GS.TSKH Bành Tiến Long: Trắc nghiệm phù hợp cho kỳ thi tuyển chọn số đông

(Dân trí) - Trắc nghiệm phù hợp cho kỳ thi tuyển chọn số đông và yêu cầu kiến thức rất cơ bản và rất chắc chắn. Để đánh giá số đông tại một thời điểm ngắn thì phương thức trắc nghiệm là hợp lý nhất. Tất nhiên nếu cần để phân loại cao hơn và để hỗ trợ cho phương pháp thi trắc nghiệm, thì có thể bổ sung thêm các hình thức thi vấn đáp, phỏng vấn sâu…

GS.TSKH Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã chia sẻ như vậy với PV Dân trí về Dự thảo thi năm 2017 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố.


GS.TSKH Bành Tiến Long

GS.TSKH Bành Tiến Long

Phải liên tục thử nghiệm đề thi theo kiểu đánh giá mẫu

Thưa GS.TSKH Bành Tiến Long, Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo phương án thi THPT quốc gia năm 2017 với 5 bài thi, ý kiến của ông như thế nào về phương án thi này?

GS.TSKH Bành Tiến Long: Về tổng thể, Dự thảo thi THPT quốc gia năm 2017 với 5 bài thi sẽ khắc phục được một số bất cập của các kỳ thi của vài năm trước đây. Kỳ thi sẽ nhẹ nhàng, đỡ tốn kém kém, khoa học và toàn diện, chấm thi sẽ nhanh và khách quan, bởi vì kỳ thi chỉ diễn ra trong 2 ngày thay cho 4 ngày trước đây, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ có 1 cụm thi; không phải triệu tập một số lượng lớn cán bộ tập trung dài ngày để làm đề thi; chấm thi bằng máy (trừ môn ngữ văn); công nghệ thông tin được ứng dụng nhiều hơn. Khả năng ảo sẽ được xử lý tốt.

Với Dự thảo này thì những cán bộ làm thi tuyển sinh sẽ phải trách nhiệm hơn, còn với học sinh và giáo viên thì không có gì thay đổi vì nội dung và chương trình dạy và học không thay đổi. Có chăng thì phải tăng cường một số kỹ năng. Việc này có thể xử lý trong một thời gian ngắn.

Tuy nhiên một số vấn đề cần tiếp tục khắc phục, đó là: về số lượng đề thi của ngân hàng câu hỏi thi, việc quy định phương thức xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, số lượng và địa điểm đặt điểm thi, nội dung các môn thi tổng hợp, việc công khai phương thức và điểm xét tuyển như thế nào, có nên có điểm sàn hay không, thời gian xét tuyển chỉ 1 đợt hay nhiều đợt, trong 1 đợt có thể công bố trúng tuyển nhiều lần hay không … cần phải nghiên cứu để hoàn thiện thêm.

Việc thi trắc nghiệm này quan trọng nhất là đề thi làm sao để đánh giá năng lực học sinh và ngân hàng câu hỏi phải rất lớn. Theo ông, liệu chúng ta có kịp làm được điều này để đảm bảo tính khách quan, công bằng, chính xác cho học sinh?

Việc thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hình thức trắc nghiệm các môn vật lý, hóa học, sinh học và ngoại ngữ chúng ta đã thực hiện được hơn 10 năm.

Nhiều ưu điểm của đề thi trắc nghiệm cũng đã được khẳng định như: kiểm tra kiến thức toàn diện, độ phủ rộng, chấm thi khách quan, chính xác và nhanh, kỷ cương làm bài độc lập của thí sinh tốt.

Mấy năm nay ĐHQG Hà Nội cũng đã tự chủ tổ chức thi tuyển sinh theo phương thức này. Đúng là để đạt mục tiêu thi theo hình thức trắc nghiệm thì ngân hàng đề thi phải đủ lớn.

Theo thông tin thì ngân hàng đề của ĐHQG Hà Nội có có khoảng 4000 đề thi, nếu rà soát, tuyển chọn từ ngân hàng này và bổ sung thêm số lượng đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tổ chức biên soạn đề thêm gần 1 năm nữa thì cũng đủ để đảm bảo chất lượng và số lượng đề thi cho kỳ thi năm 2017.

