Hà Nội: Học đến lớp 5 vẫn chưa... viết được tên mình

(Dân trí) - Một học sinh học tới lớp 5 không viết nổi tên mình do có những biểu hiện chậm nhận thức, cả nhà trường và phụ huynh đều vất vả trong quá trình dạy học.


Khổ tâm vì con lớp 5 vẫn không biết chữ

Phản ánh đến báo điện tử Dân trí, chị N.T.Tuyết (42 tuổi, ở Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết con trai của mình dù đã học đến lớp 5 nhưng vẫn không biết đọc, biết viết.

Sáng ngày 21/5, phóng viên đã tìm đến nhà chị Tuyết để tìm hiểu câu chuyện có phần “kỳ lạ” xảy ra ngay tại Thủ đô Hà Nội. Theo chị Tuyết, con trai của chị là cháu L.Đ.T (11 tuổi) đã theo học 5 năm tại trường tiểu học Phương Liệt và cho đến hiện tại học ở lớp 5A2.

Tuy nhiên, vào thời điểm cách đây 3 tuần, khi phát hiện học gần hết lớp 5 mà con trai vẫn chưa biết đọc biết viết chị Tuyết đã cho con nghỉ học ở nhà và làm đơn kiến nghị lên phía ban giám hiệu nhà trường.

Chị Tuyết bên cậu con trai lớp 5 chưa viết nổi tên mình.

Chị Tuyết bên cậu con trai lớp 5 chưa viết nổi tên mình.

Chị Tuyết kể, do hoàn cảnh gặp nhiều trắc trở nên mãi tới năm 2003 mới lập gia đình với anh L.Đ.Hạnh (57 tuổi) và sinh hạ cháu L.Đ.T vào năm 2004. “Khi cháu sinh ra, cân nặng, sức khỏe đều bình thường, không có vấn đề gì cả. Khi tới tuổi đến lớp, cháu T. cũng nhập trường như các bạn cùng trang lứa”, chị Tuyết nói.

Tuy nhiên, sau một thời gian học lớp 1, chị Tuyết được phía trường tiểu học Phương Liệt cho biết cháu T. không thể học tập bình thường có biểu hiện của trẻ tự kỷ, nhưng vẫn cho đến lớp học cùng các bạn để hòa nhập.

Em L.Đ.T cũng không làm được các phép tính đơn giản

Em L.Đ.T cũng không làm được các phép tính đơn giản

Không đồng tình với ý kiến của nhà trường, chị Tuyết kiến nghị các cô giáo cần kèm cặp giúp cháu T. tiến bộ trong học tập vì cho rằng cháu không bị bệnh tật gì, chỉ chậm tiếp thu.

Liền các năm lớp tiếp theo đó, học sinh L.Đ.T vẫn được theo học cùng các bạn và lên lớp bình thường và gia đình chị Tuyết vẫn  đóng các khoản thu cho cháu T. đi học.

Em T. mới chỉ viết được các chữ cái và chữ số

Em T. mới chỉ viết được các chữ cái và chữ số

Tuy nhiên, khi về nhà, thử kiểm tra việc học, chị Tuyết phát hiện cháu T. vẫn chưa biết đọc, biết viết dù đã học tới lớp 3. Do công việc bận rộn nên chị Tuyết chỉ tranh thủ được lúc rảnh kèm cặp cháu T. viết chữ và các phép tính đơn giản.

Nhận xét của giáo viên chủ nhiệm trong sổ liên lạc khi em L.Đ.T học lớp 3
Nhận xét của giáo viên chủ nhiệm trong sổ liên lạc khi em L.Đ.T học lớp 3

Đến thời điểm hiện tại, khi L.Đ.T đã học lớp 5, cậu bé này vẫn chưa biết đọc, biết viết chứ chưa nói đến việc thực hiện các phép tính toán. “Cháu nhà tôi không hề có dấu hiệu của trẻ tự kỷ, cháu chỉ chậm tiếp thu, không được kèm cặp, không biết đọc, biết viết nên không thể nhận thức được như các bạn cùng trang lứa.
 
Ở nhà cháu vẫn giúp mẹ rửa bát, quét nhà, chiều nào cũng đi đá bóng với các bạn, sinh hoạt bình thường. Nếu nhà trường bảo cháu bị tự kỷ thì phải có bằng chứng chứ không thể cứ quy cho cháu như vậy”, người mẹ giãi bày.

