Hà Nội: Bàn giải pháp phát triển tài năng

(Dân trí) - Ngày 10/4, Sở GD- ĐT Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Phát triển tài năng học sinh” với sự tham dự của Hiệu trưởng và đại diện phụ huynh học sinh của 80 trường Tiểu học, THCS tiêu biểu tại Hà Nội.

Trước năm 1998, bậc phổ thông của Việt Nam có các hệ chuyên đủ 3 cấp học: Tiểu học, THCS, THPT. Sau đó, ngành giáo dục đã xóa bỏ hệ chuyên của hai bậc Tiểu học và THCS.

Theo PGS Tạ Duy Phượng, Viện Toán học Việt Nam thì trong đào tạo học sinh năng khiếu, Việt Nam đã hội nhập với thế giới ngay từ những năm 1960, thời kỳ chiến tranh và gian khó nhất của đất nước. Nhiều tài năng trẻ thời kỳ đó đã được phát hiện và bồi dưỡng như thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, nhà năng khiếu toán học trẻ Phạm Ngọc Ánh, tài năng âm nhạc Đặng Thái Sơn... Tuy nhiên, với cơ hội và thách thức trong thời kỳ hội nhập mới, đào tạo và bồi dưỡng học sinh năng khiếu trong thời kỳ mới cũng đang có rất nhiều điều đáng để suy ngẫm.

Cũng theo PGS Phượng, trước đây, học sinh năng khiếu nói chung là giỏi toàn diện, không hiếm những học sinh của những năm 1960 - 1970 có thể đồng thời đi thi học sinh giỏi quốc gia cả văn lẫn toán, nhưng ngày nay thì học sinh chuyên khó có em nào học đều tay như vậy. Rất nhiều học sinh giỏi Toán, Lý, Hóa lại không thể viết nổi một đoạn văn ngắn hoặc không có những hiểu biết sơ đẳng về địa lý hoặc lịch sử trong các kỳ thi ĐH.

Còn thầy Trần Phương, người đã sáng tạo ra Câu lạc bộ Thần đồng Đất việt đầu tiên ở Việt Nam thì có mong muốn tài năng trong thời kỳ mới phải được trang bị các công cụ mạnh như Ngoại ngữ, Tin học, Logic, Internet...để phát triển nhanh theo trục thẳng đứng, chấm dứt phương thức cổ điển lạc hậu: “Dạy học sinh theo kiểu con kiến bò ngang trên mặt phẳng”.

Thầy Trần Phương cũng là người khởi xướng cho mô hình đào tạo theo trục thẳng đứng bằng việc tổ chức đào tạo cho 5 em học sinh lớp 6 dự thi ĐH gây nhiều tranh cãi trong dư luận trong năm 2007.

Các ý kiến tại hội thảo đều thống nhất theo quan điểm: ngành giáo dục đã có những cố gắng và giải pháp để cải thiện tình hình giáo dục hiện nay theo hướng cải cách, hiện đại hóa chương trình phổ thông... Những giải pháp trên đã góp phần đáng kể cải tiến thực trạng giáo dục đang còn trì trệ nhưng phải chăng cần có một loại hình đào tạo mới dành cho học sinh năng khiếu để các em được đào tạo toàn diện, có khả năng tự học.

MM