Góp ý: Hai thay đổi cho kỳ thi THPT quốc gia 2020

(Dân trí) - “Với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, theo tôi kỳ thi THPT quốc gia nên có hai thay đổi: Giới hạn “khoanh vùng” phạm vi kiến thức và thời gian tổ chức kỳ thi phù hợp”.

Trên đây là ý kiến góp ý của ông Đào Tuấn Đạt, giảng viên ĐH Bách Khoa, Trưởng Ban điều hành Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội về phương án thi THPT quốc gia 2020.

"Khoanh vùng" kiến thức chưa học

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ GD&ĐT xây dựng phương án thi THPT quốc gia phù hợp. Dưới góc độ cá nhân, ông có đề xuất phương án thi như thế nào?

Với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, để chủ động, theo tôi kỳ thi THPT quốc gia chỉ cần có hai thay đổi: Một là giới hạn lại phạm vi kiến thức; Hai là thời gian tổ chức kỳ thi.

Giới hạn ở đây là sẽ thi phần kiến thức đã học trước khi nghỉ do dịch bệnh và “khoanh” phần kiến thức chưa học đến hết năm học. Tất nhiên, sẽ không tổ chức thi vào phần kiến thức đã “khoanh vùng”.

Nếu thực hiện việc “khoanh” phần kiến thức chưa học, có thể chủ động được thời gian tổ chức kỳ thi.

Nếu dịch kết thúc vào tháng 6, vẫn có thể tổ chức thi THPT như mọi năm. Trong thời gian này, ngoài việc học qua internet và truyền hình, học sinh chỉ cần ôn thi theo phần kiến thức đã học từ trước đến nay.

Góp ý: Hai thay đổi cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 - 1

Ông Đào Tuấn Đạt, giảng viên ĐH Bách Khoa, Trưởng Ban điều hành Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội.

Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ công nhận kết quả học tập online của học sinh. Vì sao ông vẫn giữ quan điểm “khoanh vùng” kiến thức cho kỳ thi THPT quốc gia 2020?

Tôi cho rằng, chỉ thi phần kiến thức đã học trên lớp sẽ dảm bảo công bằng với mọi học sinh.

Nếu thi vào phần học online hay qua truyền hình, kể cả chương trình đã được giảm tải, vẫn không công bằng, bởi điều kiện trang thiết bị, đường truyền của mỗi học sinh khác nhau, đặc biệt là vùng khó khăn.

Ngoài ra, dạy online cần phương pháp và cách tổ chức lớp học khác với offline. Giáo viên cũng chỉ đang loay hoay thử nghiệm chứ không ai dám nói mình đã tự tin để đảm bảo chất lượng, dù chỉ bằng một phần mười so với khi học trên lớp.

Việc “khoanh vùng” kiến thức, còn tạo tâm lý yên tâm cho học sinh và phụ huynh. Học sinh dành thời gian nghỉ dịch cho việc ôn tập và không phải lo lắng phần kiến thức chưa được học. Các trường đại học vẫn chủ động được công tác tuyển sinh nếu may mắn, vẫn kịp tổ chức kỳ thi như thông lệ.

Vừa điều hành trường THPT và là giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội, phải tham gia các khoá dạy học online cho sinh viên. Ông nhận thấy hình thức giảng dạy này có hiệu quả?

Tôi rất trân trọng nỗ lực của đội ngũ nhà giáo khi chuyển đổi từ phương thức dạy offline sang online.

Về tính hiệu quả, tôi nghĩ sau một thời gian nữa mới có thể đánh giá được. Tất nhiên, dạy online chắc chắn sẽ không bằng dạy trực tiếp trên lớp.

Góp ý: Hai thay đổi cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 - 2

"Chỉ thi phần kiến thức đã học trên lớp sẽ dảm bảo công bằng với mọi học sinh".

Bỏ thi không công bằng, dễ “tháo khoán”

Bộ GD&ĐT đã công bố chương trình tinh giản, giảm từ 5-7 tuần so với chương trình cũ. Theo ông, tại sao không thi THPT quốc gia theo chương trình đã tinh giản mà phải “khoanh vùng” kiến thức?

Chúng tôi rất hoan nghênh Bộ đã tinh giản chương trình, giảm bớt được phần nào tâm lý lo lắng cho học sinh và phụ huynh.

Tuy nhiên, để giải tỏa hoàn toàn lo lắng này thì chưa vì phía trước kỳ thi sẽ diễn ra như thế nào, vào lúc nào, diễn biến dịch bệnh phức tạp ra sao…, vẫn chưa hình dung được.

Nếu thi vào phần học online, hoặc học nhanh khi hết dịch, không thể đảm bảo tính công bằng của kỳ thi và tính chủ động sẽ kém.

Trước diễn biến dịch bệnh rất phức tạp, một số ý kiến cho rằng nên bỏ kì thi THPT quốc gia hoặc giảm bớt môn thi cho phù hợp. Quan điểm của ông như thế nào?

Bỏ kỳ thi THPT quốc gia sẽ dẫn tới tâm lý “tháo khoán” trong giảng dạy và học tập và phải đi tìm phương án tuyển sinh mới. Sẽ rất khó tìm được phương án đồng thuận và công bằng.

Việc bỏ bớt môn thi càng không nên vì sẽ thay đổi cấu trúc của kỳ thi. Đặc biệt, sẽ không công bằng với những học sinh đã học hành nghiêm túc ngay từ đầu.

Ngoài ra, việc bỏ kỳ thi hoặc bỏ môn thi còn không công bằng ở chỗ, môn bỏ đi đúng là môn sở trường của học sinh này, sẽ gây khó khăn cho các em. Môn giữ lại là môn sở trường của những học sinh khác, các em đó có lợi thế bất ngờ.

Dưới góc độ cá nhân, ông có đề xuất “kịch bản” thi các lớp đầu cấp trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang căng thẳng và khó lường như hiện nay?

Để đảm bảo tính công bằng của kỳ thi, chủ động trong việc tổ chức kỳ thi và tạo tâm lý yên tâm cho học sinh và phụ huynh, kỳ thi tuyển sinh đầu cấp cũng chỉ nên thi vào phần kiến thức học sinh đã được học trên lớp cho tới khi nghỉ học vì dịch.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mỹ Hà (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm