GS.VS Phạm Minh Hạc: Chúng ta quá lãng phí nhân tài

(Dân trí) - “GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields là niềm tự hào của đội ngũ giáo sư Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, càng ngẫm, tôi lại càng thấy ngậm ngùi cho nhân tài giáo dục Việt Nam hiện nay...”.

GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam, chia sẻ như vậy nhân sự kiện GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields. Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS.VS Phạm Minh Hạc về vấn đề này.
 
GS.VS Phạm Minh Hạc: Chúng ta quá lãng phí nhân tài - 1
GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Thưa GS, nhân sự kiện GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields, nhiều GS, nhà khoa học trong và ngoài nước đã nói rất nhiều về việc vấn đề chính sách đãi ngộ và sử dụng nhân tài của Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập, chưa tương xứng, GS nghĩ sao?

Tôi rất đồng tình với ý kiến của mọi người. Ba thập kỷ trở lại đây việc giải quyết chính sách đối đãi, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ trí thức nói chung, các vị GS, các nhà khoa học đều chưa tương xứng, quá lãng phí nhân tài.

Cụ thể là như thế nào thưa GS?

Hồi tôi làm chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã tổ chức hai hội thảo về chính sách đãi ngộ và sử dụng nhân tài của Việt Nam, đặc biệt là chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo sư. Sau đó chúng tôi trình ý kiến của hội thảo tới các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Nhà nước và Chính phủ. Trong đó, có đề nghị hết sức đơn giản như cho các GS đang công tác trong các trường đại học, các viện nghiên cứu có phòng làm việc, có máy tính và tiền sử dụng cung cấp máy tính hàng tháng và một số điều kiện khác nữa nhưng đến nay chưa có phản hồi gì cả.

Hội đồng chức danh giáo sư cũng đã có cuộc họp bàn về lương cho các GS, PGS. Cho đến nay trong hệ thống bảng lương của nhà nước không có mục lương cho GS, PGS mà các GS, PGS phải ăn nhờ vào chức danh giảng viên chính. Mặc dù, TƯ có chế độ chuyên gia cao cấp nhưng hầu hết các GS không được đứng vào danh sách đó, chỉ một số ít người làm trong cơ quan nhà nước và cơ quan Đảng mà có trình độ nào đó thì được hưởng. Thậm chí, tôi là GS từ năm 1984 nhưng 20 năm sau tôi mới biết là có chế độ chuyên gia cao cấp. Tôi đã phản ảnh về vấn đề này.

Hay như các buổi tôn vinh thủ khoa thí sinh đoạt giải thưởng này giải thưởng nọ rất hoành tráng nhưng sau đó chính sách đãi ngộ với họ lại chưa được thỏa đáng. Hoặc có thành phố, gửi cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài mất hàng trăm nghìn USD nhưng về chỉ làm thư ký máy tính, nhiều lắm là làm phiên dịch. Bên cạnh đó, nhiều em đoạt giải Olympic Toán Quốc tế thì đến nay được vài người như GS Đào Trọng Thi, GS Lê Tuấn Hoa… được sử dụng theo diện hành chính còn lại làm giảng viên. Về nghiên cứu khoa học thì họ chỉ đạt đỉnh cao đến mức GS trong nước hoặc khu vực.

Thời ông còn làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ông thực hiện chính sách đãi ngộ nhân tài như thế nào?

Hồi tôi làm thì còn nghèo lắm. Đợt Ngô Bảo Châu đoạt giải nhất Olympic Toán học năm 1988 từ nước ngoài trở về, tôi đã dẫn các em lên gặp Thủ tướng (lúc đó là còn gọi là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng), Thủ tướng đã tặng mỗi em 1 cái bút máy và ghi tên Thủ tướng vào bút máy đó nhưng cũng thời điểm đó có vận động viên đi thi thể thao đoạt giải, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba và ít tiền, tôi đã rất buồn. So sánh với hiện tại bây giờ càng ngẫm, tôi lại càng ngậm ngùi cho nhân tài giáo dục.

Việc GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields nhiều nhà khoa học cho rằng đó là “công sức” của nền giáo dục nước ngoài. Ông nghĩ sao? Và có lời khuyên gì cho trí thức Việt Nam?

Tôi nghĩ, thành công của GS Ngô Bảo Châu ngoài yếu tố gia đình, nhà trường thì yếu tố quan trọng nhất là vai trò của người thầy và các bạn đồng nghiệp vì “học thầy không tày học bạn”.

Ngô Bảo Châu được gặp người thầy GS Laumon, một GS hàng đầu của Pháp về Toán học. Chính GS Laumon là người đặt đầu bài cho Ngô Bảo Châu làm. Đặc biệt, hơn nữa GS Châu đã được hưởng nền Toán học Pháp, một nền Toán học đã có 10 giải thưởng Fields. GS Ngô Bảo Châu đã biết đứng và đứng vững vàng trên vai người khổng lồ.

Đứng về phương diện quốc gia, tôi mong nhiều người tài ở nước ngoài cần đóng góp nhiều cho Việt Nam hơn nữa và sau đó là thế giới vì nước ta còn nghèo so với các nước.

Nhân sự kiện dịp này, các nhà chính sách cần suy nghĩ lại vấn đề phát triển đất nước, đặc biệt là lĩnh vực khoa học và giáo dục. Cần đề cao khoa học theo hướng ứng dụng và chăm sóc đội ngũ nhân lực trình độ cao.

Với tư cách là cựu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ông có kiến nghị gì về việc thu hút và sử dụng nhân tài ở Việt Nam?

Chấm dứt tình trạng hình thức chủ nghĩa. Tức là mọi danh hiệu, lễ lạt thì có nhưng thực chất thì không. TƯ, Quốc hội, Chính phủ phải có chính sách thỏa đáng đãi ngộ và trọng dụng cả đội ngũ trí thức. Không phải nhân cơ hội này chú ý đến xây dựng một Viện nghiên cứu mà phải có chiến lược, cơ chế đúng. Chúng tôi trước đây cũng đã đề nghị vấn đề này nhiều nhưng không có hồi âm.

Một GS Toán người Việt ở nước ngoài đã nói, sự kiện GS Ngô Bảo Châu và dự án nâng cao chất lượng Toán học nhưng “một cánh én không làm nên mùa xuân”, tôi thấy rất sâu sắc.

Tình hình hiện nay, nếu mình bỏ ra 651 tỷ thành lập Viện Toán cao cấp, dự tính đến năm 2018 có 2 người được ĐH Toán học thế giới mời đi đọc báo cáo ở tiểu ban thì thành công. Chúng ta ai cũng mong điều này vì mang lại vinh quang cho Tổ quốc nhưng thử hỏi rằng như thế có quá đắt không trong khi đó nước ta còn nghèo.

Vì vậy, nhà nước cần phải có chiến lược chứ không thể nhân sự kiện này nghĩ việc này cho một cá nhân này và mai nghĩ việc khác cho cá nhân khác thì không thể thành công. Nước ta muốn công nghiệp hóa phải có chiến lược, có cơ chế, có chính sách và thực hiện một cách nghiêm túc.
 
Xin cảm ơn ông.

Hồng Hạnh (thực hiện)