GS Nguyễn Trung Việt: Nhiều ĐH Nhật Bản tìm kiếm học sinh tài năng Việt Nam
(Dân trí) - GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi cho biết, nhiều trường đại học Nhật Bản rất muốn tìm kiếm các học sinh tài năng của Việt Nam đưa sang Nhật Bản học tập.
GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi được xem là một trong những "cầu nối" giữa Việt Nam và Nhật Bản, khi ông có rất nhiều đóng góp cho hoạt động giao lưu giữa hai nước trong lĩnh vực kỹ thuật công trình thủy.
Trao đổi với Dân trí, GS.TS Nguyễn Trung Việt cho biết, hiện nay, đại học Tohoku nói riêng và các trường đại học Nhật Bản nói chung rất muốn tìm kiếm
Theo số liệu của Đại sứ quán Nhật Bản, trong số các lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại Nhật Bản, lưu học sinh Việt Nam chỉ đứng thứ hai sau Trung Quốc. Như vậy, đây thực sự là nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào để sau này thúc đẩy sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ
các học sinh tài năng của Việt Nam sang Nhật Bản học tập.
"Cách đây gần một tháng, tôi có làm việc với Phó hiệu trưởng Đại học Tohoku. Ông đặt yêu cầu, mong muốn trường Đại học Thủy lợi và các giáo sư Việt Nam giúp đỡ kết nối đại học Tohoku Nhật Bản với các trường THPT chất lượng cao ở Việt Nam; truyền tải thông tin về chương trình học bổng của Chính phủ Nhật cũng như Đại học Tohoku. Từ đó, mời các học sinh phổ thông có năng lực sang Nhật học đại học. Họ sẽ cấp học bổng có các học sinh thực sự tài năng.
Đại học Tohoku sẽ tổ chức một số cuộc thi, phối hợp với trường Đại học Thủy lợi thông tin rộng rãi tới tất cả học sinh phổ thông ở Việt Nam. Dự kiến, trường sẽ chọn ra 5 em xuất sắc nhất cuộc thi này để sang Nhật tiếp tục trình bày và bảo vệ các đề án của mình. Phía Nhật Bản sẽ đài thọ toàn bộ kinh phí ăn ở, đi lại, sinh hoạt. Học sinh xuất sắc nhất trong nhóm sẽ có cơ hội được Đại học Tohoku cấp học bổng để học tập đại học tại đây" - GS Việt thông tin.
Sẵn sàng trao học bổng cho sinh viên xuất sắc Việt Nam
Thưa GS.TS Nguyễn Trung Việt, được biết, cá nhân ông và trường Đại học Thủy lợi đang có quan hệ hợp tác chặt chẽ với một số đại học hàng đầu của Nhật Bản, ông có thể chia sẻ một số câu chuyện thực tế là thành quả của sự hợp tác này?
- Cá nhân tôi đến Nhật lần đầu tiên cách đây 19 năm, sau đó may mắn thông qua giáo sư hướng dẫn của mình mà có sự hợp tác rất tốt với Nhật Bản, đặc biệt là Đại học Tohoku - một trong 07 đại học đa ngành (tổng hợp) dẫn đầu nước Nhật, do Nhật hoàng thành lập với bề dày lịch sử hơn 100 năm.
Qua nhiều hoạt động hợp tác với Đại học Tohoku, sau đó là các trường đại học, các viện nghiên cứu khác nhau ở Nhật Bản, rất nhiều hội thảo quốc tế đã được đồng tổ chức bởi trường Đại học Thủy lợi và Hiệp hội kỹ sư xây dựng Nhật Bản.
Cũng thông qua những hội thảo quốc tế này, mạng lưới nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản kết nối sâu, rộng hơn với nhau; nhiều đề tài nghiên cứu được tạo ra từ mạng lưới đó và được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, đồng tài trợ của Chính phủ Việt Nam để các chuyên gia 2 nước cùng nghiên cứu.
Thông qua sự hợp tác giữa 2 Chính phủ, giữa các trường đại học 2 nước Việt Nam và Nhật Bản, tại trường Đại học Thủy lợi, rất nhiều sinh viên đã được nhận học bổng do phía Nhật Bản tài trợ toàn bộ để theo học chương trình trao đổi.
Thông qua những chương trình này, sinh viên đã bước đầu thâm nhập vào môi trường nghiên cứu thực thụ của Nhật Bản. Đây là tiền đề rất quan trọng giúp các em tiếp tục học tập tới bậc cao hơn.
Một ví dụ điển hình là sinh viên Nguyễn Trọng Hiệp, sinh năm 1995, sinh viên chương trình Tiên tiến của trường Đại học Thủy lợi. Năm 2 đại học đầu tiên tại Trường Đại học Thủy lợi, Hiệp được một quỹ của Nhật Bản cấp học bổng sang học trao đổi tại Đại học Tohoku một năm. Trong thời gian này, Hiệp vừa học tiếng Nhật, vừa học tập, nghiên cứu ở môi trường nghiên cứu tại nước bạn và đã có 03 bài báo được công bố trên tạp chí khoa học trong năm học trao đổi đó.
Trở về Việt Nam, em tiếp tục hoàn thành chương trình Kỹ sư tại trường Đại học Thủy lợi, sau đó được Đại học Tohoku cấp học bổng học Thạc sĩ và tiếp tục học lên bậc Tiến sĩ.
Chỉ trong vòng 1,5 năm, vào tháng 3/2022, nghiên cứu sinh Nguyễn Trọng Hiệp đã hoàn thành chương trình và nhận bằng Tiến sĩ. Đây là trường hợp rất đặc biệt của đại học Tohoku với thành tích vượt trội trong nghiên cứu, công bố hơn 10 bài báo trên các tạp chí quốc tế và Nhật Bản có uy tín rất cao trong chuyên môn sâu thuộc lĩnh vực nghiên cứu về kỹ thuật công trình biển.
Vui mừng hơn, với trình độ tiếng Anh 8.0 IELTS và trình độ tiếng Nhật N1, gần như tương đương người bản địa, TS Hiệp hiện đang công tác tại Công ty rất lớn tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Đây là một trong những trường hợp thể hiện rõ nét cho sự hiệu quả của chương trình học bổng trao đổi.
Trường hợp khác là em Võ Hoàng Hiếu, sinh năm 2002, đang là sinh viên năm 2 khoa Cơ khí, trường Đại học Thủy lợi. Hiếu đam mê nghiên cứu, sáng tạo máy bay tự chế bằng các vật liệu tự chế, tới nay đã nghiên cứu và tự chế tạo, sản suất và tự điều khiển một cách rất điêu luyện trên 130 máy bay có thể nhào lộn, bay lượn trên bầu trời.
Trong chuyến công tác vừa qua tại Đại học Tohoku, tôi đã thông tin tới GS. Tetsuya Nagasaka, Phó hiệu trưởng nhà trường về trường hợp sinh viên Võ Hoàng Hiếu. GS. Tetsuya Nagasaka và Đại học Tohoku rất vui mừng và sẵn sàng trao suất học bổng cho sinh viên Hiếu theo học ngành Vũ trụ hàng không tại Đại học Tohoku, Nhật Bản.
Các trường Đại học của Nhật Bản rất phát triển trong đào tạo những ngành khoa học công nghệ đón đầu xu hướng tương lai. Trường Đại học Thủy lợi thông qua sự hợp tác với Nhật Bản đã xây dựng, đưa vào chương trình giảng dạy các ngành học tiềm năng nào?
- Thông qua mạng lưới kết nối của Nhật Bản, trong những năm gần đây, trường Đại học Thủy lợi đã tổ chức đào tạo ngành Kỹ thuật robot và điều khiển thông minh, hợp tác với Đại học Hose của Nhật Bản.
8 Phòng nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu về robot của Đại học Hose sẽ hợp tác với Khoa Cơ khí, Trường Đại học Thủy lợi để cùng hợp tác đào tạo chuyên môn sâu cho các giáo viên Việt Nam sang Nhật nâng cao kỹ thuật chuyên sâu, các học viên, sinh viên cũng được tham gia chương trình trao đổi theo văn bản đã ký kết hợp tác giữa hai trường.
Sau đó, họ cũng sẽ cử chuyên gia sang Việt Nam cùng với Trường Đại học Thủy lợi đào tạo sinh viên. Chúng tôi đã ký kết hợp tác với Đại học Hose và rất kỳ vọng vào tiềm năng của ngành Kỹ thuật robot và Điều khiển thông minh.
Bên cạnh đó, từ năm 2007, Trường Đại học Thủy lợi đã ký kết hợp tác ghi nhớ với Trường Kỹ thuật của Đại học Tohoku. Đầu năm 2019, GS.TS. Hideo Ohno, Hiệu trưởng Đại học Tohoku đã sang Việt Nam chính thức ký hợp tác toàn diện tất cả lĩnh vực với Trường Đại học Thủy lợi.
Nhiều ngành học trọng điểm nhưng sinh viên "thờ ơ"
Thưa GS, các ngành học hợp tác với Nhật Bản chắc chắn sẽ là những ngành "hot", có thể thu hút đông thí sinh nộp hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên, một số ngành học vốn là truyền thống của trường như Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, Kỹ thuật tài nguyên nước, Thủy văn học,…thì vài năm gần đây, số hồ sơ đăng ký đang có xu hướng giảm. Ông nhìn nhận thế nào về thực tế này?
- Năm 2022, Trường Đại học Thủy lợi mở thêm một số ngành đào tạo. Ngoài Trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu, Kỹ thuật robot và điều khiển thông minh còn có các ngành: Luật, Ngôn ngữ Anh và một số ngành thuộc khối Kinh tế, bao gồm: Tài chính - Ngân hàng, Kiểm toán, Kinh tế số. Có thể nói, đây là xu thế tất yếu của xã hội, dựa trên quan hệ cung cầu.
Trên thực tế, các ngành thuộc khối kỹ thuật nói chung, kỹ thuật thủy lợi nói riêng ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do thí sinh có vẻ nhìn nhận đây là ngành học khó, đi làm có thể vất vả; mặc dù nhu cầu xã hội là rất lớn và quan trọng. Họ nhìn nhận bề ngoài như vậy nên ít đăng ký vào các ngành này. Thực tế trên cũng là xu thế chung của thế giới hiện nay, kể cả đất nước phát triển như Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Bởi vậy, các ngành nghề truyền thống của trường Đại học Thủy lợi gặp phải một số khó khăn trong công tác tuyển sinh.
Tôi lấy ví dụ như ngành Kỹ thuật xây dựng công trình biển. Theo Nghị quyết 36 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65-70% GDP cả nước. Nhưng thực tế hiện không có nhiều thí sinh mong muốn theo học ngành này.
Trong khi đó, nước ta có 02 đồng bằng lớn hết sức quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân: đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, hiện đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng như xói lở vùng cửa sông và bờ biển, xâm nhập mặn, hạn hán, sạt lở đất, lũ quét, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu.…
Nếu không có sinh viên theo học những ngành kỹ thuật này, giai đoạn 5 năm, 10 năm, 20 năm tới… chúng ta lấy đâu ra nhân lực làm việc trong các lĩnh vực quan trọng cho đất nước? Hiện nay, cả xã hội dường đang có xu hướng rất "hot" với các ngành Kinh tế - Xã hội, vậy lấy ai sẽ là người làm kỹ thuật?.
Dĩ nhiên, các ngành kinh tế cũng rất quan trọng, nhưng nếu đội ngũ kỹ thuật không có, thì sẽ không có lực lượng khoa học kỹ thuật phục vụ đất nước trong giai đoạn tới!
Đây là câu chuyện rất khó, là bài toán vĩ mô chúng ta cần suy nghĩ, cũng là điều tôi luôn trăn trở.
Theo giáo sư, chúng ta có thể phải đối mặt với những viễn cảnh nào nếu các ngành học về thủy lợi vẫn tiếp tục thiếu vắng sinh viên theo học?
- Như các chuyên gia đã cảnh báo, kịch bản nước biển dâng, theo công bố mới nhất năm 2020 của Bộ TN&MT thì nếu xét riêng dải ven biển Việt Nam, khu vực ven biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang có mực nước biển dâng cao hơn so với khu vực phía Bắc.
Nếu mực nước biển dâng 100cm, thì Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có nguy cơ ngập cao, gần mất đi một nửa diện tích. Cà Mau và Kiên Giang là tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất, tương ứng 79,62% và 75,68% diện tích.
Theo Kết luận 36 của Bộ chính trị về An ninh nguồn nước, công trình thủy lợi có nhiệm vụ phân phối lại nguồn nước theo không gian và thời gian để đảm bảo an toàn về số lượng và chất lượng. Trong đó, hồ đập là công trình rất quan trọng để thực hiện nhiệm vụ này. Vì vậy, đảm bảo an toàn hồ đập cũng là một phần tất yếu của đảm bảo an ninh nguồn nước.
Ngoài ra, hãy nhìn nhận sang vấn đề về an toàn hồ đập, hiện nay Việt Nam có khoảng trên 7.000 hồ chứa. Chúng ta hãy tưởng tượng, ví dụ một cây cầu hay một căn nhà bị sập, mức độ ảnh hưởng có thể lớn nhưng dù sao vẫn mang tính cục bộ, phạm vi ảnh hưởng nhỏ. Nếu là một hồ chứa bị vỡ thì hậu quả của nó gây ra cho phía hạ du (cả kinh tế và con người) sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Để giải quyết vấn đề an toàn đập, theo Quy hoạch thủy lợi, đến năm 2050 ước tính trên 60 nghìn tỷ để xây mới và sửa chữa nâng cấp các hồ chứa thủy lợi; ngoài ra việc cải tạo, nâng cấp các hệ thống thủy lợi cũng cần đến kinh phí hàng chục nghìn tỉ đồng.
Đề xuất miễn học phí cho sinh viên ngành kỹ thuật thủy lợi
Vậy giải pháp nào để thu hút sinh viên theo học những ngành này, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho đất nước?
- Chúng tôi kiến nghị Nhà nước cần có nhiều chính sách để nuôi dưỡng, bảo trợ hoặc tăng cường nhân lực cho các nhóm ngành nghề quan trọng nhưng hiện khó thu hút sinh viên theo học, khó hấp dẫn xã hội.
Rất vui mừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hết sức quan tâm và chỉ đạo việc thu hút đội ngũ chất lượng cao thông qua việc xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư thủy lợi tiềm năng, tài trợ kinh phí riêng cho sinh viên theo học các ngành như: Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, Kỹ thuật xây dựng công trình biển, Cấp thoát nước, Kỹ thuật tài nguyên nước, Thủy văn học,…
Theo đó, tất cả sinh viên vào học những ngành này sẽ được Nhà nước tài trợ kinh phí học tập, hỗ trợ về học bổng. Sau khi tốt nghiệp ra trường, việc làm của các em sẽ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Thủy lợi phối hợp với các cơ quan quan tâm sắp xếp. Chương trình này sẽ được trường Đại học Thủy lợi bắt đầu thực hiện từ năm nay.
Bên cạnh đó, hiện chúng ta có thêm một thuận lợi là Bộ Chính trị mới phê duyệt Quyết định 36 về chương trình An ninh nguồn nước và An toàn hồ đập. Theo đó, phổ biến xuống tất cả địa phương phải đặt vấn đề này lên thành chương trình trọng điểm của các địa phương về đảm bảo an ninh nguồn nước, đảm bảo an toàn hồ đập.
Đây thực sự là chính sách tốt, một sự quan tâm đặc biệt và định hướng đúng đắn của Nhà nước về chính sách vĩ mô, giúp chúng ta kỳ vọng có thể thu hút sinh viên theo học ngành kỹ thuật nói chung và kỹ thuật thủy lợi nói riêng.
Xin trân trọng cảm ơn GS!
GS.TS Nguyễn Trung Việt sinh năm 1974, được đào tạo theo chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy. Năm 2007, ông hoàn thành chương trình Tiến sĩ và được Đại học Tohoku (Nhật Bản) trao bằng. Đến năm 2018, ông vinh dự đạt chức danh Giáo sư do Hội đồng nhà nước trao tặng.
GS.TS Nguyễn Trung Việt đã có những đóng góp to lớn cho ngành thủy lợi nói chung và đặc biệt là ngành kỹ thuật xây dựng công trình thủy nói riêng.
Ông đã đạt được nhiều giải thưởng nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước như Giải thưởng cho Bài báo có tính ứng dụng cao tại Hội nghị Khoa học Cơ học Thủy khí toàn quốc lần thứ 19 năm 2017; Giải thưởng Quốc tế xuất sắc vì sự thúc đẩy về đào tạo và nghiên cứu bởi Đại học Tohoku, Nhật Bản năm 2019.
Ngày 10/6 năm nay, tại Tokyo (Nhật Bản), GS.TS Nguyễn Trung Việt được Hiệp hội kỹ sư xây dựng Nhật Bản (JSCE) trao Giải "Hoạt động hợp tác quốc tế xuất sắc" trong lĩnh vực xây dựng. Đây là giải thưởng lớn trao cho các nhà nghiên cứu tại Nhật Bản và thế giới có đóng góp to lớn đối với lĩnh vực xây dựng nói chung.
Hiệp hội kỹ sư xây dựng Nhật Bản đánh giá GS.TS Nguyễn Trung Việt đã có đóng góp to lớn vào phát triển ngành kỹ thuật xây dựng công trình thủy tại Việt Nam và hoạt động nghiên cứu chung với phía Nhật Bản trong cùng lĩnh vực.
Bên cạnh việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nhà nghiên cứu Nhật Bản trong hoạt động nghiên cứu về cơ cấu xâm thực của Việt Nam, GS Việt đã cùng với các cộng sự đã dịch ra tiếng Việt "Tuyển tập thuật ngữ chuyên ngành Kỹ thuật Biển".