Điều này buộc Bộ GD& ĐT phải có ngay bộ phận chỉ đạo tập trung việc hoàn thiện ngân hàng đề thi chuyên trách ngay từ bây giờ và phải liên tục thử nghiệm theo kiểu đánh giá mẫu.

Trắc nghiệm môn Toán đã chủ trương tổ chức thi từ năm 2007

Nhiều ý kiến giáo viên môn Toán lo ngại về việc môn Toán tổ chức thi trắc nghiệm sẽ không đánh giá được khả năng tư duy của học sinh và không nên tổ chức thi trắc nghiệm môn này, ông thấy thế nào?

Đúng là nhiều người lo lắng việc này, nhưng tôi nghĩ, hoàn toàn không đáng lo lắng. Thế giới đã tổ chức thi Toán theo trắc nghiệm mấy chục năm nay. Đặc biệt là Hoa Kỳ, Anh, Australia…

Đây là một trong những loại hình đánh giá nhanh, toàn diện, cụ thể, chứ không chung chung. Việc chấm thi khách quan và chính xác, ít sai sót nhờ ứng dụng công nghệ thông tin. Hạn chế của phương pháp này là không phát huy được tính sáng tạo khi câu trả lời chỉ có 1 phương án đúng trong các phương án đưa ra.

Tuy nhiên, thi trắc nghiệm phù hợp cho kỳ thi tuyển chọn số đông và yêu cầu kiến thức rất cơ bản và rất chắc chắn. Để đánh giá số đông tại một thời điểm ngắn thì phương thức trắc nghiệm là hợp lý nhất. Tất nhiên nếu cần để phân loại cao hơn và để hỗ trợ cho phương pháp thi trắc nghiệm, thì có thể bổ sung thêm các hình thức thi vấn đáp, phỏng vấn sâu….

Hơn nữa, để trả lời được câu hỏi trắc nghiệm đúng cũng phải tính toán, tuy tính toán và trả lời không diễn giải và không quá phức tạp. Nhưng đó là một trong những yêu cầu nữa của kỳ thi là không được đánh đố thí sinh. Tư duy của thí sinh sẽ được thể hiện khi đã lựa chọn được phương án đúng. Mức độ may rủi không đáng kể đối với những thí sinh có học lưc từ trung bình trở lên.

Hơn nữa thi tốt nghiệp THPT chỉ là để kiểm tra đánh giá với kiến thức đại diện trong khi dạy và học là một quá trình; không thể có suy nghĩ “thi gì học nấy”.

Năm 2007, chủ trương và kế hoạch cho thi trắc nghiệm môn toán cũng đã được chuẩn bị rất kỹ. Nhiều cán bộ làm đề thi trắc nghiệm môn toán đã nghiên cứu phương pháp ra đề của các nước, có cả các các tài liệu dạy và bài tập toán của các nước; chỉ còn vài tháng nữa là thực hiện nhưng rồi vì một số lý do mà cả Ban chỉ đạo thi phải dừng lại việc này. Lẽ ra việc này đã phải được triển khai sớm hơn.

Năm nay vẫn còn thời gian gần 1 năm để hoàn thiện và bổ sung ngân hàng đề thi trắc nghiệm môn toán trên cơ sở ngân hàng đề đã có.

Giáo viên và học sinh lo lắng nhất là việc tổ chức bài thi tổ hợp và áp dụng thi trắc nghiệm gây áp lực lớn cho họ, trước đây các em thi riêng từng môn thì nay phải thi nhiều môn một lúc, phải học đều các môn hơn, ông có lời khuyên gì cho họ?

Giáo viên và học sinh cũng không nên quá lo lắng. Trước hết trong Dự thảo đã nói rõ là: bài thi Khoa học Tự nhiên và bài thi Khoa học Xã hội là các bài thi “tổ hợp” chứ không phải “tích hợp”.

Thực tế thì chưa có chương trình và sách giáo khoa tích hợp. Học sinh học các môn học tách biệt cho nên cách ra đề tổ hợp sẽ không hề tạo khó khăn nào cho các thí sinh làm bài thi. Trước đây các em thi riêng từng môn thì nay phải thi nhiều môn một lúc, phải học đều các môn hơn nhưng số lượng câu hỏi thi sẽ ít hơn. Các em chú ý học rất chắc những kiến thức cơ bản.

Thi trắc nghiệm các môn vật lý, hóa học, sinh học thì các em đã được trải nghiệm rồi. Có điều là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm xây dựng ngân hàng câu hỏi bài thi tổ hợp rồi thử nghiệm ở học sinh lớp 12. Sau đó chỉnh sửa các câu hỏi cho chuẩn trong quá trình thử nghiệm rồi đưa vào ngân hàng. Đồng thời Bộ cũng cần sớm định dạng đề thi và đưa lên mạng cho các em học sinh lớp 12 làm thử.


Phụ huynh và thí sinh căng thẳng chờ đợi kỳ thi 2017 với nhiều điểm mới (Ảnh: minh họa)

Phụ huynh và thí sinh căng thẳng chờ đợi kỳ thi 2017 với nhiều điểm mới (Ảnh: minh họa)

Phải giám sát thật chặt chẽ khi chấm trắc nghiệm bằng máy và lúc lên điểm cho thí sinh

Theo dự thảo phương thức thi mới này thì chỉ còn 1 cụm thi duy nhất do địa phương tổ chức, các trường đại học tham gia giám sát, theo ông làm như vậy có hiệu quả, đảm bảo tính khách quan?

Đây cũng là một trong những vấn đề chìa khóa của kỳ thi. Công tác tổ chức thi có làm kỷ cương và tin cậy thì các trường đại hoc, cao đẳng mới sử dụng kết quả thi TN THPT QG để tuyển sinh.

Năm 2007 lần đầu tiên thi THPT do các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, Bộ cũng đã cử giảng viên các trường đại học, cao đẳng làm nhiệm vụ giám sát, thanh tra; tỷ lệ tốt nghiệp lúc đó chỉ khoảng 70%, buộc phải thi tốt nghiệp lần thứ hai. Nhưng tình hình bây giờ đã khác. Các môn đều thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh có một mã đề, chấm thi bằng máy thì rất khó có tác động ngoại cảnh.

Riêng môn thi ngữ văn ra đề thi theo dạng mở, thậm chí cho dùng tài liệu thì cũng không đáng lo ngại miễn là bí mật được đề thi. Vì vậy Bộ dự kiến cử các trường đại học, cao đẳng làm giám sát, thanh tra là đủ. Và nếu không cử cũng không đáng lo lắng.

Điều đặc biệt cần quan tâm ở đây là phải giám sát thật chặt chẽ khi chấm trắc nghiệm bằng máy và lúc lên điểm cho thí sinh. Một điểm khác là cần xác định các điểm thi trong mỗi cụm thi như thế nào cho hợp lý. Đồng thời không được để sai sót trong khâu giao đề thi và nhận bài thi của thí sinh.

Không nên tuyển sinh từ kết quả học phổ thông

Dự thảo đưa ra 4 phương thức tuyển sinh để các trường lựa chọn, bên cạnh đó, Bộ GD cũng quy định các trường có thể tuyển sinh 1 hoặc 2 kỳ trong năm. Theo ông liệu có gây lộn xộn trong tuyển sinh hay không?

Trước hết, việc để thí sinh đăng ký bao nhiêu nguyện vọng cũng không sao nếu có phần mềm tốt để xử lý hiện tượng ảo. Trong đó điều kiện tiên quyết là buộc thí sinh phải có thứ tự ưu tiên trong các nguyện vọng.

Nhưng tôi nghĩ để hồ sơ tuyển sinh bớt rườm rà, quy định mỗi thí sinh có 3 nguyện vọng, tối đa là 4 là đủ. Phải có thứ tự ưu tiên nguyện vọng. Trước mắt không nên tuyển sinh 2 kỳ trong năm.

Các trường đại học cần được phân tầng cho nên có thể sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia; hoặc sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia và kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh.

Kinh nghiệm cho thấy rằng, tuyển sinh dựa vào kết quả học tập ở THPT là chưa nên. Nếu vậy thì cũng không cần tổ chức thi tốt nghiệp. Có một kinh nghiệm cần lưu ý là năm 2002, khi Quy chế thi đưa ra chính sách công điểm thưởng cho học sinh học giỏi thì năm 2003 hiện tượng nâng điểm vống để có học sinh giỏi ở phổ thông tăng lên 2 lần, năm 2004 tăng lên 4 lần.

Để thuyết phục bỏ được chính sách ưu tiên cộng điểm cho học sinh giỏi trong tuyển sinh đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải cử một tổ khảo sát số thí sinh học sinh giỏi được cộng điểm trúng tuyển khi học đại học trong hai năm thứ nhất và thứ hai. Kết quả thật bất ngờ: ngoài việc số học sinh giỏi trong hai năm tăng gấp 4 thì 70% số thí sinh được cộng điểm thưởng vì học giỏi ở phổ thông có kết quả điểm học đại học các môn toán lý hóa dưới trung bình! Từ đó mới thuyết phục được bỏ chính sách này, kể cả bỏ chính sách tuyển thẳng.

Vì vậy tôi không ủng hộ việc tuyển sinh từ kết quả học phổ thông mà thay vào đó chỉ tuyển sinh từ kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia cho dù điểm thi có tương đối thấp thì độ chính xác vẫn đảm bảo.

Mọi sự thay đổi cần cân nhắc rất kỹ, phải tính toán khoa học và thận trọng.

Nếu thực hiện tốt được phương án thi 2017, theo ông, Bộ GD&ĐT phải chuẩn bị những gì?

Trước hết phải sớm ban hành Thông tư, Quy chế và hướng dẫn chi tiết về kỳ thi THPT quốc gia 2017; phải hoàn thiện gấp ngân hàng đề thi cho tất cả các môn. Đây là một khối lượng công việc rất lớn. Đưa định dạng đề thi và các mẫu đề cho học sinh làm quen, nhất là các bài thi tổng hợp; xác định các điểm thi trong mỗi cụm thi; khẳng định phương thức tốt nghiệp THPT; phương thức xét tuyển đại học cho hợp lý…

Chuẩn bị ổn định thi tuyển sinh trong khoảng 3 năm, thay đổi nội dung chương trình cho việc dạy và học; đồng thời chuyển dần việc tốt nghiệp THPT cho các Sở GD và ĐT; các trường đại học hoàn toàn tự chủ tuyển sinh; thành lập các trung tâm khảo thí đảm nhiệm ngân hàng đề thi và có thể cả tổ chức thi để cung cấp kết quả thi khách quan …

Việc thay đổi cách thức thi và môn thi cần có thời gian để thí sinh chuẩn bị, thay đổi ngay trong năm nay có quá gấp gáp cho thí sinh và các trường không?

Đối với học sinh, giáo viên, các trường thì phải khẩn trương nhưng không quá gấp gáp. Có chăng chỉ gấp gáp cho những người làm công tác thi.

Đổi mới thi cử là cách làm ít tốn kém nhất, lại có ảnh hưởng nhanh nhất, rộng nhất song hiệu quả của nó thì có phần mạo hiểm. Ý kiến ông thế nào?

Đúng vậy, “Đổi mới thi cử là cách làm ít tốn kém nhất, lại có ảnh hưởng nhanh nhất, rộng nhất”. Bởi vì mọi việc chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, lại tác động không chỉ tới sinh viên mà cả cho nhiều gia đình và xã hội.

Hiệu quả của nó thì có phần mạo hiểm, rủi ro. Vì vậy mọi sự thay đổi cần cân nhắc rất kỹ, phải tính toán khoa học và thận trọng. Tuy nhiên với sự kế thừa những kinh nghiệm đã có, với những đổi mới không “đột ngột”, và có cơ sở, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, kết quả của kỳ thi sẽ đáp ứng được nhiều mục tiêu của ngành giáo dục và nguyện vọng của học sinh, các trường và xã hội.

Xin trân trọng cám ơn GS!

Hồng Hạnh (thực hiện)