GS Tôn Thất Tùng: Thiên tư trác việt - Tính cách mạnh mẽ (kỳ 2)

(Dân trí)- Trong kháng chiến chống Pháp, GS Tôn Thất Tùng đã cứu chữa nhiều trường hợp hiểm nghèo. Ông cùng GS Đặng Văn Ngữ sản xuất penicillin, thuốc kháng sinh vô cùng quý để cấp cứu cho bộ đội, dân công-thành tích diệu kỳ mà trong điều kiện chiến tranh du kích chưa nước nào làm được.

>> Kỳ I: Tuổi thanh xuân nhiều khám phá, sáng tạo


Kỳ II: “Ma Tùng” rừng Chiêm Hoá

 

Chàng trai hoàng tộc gối đất nằm sương

 

Sau hai tháng kìm chân địch, Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội.

 

Đoàn mổ xẻ của GS Hồ Đắc Di và BS Tôn Thất Tùng, lúc bấy giờ mang tên "đoàn mổ xẻ Việt Bắc", rút về tuyến sau. Hai tuần sau, quân Pháp từ Nam Định, Phủ Lý kéo lên theo sông Đáy.

 

"Lúc tôi trở về Hoà Xá, đang định sang sông thì xe tăng Pháp đã vây Hoà Xá và nổ súng - sau này, GS Tôn Thất Tùng kể lại. - Tôi bỏ chạy. Nhưng rồi tiếc chiếc xe đạp nằm kềnh trên mặt ruộng, tôi bò trở lại để kéo nó đi. Bốn viên đạn 37 li nổ chung quanh! Tôi tưởng thế là xong đời! Hết súng nổ, trời đã chạng vạng, tôi tẩu thoát với chiếc xe Peugeot. Về sau, cái đi-na-mô của chiếc xe đạp này giúp tôi nhiều trong những ca mổ đêm ở rừng.

 

Cùng một số sinh viên, tôi đạp xe đến Ba Thá, nơi mà địch cũng vừa bắn phá, rồi đạp tiếp lên Đồng Mô, đến Sơn Tây, vào ngủ nhờ trong nhà BS Ấu. Hôm sau, tôi vừa rời khỏi Sơn Tây thì quân Pháp kéo tới, bắn ngay BS Ấu! Tôi đến Phú Thọ thì Phú Thọ vừa bị bom. Đạp xe tới Đoan Hùng thì máy bay Pháp đến bắn phá nơi tôi ẩn nấp. Đến Tuyên Quang chưa được một ngày, máy bay Pháp ném bom tan tành thị xã. Tôi bắt đầu nếm mùi chiến tranh du kích, khi ẩn khi hiện, lúc tiến lúc lui, lấy sức chịu đựng bền bỉ để chống lại bom đạn quân thù. Hôm qua vẫn còn là anh thư sinh thích sách vở và phòng thí nghiệm, hôm nay đã biết gối đất nằm sương…".

 

Ở Phú Thọ, BS Tôn Thất Tùng nhận được một cái thiếp của Bác Hồ, chữ đánh máy màu tím:

 

"Bác sĩ Tùng,

 

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo: Chú làm việc rất hăng hái. Tôi rất vui lòng. Chú cứ gắng sức. Kháng chiến nhất định thắng lợi. Tổ quốc sẽ nhớ công con hiền, cháu thảo. Thím và các cháu mạnh khỏe chứ? Tôi luôn luôn bình an. Gửi chú và thím lời chào thân ái và quyết thắng".

 

Mấy lời vắn tắt mà muôn vàn ân cần.

 

GS Tôn Thất Tùng: Thiên tư trác việt - Tính cách mạnh mẽ (kỳ 2) - 1
 Chủ Tịch Hồ Chí Minh và một số vị trong Chính phủ kháng chiến ở Việt Bắc năm 1948. GS Tôn Thất Tùng, người thứ hai hàng trước, từ phải sang, mặc áo sơ-mi cổ bẻ, hai túi ngực, lúc bấy giờ giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế.

 

Bát phở "tặc piệt" của chú Tám người Hoa

 

 Mùa thu năm 1947, GS Hồ Đắc Di và GS Tôn Thất Tùng cùng vợ con đến Chiêm Hoá, Tuyên Quang. Hai ông quyết định xây dựng Trường Đại học Y kháng chiến tại làng Ải, một làng miền núi rất đẹp, bên con ngòi Quẵng uốn lượn quanh co, nước trong xanh, bờ cát trắng. Bốn phía đều là rừng.

