GS Ngô Bảo Châu chọn nghề… cắt tóc trong trải nghiệm hướng nghiệp đầu đời

(Dân trí) - GS Ngô Bảo Châu làm “nóng” hội trường buổi tọa đàm định hướng nghề nghiệp cùng các bậc phụ huynh và các em học sinh diễn ra tối ngày 4/5 tại Hà Nội ngay từ giây phút mở màn với kỉ niệm vui về quyết định chọn nghề cắt tóc khi ông còn là học sinh cấp 2.

Hướng nghiệp dựa vào sự kết nối con người

Buổi Toạ đàm “Cùng con định hướng tương lai” được chủ trì bởi GS Ngô Bảo Châu - người sáng lập “Vườn ươm Tài năng” cùng các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực đã thu hút sự quan tâm đông đảo của phụ huynh, học sinh Thủ đô.

GS Ngô Bảo Châu và các chuyên gia đầu ngành hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.
GS Ngô Bảo Châu và các chuyên gia đầu ngành hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

Giáo sư Châu cho biết, trước đây các thầy cô giáo cấp 2 của ông ở trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) rất nhiệt huyết trong việc hướng nghiệp cho học trò. Nhưng cái khó là học sinh bấy giờ chỉ có 4 lựa chọn nghề nghiệp. Hai lựa chọn cho các học sinh nữ là nghề đan rổ và vá bít tất. Những học sinh nam như ông có thể chọn cắt tóc hoặc sửa dây đàn.

Cuối cùng, GS Ngô Bảo Châu đã chọn nghề cắt tóc thay vì sửa dây đàn. Buổi đầu tiên gặp gỡ CLB các học sinh chọn nghề cắt tóc, thầy giáo nói: “Theo thầy các em theo nghề cắt tóc thì không cần học lý thuyết đâu, cứ lao vào thực hành đi”. Vậy là nhóm có 6 bạn thì một bạn được chọn làm mẫu, 5 bạn còn lại lao vào cắt cho đến trụi, cắt xong thì giải tán.

Kể câu chuyện vui đáng nhớ về trải nghiệm hướng nghiệp đầu đời ở trường, GS Ngô Bảo Châu khẳng định ý tưởng hướng nghiệp của phụ huynh, thầy cô cho học sinh là rất cần thiết. Tuy rằng, để làm tốt hướng nghiệp thì tất nhiên không thể chỉ gói gọn trong 4 nghề cắt tóc, đan rổ, sửa dây đàn, vá bít tất. Sự lựa chọn nghề nghiệp thời nay của học sinh vô cùng phong phú.

Về cách thức hướng nghiệp, GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh “Tôi không tin hướng nghiệp bằng sách vở mà tin hướng nghiệp dựa vào sự kết nối con người”.

Theo đó, những khía cạnh cần thiết để có định hướng nghề nghiệp tốt trước tiên phải xuất phát từ việc lắng nghe sở thích, nguyện vọng của các con. Thứ hai là phải giúp các cháu gặp gỡ, trò chuyện với những người trong ngành có lòng yêu nghề, tài năng, có ước muốn chia sẻ và truyền lại lòng yêu nghề cho các cháu.

Cuối cùng và quan trọng nhất là tạo môi trường tăng cơ hội cọ xát, thử nghiệm/trải nghiệm nghề nghiệp mơ ước để các cháu có hình dung đúng hơn như thế nào là nghề kiến trúc, như nào nào là nghề nhà giáo, như thế nào là nghề bác sĩ…

Qua trải nghiệm, cháu có thể nhận thấy đó là nghề không phù hợp với mình nhưng cũng có thể cảm thấy tuyệt vời, được cuốn hút bởi cá tính, lòng yêu nghề và muốn theo đuổi thực sự. GS Ngô Bảo Châu cho rằng, đó chính là cách hướng nghiệp tốt - hướng nghiệp từ sự kết nối giữa con người với nhau.

Một cuộc đối thoại rất lâu giữa bố mẹ và con!

Điều bố mẹ mong muốn con mình làm hay điều con chọn quan trọng hơn? Làm thế nào khi ước muốn của con khác mong muốn của phụ huynh?

