GS Ngô Bảo Châu: Muốn học phải hỏi
GS Ngô Bảo Châu cho rằng: “Sinh viên Việt Nam còn quá ít những hoạt động tập thể để rèn luyện những kỹ năng mà sách vở không có”.
Muốn kiến thức sống: Tìm tòi, trải nghiệm
Trả lời câu hỏi của SV Nguyễn Thị Ngọc Vân về nhận xét của ông đối với SV Việt Nam, GS Châu nói: “Các bạn ít có cơ hội hoạt động tập thể, mà ở đó, việc tranh luận sẽ rèn cho mình những kỹ năng rất có lợi trong học tập, nghiên cứu khoa học”. Theo ông, nếu không có kỹ năng tranh luận, người ta sẽ bị chi phối bởi xúc cảm và việc tranh luận chỉ dẫn đến sự giận dữ.
Tự nhận mình không có bí quyết học tập mà chỉ có niềm say mê, GS Châu cho biết: “Khi mở một cuốn sách có nhiều kiến thức rất khó, tôi tự nhủ do người viết sách tồi và phải làm sao để viết lại sách. Khi nghiền ngẫm việc đó, tôi đã dần hiểu được nội dung trong sách”.
Kiến thức là vô bờ bến nhưng khả năng tiếp nhận của mỗi người có giới hạn. GS Châu quan niệm có 2 loại kiến thức sống và chết. “Kiến thức chết là không hiểu nhưng vẫn làm được bài. Kiến thức sống là phải tìm tòi vật lộn để trải nghiệm và tìm ra nó. Những việc đã trải nghiệm thì không bao giờ quên” - ông lý giải.
GS Châu nhắn nhủ với các SV: “Việc học bao giờ cũng xuất phát từ một câu hỏi. Vì vậy, đọc một quyển sách khoa học dễ hơn nhiều nếu xuất phát từ những câu hỏi”.
Nghiên cứu khoa học là trưởng thành
SV Trần Bảo Ngân đặt vấn đề: “Sự trung thực nhiều khi mâu thuẫn với thành quả. Ví dụ, để đạt mục tiêu nghiên cứu khoa học, nhiều SV lơ là các môn khác hoặc giáo viên cũng làm lơ để đạt thành tích. Lại có người nói SV nghiên cứu khoa học đều không có ứng dụng thực tiễn”. Bàn về vấn đề này, GS Ngô Bảo Châu nói: “Sự trung thực nằm trong kết quả học tập. Chúng ta không nên đặt những mục tiêu quá cao, ngoài tầm với để rồi phải gian dối nếu muốn hoàn thành chỉ tiêu. Một khi đã bắt tay nghiên cứu khoa học là bạn đã trưởng thành”.
“Điều này cho thấy vai trò của tập thể rất quan trọng. Bạn không thể tự mình sản xuất một chiếc máy mà cần ý tưởng của nhiều người. Vì vậy phải có một thiết chế khoa học, có sự gắn kết các ý tưởng mới có thể theo kịp các thành tựu khoa học trên thế giới”, GS Châu kết luận.
Cần cuộc tranh luận của những người làm giáo dục Nhận định về chương trình giáo dục ở Việt Nam, GS Ngô Bảo Châu cho rằng cần phải có một cuộc tranh luận giữa những người làm giáo dục để tìm ra câu trả lời làm sao để cân bằng chương trình học quá nặng với thiên hướng tự do. Câu trả lời có thể không được toàn diện nhưng có thể giúp những người làm giáo dục thay đổi quyết sách, tư duy. |
Người Lao Động