Thử kiểm tra em L.Đ.T, bảo em viết các chữ cái đơn lẻ như “a b c d…” em T. có thể viết được dù phải nghĩ và tốc độ chậm. Còn khi yêu cầu em viết tên của mình, T. không thể viết được và các từ khác em cũng không biết viết.

Về khả năng tính toán, T. cũng chỉ nhận mặt được các chữ số và làm được một vài phép tính đơn giản. Còn với phép tính như “6+3” hay "3+2" T. làm ra kết quả sai.

Đến thăm lớp 5A1 mà T. theo học, các em nhỏ học sinh ở lớp đều quan tâm thắc mắc về việc tại sao T. nghỉ học. Những em nhỏ này đều đồng thanh nói rằng, bạn T. không bị tự kỷ mà chỉ lười học thôi.

Chị Tuyết bày tỏ: “Tôi mong sao các cô giáo giúp đỡ để cháu T. có thể học được cái chữ, không cần cháu phải học giỏi, chỉ cần đọc thông viết thạo sau này còn đỡ khổ, gia đình tôi chỉ sinh hạ được duy nhất cháu nên rơi vào cảnh này rất khổ tâm”.

Thêm nữa, gia đình chị Tuyết kinh tế khó khăn nên không thể chuyển cháu T. đi học trường khác được. Chị Tuyết hàng ngày bán trà đá, chồng chị chạy xe ôm nhưng chẳng mấy khi có khách, kinh tế chỉ trông chờ ở quán vỉa hè.

Nhà trường cũng phải "bó tay"

Liên quan đến sự việc trên, phóng viên đã tìm gặp ban giám hiệu Trường tiểu học Phương Liệt, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – hiệu trưởng nhà trường cho biết rằng sau một thời gian em L.Đ.T nhập học, cô giáo chủ nhiệm đã nhận ra dấu hiệu "bất thường" và phản ánh ngay với ban giám hiệu. 

Sau khi đánh giá, ban giám hiệu đã xác định em T. nằm trong diện "học sinh khuyết tật" nên chiếu theo quy định của ngành giáo dục chỉ lập phiếu theo dõi, đánh giá học sinh chứ không lập học bạ và xếp loại.
 
"Ở trường không chỉ có trường hợp em T., còn có em khác tương tự, nhà trường đều cố gắng tạo điều kiện kèm cặp cho các em nhưng vì nhận thức của các em quá yếu, học trước quên sau nên dù các cô giáo đã bỏ nhiều công sức nhưng cũng không thay đổi được nhiều.
 
Với những trường hợp các em học sinh khuyết tật, nhận thức kém như vậy, nhà trường luôn tạo điều kiện để các em được đi học, hòa nhập với các bạn cùng trang lứa", bà Mai cho biết.

Phiếu đánh giá em T. khi học lớp 1

Phiếu đánh giá em T. khi học lớp 1

Theo bà Mai, trường hợp của em T. không đọc thông viết thạo được nên khi em T. học lớp 4, buổi chiều vẫn đặc cách cho T. xuống học cùng các bạn lớp 1 để cô giáo dạy lại kiến thức.

Trao đổi với phóng viên, cô Bùi Thị Kim Loan - giáo viên chủ nhiệm lớp 1A5 của Trường tiểu học Phương Liệt, người đang nhận dạy lại kiến thức cho em T. đánh giá rằng, T. không tập trung được trong lúc học, cô giáo lúc nào cũng phải dỗ dành, thậm chí còn có một lọ kẹo riêng để thưởng cho T. để em chịu ngồi yên học chữ, học số.
 
"Mặc dù đã dùng nhiều biện pháp để kèm cặp nhưng em T. học trước quên sau, trí nhớ rất kém, thường hay làm mất sách vở nên khả năng tiến bộ hầu như không có", cô Loan cho biết.
 
Hiệu trưởng Trường tiểu học Phương Liệt cũng cho biết thêm, nhà trường luôn sẵn sàng cho T. đi học lại để hòa nhập với các bạn và cũng nhiều lần nhắc phụ huynh làm đơn để được miễn giảm một số khoản phí trong phạm vi trường học.
 
Đồng thời, phía trường cũng nhiều lần động viên gia đình chuyển T. sang trung tâm đặc biệt phù hợp với em để được dạy học nhưng gia đình không đồng ý.

Lê Tú

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm