm học phí.
Thư kiến nghị cho hay, đại diện các trường tư muốn làm rõ việc, các trường tư có còn được áp dụng việc "bổ sung thời gian thực học không quá 4 tuần/năm" không?
Các trường tư có kế hoạch tổ chức hoạt động hè, câu lạc bộ ôn tập củng cố kiến thức cũ cho học sinh yếu trong thời gian nghỉ hè theo tinh thần tự nguyện có được không?
"Chúng tôi được biết phải mất nhiều năm Bộ GD&ĐT mới ra được văn bản quy phạm pháp luật về quy chế hoạt động của trường tư thục đầy đủ, rõ ràng và rất sát thực tiễn như Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT.
Thông tư nói chung và khoản 3, điều 14 nói riêng không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và bức thiết của cha mẹ học sinh trong việc thiết lập các sân chơi lành mạnh bổ ích cho con em trong thời gian nghỉ hè để cha mẹ yên tâm làm việc, mà còn tạo điều kiện để đội ngũ nhà giáo giảng dạy ở trường tư thục có thu nhập đảm bảo cuộc sống...
Nếu Bộ sửa thông tư 13/2011/TT-BGDĐT theo hướng quản lý Nhà nước với trường tư như trường công lập, không những quy định sáng suốt trên đây mà bộ xây dựng bị vô hiệu hóa mà quyền của học sinh, cha mẹ học sinh trong việc sử dụng thời gian nghỉ hè bị xâm phạm" - thư kiến nghị viết.
Cũng theo thư kiến nghị, các trường tư thục được Đảng và nhà nước có chính sách khuyến khích hoạt động, được nhà nước cho phép hoạt động theo quy chế riêng do Bộ ban hành.
Ngoài việc chấp hành các quy định pháp luật nhà nước, các trường tư thục còn phải hoạt động theo thỏa thuận với cha mẹ học sinh, tự lo về nguồn tài chính, cơ sở vật chất, tuyển sinh, bảo đảm sự tồn tại và phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và có trách nhiệm trong những cam kết và thỏa thuận với cha mẹ học sinh.
"Và chúng tôi cũng chịu những tác động to lớn của chính sách của các cơ quan nhà nước. Chính sách đi một li, các trường chạy dài một dặm.
Vì vậy bằng thư này, chúng tôi kiến nghị khẩn cấp lên đồng chí Bộ trưởng, đồng chí Thứ trưởng phụ trách, nếu không tạo điều kiện hơn nữa cho học sinh, phụ huynh, giáo viên và các nhà trường tư thục thêm thời gian tổ chức hoạt động hè bổ ích cho các em, thì đề nghị các đồng chí giữ nguyên như hiện nay”, trích thư kiến nghị .
Trước đó, ngày 30/6/2020, Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2020.
Lãnh đạo Bộ cho biết, sẽ thống nhất trong cả nước về thời gian khai giảng năm học 2020 - 2021 là ngày 5/9.
Các cơ sở giáo dục không được tổ chức dạy học trước ngày khai giảng và sớm nhất ngày 1/9.
Với các trường tư thục, Bộ sẽ xem xét, sửa đổi Thông tư 13/2011 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục cho phù hợp hơn.
Cụ thể, trong năm học tới sẽ tinh giản chương trình, học sinh thực học chương trình trong vòng 35 tuần và có thời gian nghỉ hè trọn vẹn trong 3 tháng.
Nhiều phụ huynh học sinh ủng hộ chủ trương này nhưng một số nhà quản lý giáo dục tư thục cho rằng, việc Bộ GD&ĐT quy định “cứng” về thời gian đi học giống nhau giữa trường công lập và tư thục khiến nhiều đơn vị khó khăn.
Mỹ Hà