 

GS Hồ Đắc Di làm Hiệu trưởng. BS Tôn Thất Tùng giữ chức Giám đốc Bệnh viện thực hành của trường.

 

Rừng Chiêm Hoá lắm beo. Đêm ngủ, thỉnh thoảng lại nghe đồng bào đập vào máng tre, kêu "ủi, ủi". Đó là lúc beo đến rình gần nhà sàn, và những con trâu dưới sàn giẫm chân dữ dội. Một đêm, BS Tùng đang ngủ trên sàn bỗng nghe tiếng beo kêu và sau đó, ở bậc thang gỗ lên gian ngủ của ông có tiếng bước chân nặng nề, rồi con chó Bô-bi nằm trước cửa rú lên một tiếng! Ông vội cầm súng chạy ra thì con chó đã chết rồi, với một vểt thương rất nhỏ ở cổ, do một cái móng chân beo làm thủng!...

 

Để giúp anh chị em sinh viên khỏi luyến tiếc Hà Nội và vùng đồng bằng đông vui, trù phú, bệnh viện bắt đầu nhận chữa bệnh và mổ xẻ.

 

Chú Tám, người Hoa, dựng lên một cái quán tạm bằng nứa bên con ngòi Quẵng, để bán phở trâu cho các cán bộ, sinh viên và những người dân đồng bằng mới tản cư lên làng Ải. Mấy hôm liền chú cứ kêu đau bụng. Khám bụng cho chú, BS Tùng thấy có một chỗ cứng và đau, tuy các chỗ khác đều mềm. Gõ vào chỗ đó, ông nghe có tiếng trong trong như bị căng hơi. Chú Tám kể là chú đau dạ dày từ lâu, và trước đó một tuần, đã đau dữ dội, nhưng rồi lại đỡ. BS Tùng chẩn đoán: áp-xe dưới cơ hoành do dạ dày đã tự bít lại. Trong "kho thuốc" của bệnh viện chỉ có hai lọ penicillin, chỉ hai lọ thôi, quý hơn vàng. Ông lấy kim chọc dò, hút mủ thối ra, rồi tiêm vào đấy một lọ kháng sinh.

 

Thời kháng chiến chống Pháp, cố nhiên, chưa làm gì có chuyện thu viện phí.

 

Mấy ngày sau, chú Tám trở lại bán phở cho mọi người. Và, đối với GS Tùng, chú luôn dành riêng một bát... "tặc piệt".

 

Người tò mò trèo cây xem mổ... rơi... như sung rụng

 

Một ông bố người Tày từ làng Hét theo con ngòi Quẵng chở đến bệnh viện một em bé độ mười tuổi trên một cái mảng. Theo lời ông kể, em bé mắc phải một chứng bệnh lạ lùng, cứ như là bị ma ám: Bất kể ngày đêm, bỗng nhiên bé lên cơn la hét, lăn lóc. Gia đình đã mời thầy cúng đến nhưng chẳng ăn thua. Gia tài khánh kiệt. Đứa bé gầy xanh, nhưng lá lách không to chứng tỏ không phải ốm do sốt rét. Bé luôn nằm trong một tư thế lạ đời: gót chân trái quặp, đè vào tầng sinh môn, tức là vào khoảng giữa cơ quan sinh dục và hậu môn.

 

- Bé đi đái xong, có buốt lắm không? - GS Tùng hỏi.

 

Bé gật đầu. Đúng là có buốt bởi vì ngay lúc đó bé sợ quá vãi đái, tay phải liền nắm lấy "chim" và la hét.

 

- Đây là triệu chứng có một hòn sỏi nằm trong bàng quang - GS Tùng giảng cho sinh viên. - Đi đái xong mới buốt. Cái đau như khu trú ở quy đầu, cho nên bé liền đặt tay vào vùng ấy ngay sau khi đái xong. Và cũng vì sợ đi đái, gót chân trái của bé luôn đè lên niệu đạo để khỏi phải... đi đái!

 

- Thầy không cần làm X quang sao?

 

- Không cần. Chuẩn bị để tôi mổ sớm cho bé!