Kiến trúc sư Huỳnh Thúc Hào cho rằng, dù bố mẹ có muốn con trở thành ai trong tương lai thì quan trọng nhất là ước muốn của mình trở thành quyết định của con chứ không phải quyết định của bố mẹ.

“Bố muốn một tí, mẹ muốn một tí, ông bà muốn một tí, xã hội muốn một tí và đứng trước những sự lựa chọn ấy thực sự rất áp lực cho con em của chúng ta”, diễn giả này chia sẻ.

Nói về cơ duyên đến với nghề, anh Hào kể câu chuyện về người bố chuyên làm nội thất. Bố ông nhận thấy nghề kiến trúc rộng hơn nội thất bèn… nhốt con trai trong nhà, bắt vẽ quả cam, hình khối... Thế là, cậu bé Huỳnh Thúc Hảo học kiến trúc. Nhà báo - MC Tạ Bích Loan đã bình luận vui “Từ nạn nhân của bố, anh Hào đã trở thành kiến trúc sư có tiếng”.

GS Ngô Bảo Châu và các em nhỏ xuất sắc ở trò chơi: “Nghề nghiệp hot trong 50 năm tới”.
GS Ngô Bảo Châu và các em nhỏ xuất sắc ở trò chơi: “Nghề nghiệp hot trong 50 năm tới”.

Còn PGS. Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu lại không theo đuổi nghề của bố - GS Nguyễn Lân Dũng mà trở thành bác sĩ vì… tờ phiếu ăn phở. Tình yêu nghề Y thật nguyên sơ từ những bát phở miễn phí mà cậu bé Hiếu được ăn khi theo mẹ anh đi trực ở bệnh viện.

“Cảm giác đến giờ cầm phiếu đi ăn phở rất sung sướng. Khiến mình có một suy nghĩ đơn giản, cứ làm tốt nghề nào đó thì ắt sẽ có quà”, bác sĩ Hiếu kể.

Nhà giáo Đàm Hiếu Chiến từng cảm thấy đôi chút bất công và khó nhọc khi bước chân vào nghề Sư phạm với sự định hướng của bố ông - một nhà giáo. Nhưng rồi khi trải nghề, ông dần trưởng thành, lòng đam mê ngày càng sâu đậm.

“Con hãy chọn nghề Sư phạm và bất kể ở lĩnh vực nào con hãy cứ làm tốt đi thì con sẽ thấy đời sẽ không bất công với con. Và đến bây giờ tôi thấy đúng, ngành Sư phạm đã cho tôi tất cả!”, nhà giáo Đàm Hiếu Chiến chia sẻ.

Qua những câu chuyện riêng, các chuyên gia khẳng định sự tầm quan trọng của phụ huynh trong việc định hướng con em chọn nghề nghiệp phù hợp nhất với bản thân.Phân tích câu chuyện thực tế tại tọa đàm - cháu Anh Thơ muốn thi vào ngành Thiết kế thời trang nhưng mẹ muốn cháu lại muốn con thi vào ngành Sư phạm, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, đó là câu chuyện thú vị, không phân biệt được ai đúng ai sai.

“Tôi cho rằng, đó phải là cuộc đối thoại cởi mở và có thời gian khá lâu để dần dần các cháu tự tìm ra và lựa chọn đúng con đường của mình. Và cuộc đối thoại đó nên thực hiện từ rất sớm”, GS Ngô Bảo Châu nói.

"Vườn ươm tài năng" (Talinpa) của Giáo sư Ngô Bảo Châu là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Nơi đây hỗ trợ tổ chức các khóa bồi dưỡng học sinh năng khiếu, khám phá khoa học và nghệ thuật, trau dồi kỹ năng học tập và nghiên cứu khoa học.

Trong tháng 5 này, "Vườn ươm tài năng" sẽ tổ chức các khóa trải nghiệm nghề nghiệp ngắn hạn cho các em học sinh nhằm giúp các em có cái nhìn gần, thực tế hơn về nghề nghiệp ước mơ từ đó đưa ra lựa chọn đúng cho con đường tương lai.

Lệ Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm