Hà Nội sẽ mở rộng trường lớp ra khu vực ngoại thành
(Dân trí) - Giải quyết thực trạng sĩ số lớp quá đông do thiếu quỹ đất, trong năm học mới 2017-2018, Hà Nội xác định quy hoạch trường, lớp theo hướng mở rộng ra khu vực ngoại thành, mở thêm trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu dân cư nội thị là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Thông tin được đưa tại “Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm 2017-2018” do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức sáng nay 12/8.
Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học vừa qua, ông Chử Xuân Dũng - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Năm học 2016-2017, Hà Nội đã đạt những kết quả toàn diện, chất lượng giáo dục chuyển biến rõ nét. Nổi bật, ngành đã tham mưu UBND TP để có nhiều giải pháp ổn định công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, phân tuyến hợp lý, không để xảy ra tình trạng thiếu chỗ học. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cao. Đội ngũ cán bộ giáo viên được tăng cường đảm bảo chất lượng; học sinh thủ đô thường xuyên dẫn đầu về thành tích học tập cũng như trong các sân chơi trí tuệ cấp quốc gia, khu vực, quốc tế.
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, trong năm qua, nhiệm vụ rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn Thủ đô được đặc biệt chú trọng. Theo đó, mục tiêu và các chỉ tiêu về trường học đảm bảo cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân thủ đô. Chú trọng nghiên cứu cân đối hạ tầng đô thị (trong đó có trường học) tại các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đảm bảo tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn. Có thể khẳng định, quy hoạch trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung phù hợp với điều kiện - xã hội và quy hoạch.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã tích cực chủ động tham mưu với UBND, HĐND thành phố chỉ đạo các quận, huyện ưu tiên dành quỹ đất xây dựng cơ sở vật chất trường học đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, tiếp tục chương trình kiên cố hóa trường lớp, tập trung xóa các phòng học cấp 4 xuống cấp ở tất cả các cấp học; xây dựng nâng cấp các nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn; tăng cường trồng cây xanh trong khuôn viên nhà trường đảm bảo môi trường thân thiện, xanh - sạch - đẹp.
Tuy nhiên, trên thực tế có những nhà đầu tư chậm triển khai hạng mục trường học thuộc các dự án được giao gây bức xúc trong xã hội. Thực trạng "bốc thăm" may mắn giành suất vào mầm non công lập/bán công lập vẫn diễn ra ở nhiều khu đô thị mới như Kim Văn - Kim Lũ, Linh Đàm (Hoàng Mai); Dương Nội (Hà Đông…
Do đó, trong năm học 2017-2018, Hà Nội tiếp tục triển khai 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp cơ bản của ngành Giáo dục. Trong đó, xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
“Cụ thể, đối với khu vực nội thi, quy hoạch trường, lớp theo hướng mở rộng ra khu vực ngoại thành để khắc phục tình trạng sĩ số lớp quá đông do thiếu quỹ đất. Tăng cường xã hội hóa để thành lập mới các trường tư thục chất lượng cao; phát triển trường, lớp mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư.
Đối với các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn cần có lộ trình sắp xếp điểm trường lớp hợp lý, trong đó chú ý đối với cấp học mầm non và tiểu học, phát triển số lượng trường học đạt chuẩn”, ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, các đơn vị liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã rà soát lại quy hoạch các trường học trên địa bàn thành phố, đảm bảo sự phát triển phù hợp với quy hoạch để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung biểu dương những kết quả của toàn ngành giáo dục thủ đô, ghi nhận sự vào cuộc có trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, từ Sở GD&ĐT đến các nhà trường đối với những chuyển biến rõ nét của toàn ngành trong năm học 2016-2017 vừa qua. Thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị ngành Giáo dục Thủ đô thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị ngành giáo dục tập trung rà soát tổng thể mạng lưới giáo dục để khắc phục tình trạng trường lớp quy hoạch chưa đồng bộ, dẫn tới quá tải một số trường trong nội thành.
"Việc đầu tư, xây dựng trường lớp cần bảo đảm nguyên tắc ưu tiên theo thứ tự đang thiếu trường học, đang phải học tạm, học nhờ, thiếu trường đạt chuẩn quốc gia", ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý lãnh đạo ngành, chuyên gia giáo dục, thầy cô nghiên cứu tham mưu thành phố bổ sung bộ tài liệu “Giáo dục An toàn giao thông cho học sinh phổ thông Hà Nội” vào giảng dạy từ năm học 2017-2018, triển khai xây dựng dự thảo bộ tài liệu “Phòng cháy chữa cháy cho học sinh phổ thông Hà Nội”, phấn đấu đưa vào giảng dạy từ năm học 2018-2019.
Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị các hiệu trưởng quan tâm tới tình trạng sốt xuất huyết, phối hợp chặt chẽ với cơ sở y tế phòng chống dịch sốt xuất huyết, phun thuốc chống muỗi 2-3 lần trước khi học sinh tập trung để đảm bảo sức khoẻ cho học sinh trước khi bước vào năm học mới.
Trong khuôn khổ hội nghị, các thuộc ngành giáo dục thủ đô đã vinh dự được UBND thành phố Hà Nội tặng cờ “Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua” cho 44 tập thể; tặng danh hiệu “Tập thể xuất sắc” cho 375 tập thể và tặng Bằng khen cho 85 tập thể, 128 cá nhân.
Hà Nội hiện có 2.669 trường học và các cơ sở giáo dục, 52.839 nhóm lớp; 1.814.651 học sinh; 104.605 giáo viên các cấp học. So với cùng kỳ năm trước tăng 42 trường, tăng 1.041 nhóm lớp, tăng 92.247 học sinh, tăng 7.204 giáo viên.
Trong đó, riêng Giáo dục Mầm non có 1.040 trường học với 17.656 nhóm lớp, 52.839 trẻ (so với cùng kỳ năm trước tăng 37 trường, tăng 490 nhóm lớp, tăng 39.108 trẻ).
Theo kế hoạch, năm 2016 toàn thành phố xây mới được 66 trường học các cấp học với kinh phí khoảng 2.514,528 tỷ đồng.
Năm học 2016-2017, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia toàn thủ đô đạt 48,5% (1.249 trường/2.576 trường), trong đó công lập là 57,3% (1.214/ 2.117 trường).
Lệ Thu