 

Ngôi nhà sàn để mổ làm bằng tre nứa đã dựng xong. Cụ Thu, người y tá lâu năm, gây mê cho bé. GS Tùng cầm con dao mổ rạch bụng, mở bàng quang, lấy ra một hòn sỏi nặng phải đến một ki-lô-gam, to bằng nắm đấm! Trong khi mổ, dân làng Ải cũng như mấy làng gần đấy kéo đến vây quanh ngôi nhà mổ từ lúc nào rồi mà giáo sư chẳng biết. Một số người còn trèo cả lên cành mấy cây to chung quanh, ngồi vắt vẻo để xem trộm cảnh "mổ bụng moi gan" cho thật rõ. Lúc đang mổ, giáo sư nghe hình như bên ngoài có tiếng những vật gì đó rất nặng rơi thịch thịch xuống đất? Hoá ra mấy anh chàng tò mò ngồi trên cây xem mổ, sợ quá ngã nhào! May mà chẳng ai què chân, gãy tay!                      

 

"Ma" là tiếng đồng bào miền núi thường dùng để chỉ những người đã mất - kể cả tổ tiên mình - cũng thiêng như thần thánh, vừa phù hộ vừa quấy nhiễu dân lành. Ở làng Ải, loại ma đáng sợ nhất là "ma gà" vì nó thần thông quảng đại, biến hoá khôn lường. Sau đó là đến... "ma Tùng"! Chẳng biết từ lúc nào người dân vùng rừng Chiêm Hoá đã coi GS Tùng như một thầy phù thuỷ đầy phép lạ!

 

Nhờ cái uy đậm màu huyền bí ấy, dụng cụ mổ xẻ của bệnh viện dù có vô ý bỏ vương vãi đó đây, kẻ gian cũng chẳng dám lấy trộm...

 

Chế thuốc kháng sinh giữa vùng rừng thẳm

 

Năm 1949, BS Đặng Văn Ngữ từ Tokyo về nước qua Thái Lan, đi bộ xuyên rừng Thượng Lào, đến Chiêm Hoá, vào làm việc tại Trường Y. Nhà trường lúc ấy mới có được bốn giáo sư: Hồ Đắc Di, Hoàng Tích Trí, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ. GS Ngữ mang từ Tokyo về Việt Bắc hai chủng nấm penicillin và streptomycin - hai chủng nấm để sản xuất thuốc kháng sinh mà bộ đội ta rất cần. GS Ngữ muốn chế thành dạng thuốc bột.

 

Nhưng GS Tùng cho rằng loại thuốc bột ấy vẫn chưa dùng để tiêm được, và việc sản xuất nó trong điều kiện núi rừng sẽ vô cùng khó khăn. Ông khuyên GS Ngữ nên sản xuất thuốc kháng sinh dưới dạng filtrat (nước lọc) theo kinh nghiệm của Pháp sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Cách làm này rất đơn giản: Chỉ cần nuôi nấm trong dung dịch ngô, chất kháng sinh sẽ tan trong nước, đem lọc thứ nước ấy, ta sẽ có filtrat, đem bôi lên vết thương, tác dụng không kém gì thuốc kháng sinh dạng bột. GS Ngữ đồng ý.

 

Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ nhiệm GS Tôn Thất Tùng, lúc bấy giờ mới 36 tuổi, giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế.

 

Nhân danh Thứ trưởng, GS Tôn Thất Tùng cho thành lập nhóm nghiên cứu giúp GS Ngữ xây dựng nhà xưởng ngay trong Trường Y, và đề nghị bên quân y cung cấp các lọ thuỷ tinh đặc biệt để nuôi nấm.

 

Hai chủng nấm penicillin và streptomycin để trong rừng dễ bị môi trường rừng làm ô nhiễm, nên trước khi dùng, phải cấy lại. Nhưng mấy anh em cộng sự cứ "cam đoan" rằng chẳng việc gì đâu! Đến khi cần đem nấm ra dùng thì, chao ôi, penicillin đang chết dở vì bị các thứ nấm mốc trong rừng già Việt Bắc ồ ạt tấn công! Hai giáo sư phải mất một tháng, mới gây lại được chủng penicillin tinh khiết.

 

Từ đấy, vào mỗi kỳ chiến dịch, quân y ta đưa ra tiền tuyến một tổ penicillin để sản xuất kháng sinh dùng ngay trên mặt trận. Đó là một thành tích diệu kỳ mà từ trước đó, trong điều kiện chiến tranh du kích, chưa nước nào làm được.

 

(Còn nữa)

 

Hàm Châu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm