Gợi ý giải môn Địa lý, khối C kỳ thi ĐH 2010
(Dân trí) - Thí sinh thừa nhận đề Đia lý dễ thở nhất. Để xem trước kết quả của mình, các em có thể tham khảo bài gợi ý dưới đây của GV Lê Văn Thông - Trung tâm BDVH và LTĐH Vĩnh Viễn.
ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2010
Môn: ĐỊA LÍ; Khối: C
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
I.PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (7,0 điểm)
Câu I (2,0 điểm)
- Trình bày những biểu hiện suy giảm và các biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học ở nước ta.
- Chứng minh rằng dân số nước ta còn tăng nhanh. Điều đó gây ra khó khăn như thế nào cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?
Câu II (3,0 điểm)
- Trình bày cơ cấu công nghiệp theo ngành ở nước ta. Tại sao cần phải phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm?
- Phân tích những thế mạnh về tự nhiên để phát triển kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long. Để sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở đồng bằng này, vấn đề quan trọng hàng đầu cần phải quan tâm là gì? Tại sao?
Câu III (3,0 điểm)
Cho bảng số liệu:
KHỐI LƯỢNG HÀNG HÓA ĐƯỢC VẬN CHUYỂN THÔNG QUA
CÁC CẢNG BIỂN CỦA NƯỚC TA DO TRUNG ƯƠNG QUẢN LÍ
Đơn vị: nghìn tấn
Năm Loại hàng | 2000 | 2003 | 2005 | 2007 |
Tổng số | 21 903 | 34 019 | 38 328 | 46 247 |
- Hàng xuất khẩu | 5 461 | 7 118 | 9 916 | 11 661 |
- Hàng nhập khẩu | 9 293 | 13 575 | 14 859 | 17 856 |
- Hàng nội địa | 7 149 | 13 326 | 13 553 | 16 730 |
Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam 2008, NXB Thống kê, 2009, trang 516
Anh (chị) hãy:
- Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện sự thay đổi cơ cấu khối lượng vận chuyển phân loại theo hàng hóa thông qua các cảng biển trong giai đoạn 2000 – 2007.
- Nhận xét sự thay đổi đó từ biểu đồ đã vẽ và giải thích.
II. PHẦN RIÊNG (2,0 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu IV.a hoặc IV.b)
Câu IV.a. Theo Chương trình Chuẩn (2,0 điểm)
Trình bày những thay đổi trong việc tổ chức lãnh thổ nông ngiệp ở nước ta. Tại sao Đông Nam Bộ trở thành vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất trong cả nước?
Câu IV.b. Theo Chương trình Nâng cao (2,0 điểm)
So sánh chuyên môn hóa sản xuất nông nghiệp giữa Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Tại sao giữa hai vùng này lại có sự khác nhau về chuyên môn hóa?
BÀI GIẢI GỢI Ý
Câu I:
1. Trình bày những biểu hiện suy giảm và các biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học ở nước ta
* Sự suy giảm đa dạng sinh học:
- Sinh vật tự nhiên ở nước ta có tính đa dạng cao, thể hiện ở số lượng thành phần loài, các kiểu hệ sinh thái và nguồn gen quý hiếm.
- Tuy nhiên, tác động của con người đã làm thu hẹp diện tích rừng tự nhiên, đồng thời cũng làm nghèo tính đa dạng của sinh vật
- Cụ thể:
+ Thực vật: số lượng loài đã biết là 14 500 lòai, số lượng loài bị mất dần là 500 loài (trong đó số lượng loài có nguy cơ tuyệt chủng là 100 loài).
+Thú: số lượng loài đã biết là 300 lòai, số lượng loài bị mất dần là 96 loài (trong đó số lượng loài có nguy cơ tiệt chủng là 62loài).
+Chim: số lượng loài đã biết là 830 lòai, số lượng loài bị mất dần là 57 loài (trong đó số lượng loài có nguy cơ tiệt chủng là 29 loài).
+Cá: số lượng loài đã biết là 2 550 lòai, số lượng loài bị mất dần là 90 loài.
- Nguồn tài nguyên sinh vật dưới nước, đặc biệt là nguồn hải sản của nước ta cũng bị giảm sút rõ rệt. Ngay ở vùng biển Tây Nam, nơi giàu có về nguồn hải sản thì sản lượng đánh bắt cá, tôm cũng giảm sút đáng kể. Nhiều loài có nguy cơ tiệt chủng như cá mòi, cá cháy, … nhiều loài đang giảm mức độ tập trung như cá chim, cá gúng, cá hồng, … Đó là hậu quả của sự khai thác quá mức và tình trạng ô nhiễm môi trường nước, nhất là vùng cửa sông, ven biển.
* Biện pháp:
- Xây dựng hệ thống vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Năm 1986, cả nước mới có 87 khu với 7 vườn quốc gia. Đến năm 2007, đã có 30 vườn quốc gia, 65 khu dự trữ thiên nhiên và bảo tồn loài – sinh cảnh, 6 khu được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
- Ban hành “Sách đỏ Việt Nam “, để bảo vệ nguồn gen động, thực vật quý hiếm khỏi nguy cơ tuyệt chủng, đã có 360 loài thực vật và 350 lòai động vật thuộc loại quý hiếm được đưa vào “Sách đỏ Việt Nam”. Trong “Sách đỏ Việt Nam” cũng đã quy định danh sách 38 loài cá nước ngọt và 37 loài cá biển, 59 loài động vật không xương sống cần được bảo vệ.
- Quy định khai thác: Để đảm bảo sử dụng lâu dài các nguồn lợi sinh vật của đất nước, Nhà nước đã ban hành các qui định trong khai thác như cấm khai thác gỗ quý, khai thác gỗ trong rừng cấm, rừng non, gây cháy rừng; cấm săn bắn động vật trái phép; cấm dùng chất nổ đánh bắt cá và các dụng cụ đánh bắt cá non, cá bột; cấm gây độc hại cho môi trường nứơc.
2. Chứng minh rằng dân số nước ta còn tăng nhanh. Điều đó gây ra khó khăn như thế nào cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?
* Dân số nước ta còn tăng nhanh:
- Dân số nước ta là 84 156 nghìn người (2006).
- Vào nửa cuối thế kỉ XX có hiện tượng bùng nổ dân số, do thực hiện chính sách dân số và kế hoạch gia đình nên mức gia tăng dân số có giảm nhưng vẫn còn chậm.
- Thời kì 2002 – 2005, tỉ lệ gia tăng dân số là 1,32%, với tỉ lệ này mỗi năm dân số nước ta tăng thêm trung bình hơn 1triệu người.
* Gia tăng dân số nhanh đã gây nên khó khăn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
- Gia tăng dân số nhanh đã tạo nên sức ép lớn đối với việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước, với việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và việc nâng cao chất lượng cuộc sống của từng thành viên trong xã hội.
+ Đối với kinh tế: dân số tăng nhanh làm cho nhu cầu tiêu dùng lớn nên hạn chế đến sự tích lũy, ảnh hưởng đến việc đầu tư, phát triển kinh tế. Dân số tăng nhanh cũng có thể làm cho người không có việc làm tăng nhanh, việc khai thác và sử dụng nguồn lao động có nhiều khó khăn.
+ Đối với giáo dục, y tế , văn hóa… dân số hằng năm tăng nhanh làm cho tỉ lệ trẻ em cao, gây sức ép đến giáo dục, văn hóa, y tế. Tình trạng trẻ em bỏ học, thất học, suy dinh dưỡng… chiếm tỉ lệ lớn ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi và vùng dân tộc ít người.
+ Đối với xã hội: các vấn đề giải phóng phụ nữ, việc làm, nhà ở, tệ nạn xã hội… cũng có liên quan đến vấn đề dân số.
+ Đối với môi trường: dân số tăng nhanh là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều tài nguyên bị suy giảm, có nguy cơ cạn kiệt (khóang sản, đất, sinhvật quý hiếm và nhất là rừng bị tàn phá nghiêm trọng), môi trường bị ô nhiễm, mất cân bằng sinh thái, thiên tai ngày càng tăng.
* Biện pháp: Cần đẩy mạnh chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, giảm tỉ lệ sinh
Câu II:
1. Trình bày cơ cấu công nghiệp theo ngành ở nước ta. Tại sao cần phải phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm?
* Cơ cấu công nghiệp theo ngành ở nước ta:
- Cơ cấu công nghiệp theo ngành được thể hiện ở tỉ trọng giá trị sản xuất của từng ngành (nhóm ngành) trong tòan bộ hệ thống các ngành công nghiệp. Nó được hình thành phù hợp với các điều kiện cụ thể ở trong và ngoài nước trong mỗi giai đoạn nhất định.
- Cơ cấu ngành công nghiệp nước ta tương đối đa dạng với khá đầy đủ các ngành quan trọng thuộc 3 nhóm chính với 29 ngành công nghiệp:
+ Công nghiệp khai thác: 4 ngành
+ Công nghiệp chế biến: 23 ngành
+ Công nghiệp sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước: 2 ngành
* Cần phải phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm vì:
- Các ngành công nghiệp trọng điểm là các ngành
+ Có thế mạnh lâu dài
+ Mang lại hiệu quả cao về kinh tế xã hội.
+ Có tác động mạnh mẽ đến việc phát triển các ngành kinh tế khác.
- Các ngành công nghiệp trọng điểm: công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến lương thực – thực phẩm, công nghiệp dệt – may, công nghiệp hóa chất – phân bón – cao su, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp cơ khí – điện tử…
- Trong công nghiệp trọng điểm cần đẩy mạnh các ngành công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng; tập trung phát triển công nghiệp khai thác và chế biến dầu khí, đưa công nghiệp điện lực đi trước một bước. Các ngành khác có thể điều chỉnh theo nhu cầu của thị trường trong nước và ngoài nước.
2. Phân tích những thế mạnh về tự nhiên để phát triển kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long. Để sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở đồng bằng này, vấn đề quan trọng hàng đầu cần phải quan tâm là gì? Tại sao?
- Đồng bằng sông Cửu Long gồm các tỉnh: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ. Diện tích hơn 40 nghìn km2, số dân (năm 2006) hơn 17,4 triệu người (chiếm 12% diện tích toàn quốc và gần 20,7% dân số cả nứơc).
* Thế mạnh: là đồng bằng châu thổ lớn nhất nước ta với diện tích gần 4 triệu ha, chiếm 12% diện tích cả nước.
- Đất là tài nguyên quan trọng hàng đầu ở Đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu đất phù sa, gồm 3 nhóm đất chính:
+Đất phù sa ngọt ven sông Tiền, sông Hậu, có diện tích 1,2 triệu ha (30% diện tích vùng) là đất tốt nhất thích hợp trồng lúa.
+Đất phèn có diện tích lớn hơn, 1,6 triệu ha (41% diện tích vùng), phân bố ở Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, vùng trũng trung tâm bán đảo Cà Mau.
+Đất mặn có diện tích 750.000 ha (19% diện tích vùng), phân bố thành vành đai ven biển Đông và vịnh Thái Lan.
-Khí hậu: có tính chất cận xích đạo, chế độ nhiệt cao ổn định, lượng mưa hàng năm lớn. Ngoài ra vùng ít chịu tai biến do khí hậu gây ra, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp quanh năm.
- Tài nguyên nước: Đồng bằng sông Cửu Long là phần hạ lưu của sông Mê Công, khi vào nước ta được chia hai nhánh sông Tiền, sông Hậu, để từ đó đổ ra biển bằng 9 cửa sông. Sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, cung cấp nước để thau chua, rửa mặn, phát triển giao thông đường thủy, nuôi trồng thuỷ sản và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.
-Sinh vật: chủ yếu là rừng ngập mặn (Cà Mau, Bạc Liêu), có diện tích lớn nhất nước ta & rừng tràm (Kiên Giang, Đồng Tháp). Về động vật có giá trị hơn cả là cá và chim.
- Tài nguyên biển: hết sức phong phú, có hàng trăm bãi cá, bãi tôm với nhiều hải sản quý, chiếm 54% trữ lượng cá biển cả nước.
- Khoáng sản: không nhiều chủ yếu là than bùn ở Cà Mau, vật liệu xây dựng ở Kiên Giang, An Giang. Ngoài ra còn có dầu, khí bước đầu đã được khai thác.
* Để sử dụng hợp lý và cải tạo tự nhiên ở đồng bằng này, vấn đề quan trọng hàng đầu cần phải quan tâm:
- Đối với việc cải tạo tự nhiên: Biện pháp quan trọng hàng đầu là phát triển thủy lợi nhằm bảo đảm nước ngọt trong mùa khô để cải tạo đất. Cần chia ruộng thành những ô nhỏ, dẫn nước ngọt vào để thau chua, rửa mặn; Đồng thời kết hợp với việc tạo ra các giống lúa chịu phèn, chịu mặn trong điều kiện tưới nước bình thường
- Đối với việc sử dụng hợp lí tự nhiên:
+ Cần phải duy trì và bảo vệ nguồn tài nguyên rừng ngập mặn. Việc sử dụng và cải tạo tự nhiên không tách khỏi hoạt động kinh tế của con người.
+ Mở rộng diện tích đất nông nghiệp và tăng hệ số sử dụng đất
+ Xây dựng cơ cấu mùa vụ hợp lí, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh trồng cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị cao, kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản và phát triển công nghiệp chế biến.
+ Kết hợp mặt biển với đảo, quần đảo và đất liền để tạo nên một thể kinh tế liên hoàn.
+ Trong đời sống nhân dân, cần chủ động sống chung với lũ bằng các biện pháp khác nhau với sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời khai thác các nguồn lợi về kinh tế do lũ hàng năm đem lại.
* Chúng ta cần phải đặt vấn đề sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long vì những lí do sau đây:
- Đồng bằng có vị trí chiến lược trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (trọng điểm số 1 của cả nước về sản xuất lương thực, thực phẩm). Cung cấp lương thực, thực phẩm cho vùng, cho cả nước và cho xuất khẩu.
- Lịch sử phát triển trên 300 năm, chưa bị con người can thiệp sớm như ở đồng bằng sông Hồng. Việc sử dụng, cải tạo tự nhiên ở đây là một vấn đề hết sức cấp bách, nhằm biến đống bằng thành một khu vực kinh tế quan trọng của đất nước.
Câu III:
Cho bảng số liệu:
KHỐI LƯỢNG HÀNG HÓA ĐƯỢC VẬN CHUYỂN THÔNG QUA CÁC CẢNG BIỂN CỦA NƯỚC TA DO TRUNG ƯƠNG QUẢN LÍ
Đơn vị: nghìn tấn
Năm Loại hàng | 2000 | 2003 | 2005 | 2007 |
Tổng số | 21 903 | 34 019 | 38 328 | 46 247 |
- Hàng xuất khẩu | 5 461 | 7 118 | 9 916 | 11 661 |
- Hàng nhập khẩu | 9 293 | 13 575 | 14 859 | 17 856 |
- Hàng nội địa | 7 149 | 13 326 | 13 553 | 16 730 |
Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam 2008, NXB Thống kê, 2009, trang 516
Anh (chị) hãy:
- Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện sự thay đổi cơ cấu khối lượng vận chuyển phân loại theo hàng hóa thông qua các cảng biển trong giai đoạn 2000 – 2007.
- Nhận xét sự thay đổi đó từ biểu đồ đã vẽ và giải thích.
Xử lý số liệu:
BẢNG SỐ LIỆU THỂ HIỆN SỰ THAY ĐỔI CƠ CẤU KHỐI LƯỢNG HÀNG HÓA ĐƯỢC VẬN CHUYỂN THÔNG QUA CÁC CẢNG BIỂN CỦA NƯỚC TA DO TRUNG ƯƠNG QUẢN LÍ (TỪ NĂM 2000 - 2007)
(Đơn vị %)
Năm Loại hàng | 2000 | 2003 | 2005 | 2007 |
Tổng số | 100 | 100 | 100 | 100 |
- Hàng xuất khẩu | 24,9 | 20,9 | 25,9 | 25,2 |
- Hàng nhập khẩu | 42,4 | 39,9 | 38,8 | 38,6 |
- Hàng nội địa | 32,7 | 39,2 | 35,3 | 36,2 |
* Vẽ biểu đồ miền.
* Nhận xét:
- Khối lượng hàng hóa được vận chuyển thông qua các cảng biển của nước ta do Trung ương quản lý tăng liên tục thời kỳ 2000 – 2007 và cơ cấu 3 loại hàng vận chuyển không cân đối.
- Từ năm 2000 – 2007:
+ Tổng số tăng 24 344 nghìn tấn, tăng 2,1 lần (tăng 110%)
+ Hàng xuất khẩu tăng 6 200 nghìn tấn, tăng 2,1 lần (tăng 110%)
+ Hàng nhập khẩu tăng 8 564 nghìn tấn, tăng 1,9 lần (tăng 90%)
+ Hàng nội địa tăng 9 581 nghìn tấn, tăng 2,3 lần (tăng 130%)
Tốc độ tăng trưởng nhanh nhất là vận chuyển hàng nội địa, kế đó là hàng xuất khẩu và tăng trưởng thấp nhất là hàng nhập khẩu.
- Về sự thay đổi cơ cấu khối lượng hàng hóa vận chuyển thông qua các cáng biển của nước ta do Trung ương quản lí:
+ Cơ cấu khối lượng vận chuyển phân theo loại hàng hóa thông qua các cảng biển trong giai đoạn 2000 – 2007 tăng giảm không ổn định.
+ Chiếm tỉ trọng cao nhất qua các năm là hàng nhập khẩu (số liệu)
+ Chiếm tỉ trọng đứng thứ nhì là hàng nội địa (số liệu)
+ Chiếm tỉ trọng đứng thứ ba là hàng xuất khẩu (số liệu)
- Giải thích:
+ Vận chuyển hàng nhập khẩu chiếm tỉ trọng cao nhất vì nước ta vẫn là nước nhập siêu. Mức tăng nhập khẩu phản ảnh sự phục hồi và phát triển của sản xuất và tiêu dùng cũng như phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu.
+ Vận chuyển hàng nội địa chiếm tỉ trọng cao thứ hai do kinh tế phát triển, sức mua trong nước tăng, thị trường trong nước ngày càng mở rộng với dân số đông và tăng nhanh.
+ Vận chuyển hàng xuất khẩu chiếm tỉ trọng cao thứ ba so với hai nhóm hàng trên vì khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu nước ta còn hạn chế.
Câu IV.a. Theo Chương trình Chuẩn (2,0 điểm)
Trình bày những thay đổi trong việc tổ chức lãnh thổ nông ngiệp ở nước ta. Tại sao Đông Nam Bộ trở thành vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất trong cả nước?
* Những thay đổi trong việc tổ chức lãnh thổ nông nghiệp ở nước ta:
- Thay đổi theo 2 hướng chính:
+ Tăng cường chuyên môn hoá sản xuất, phát triển các vùng chuyên canh với quy mô lớn (chuyên canh cây công nghiệp, chuyên canh cây lương thực). Điều này xảy ra đặc biệt mạnh ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long là những vùng có nhiều tiềm năng để sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Như vậy là các điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi đang cho phép khai thác có hiệu quả hơn các điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của các vùng.
+ Đẩy mạnh đa dạng hoá nông nghiệp, đa dạng hoá kinh tế ở nông thôn để giải quyết và sử dụng hợp lý nguồn lao động, công ăn việc làm, đa dạng hoá sản phẩm. Mặc khác cũng giảm thiểu rủi ro nếu thị trường nông sản có biến động bất lợi. Cũng chính quá trình này đã tăng cường thêm sự phân hóa lãnh thổ nông nghiệp.
- Kinh tế trang trại có hướng phát triển mới, sản xuất nông - lâm thuỷ sản theo hướng hàng hoá.
+ Kinh tế trang trại ở nước ta phát triển từ kinh tế hộ gia đình nhưng từng bước đã đưa nông nghiệp thoát khỏi tình trạng tự cấp, tự túc lên sản xuất hàng hóa. Số lượng trang trại năm 2001 là 61 017, năm 2006 là 113 730.
+ Trang trại phát triển sớm và tập trung nhiều nhất là ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long
· Thời kì đầu tập trung phát triển các trang trại trồng cây lâu năm ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.
· Trong những năm gần đây, trang trại nuôi trồng thủy sản có vận tốc phát triển nhanh chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long.
· Hiện nay, phát triển các trang trại chăn nuôi, trồng cây lâu năm và kinh doanh tổng hợp.
* Đông Nam Bộ trở thành vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất trong cả nước vì:
- Về tự nhiên:
+ Địa hình: bán bình nguyên, gợn sóng với những mặt bằng tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho việc canh tác theo lối cơ giới hóa.
+ Đất trồng:
· Các vùng đất badan phù sa, màu mỡ chiếm 40% diện tích đất của vùng, nối tiếp với vùng đất badan của Nam Tây Nguyên.
· Đất xám bạc màu trên đất phù sa cổ chiếm tỉ lệ nhỏ hơn chút ít, phân bố thành những vùng lớn ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương . Đất phù sa cổ tuy nghèo dinh dưỡng hơn đất badan nhưng thoát nước tốt.
+ Khí hậu: nhiệt đới ẩm gió mùa cận xích đạo, nhiệt độ cao quanh năm, tương phản rõ rệt giữa mùa mưa và mùa khô, thời tiết khí hậu tương đối ổn định, ít thiên tai.
+ Nguồn nước: phong phú do hệ thống sông Đồng Nai cung cấp, có công trình thủy lợi Dầu Tiếng trên thượng lưu sông Sài Gòn, rộng 270 km2, chứa 1,5 tỉ m3, bảo đảm tưới tiêu cho 170 nghìn ha đất thường xuyên bị thiếu nước về mùa khô của tỉnh Tây Ninh và huyện Củ Chi (TP.HCM). Dự án thủy lợi Phước Hòa (Bình Dương – Bình Phước) được thực hiện sẽ giúp chia một phần nước của sông Bé cho sông Sài Gòn.
- Về kinh tế xã hội:
+ Lao động đông có kinh nghiệm trồng và chế biến sản phẩm cây công nghiệp.
+ Chủ trương của nhà nước, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp trong đó có phát triển cây công nghiệp phục vụ việc xuất khẩu.
+Thị trường tiêu thụ sản phẩm cây công nghiệp ngày càng mở rộng trong nước, nhất là thị trường xuất khẩu.
+ Có thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm về kinh tế, văn hóa, khoa học, kĩ thuật lớn có điều kiện thuận lợi để áp dụng những tiến bộ của khoa học kĩ thuật trong việc thay đổi cơ cấu cây trồng, phát triển công nghiệp chế biến.
+ Có nhiều cảng thuận lợi cho việc xuất khẩu sản phẩm cây công nghiệp.
Với những điều kiện thuận lợi Đông Nam Bộ đang trở thành vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất nước ta với cây trồng chủ lực là cao su, ngòai ra Đông Nam Bộ đang trở thành vùng sản xuất chủ yếu cây cà phê, hồ tiêu, điều. Cây mía và cây đậu tương vẫn chiếm vị trí hàng đầu trong các cây công ngiệp ngắn ngày.
Câu IV.b. Theo Chương trình Nâng cao (2,0 điểm)
So sánh chuyên môn hóa sản xuất nông nghiệp giữa Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Tại sao giữa hai vùng này lại có sự khác nhau về chuyên môn hóa?
* Chuyên môn hóa sản xuất nông nghiệp giữa Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long
- Đồng bằng sông Hồng:
+ Lúa cao sản, lúa có chất lượng cao.
+ Cây lương thực, đặc biệt là các loại rau quả cao cấp, cây công nghiệp ngắn ngày (đay, cối).
+ Lợn, bò sữa (ven thành phố lớn), gia súc, nuôi thủy sản nước ngọt (ở các ô trũng), thủy sản nước mặn, nước lợ.
- Đồng bằng sông Cửu Long:
+ Lúa, lúa có chất lượng cao.
+ Cây ăn quả nhiệt đới, cây công nghiệp ngắn ngày (mía, đay, cối).
+ Thủy sản (đặc biệt là tôm). Gia cầm (đặc biệt là vịt đàn)
* Giống nhau:
- Là hai vùng trọng điểm lương thực, thực phẩm của cả nước, lúa là cây trồng chủ đạo.
- Cả hai vùng đều có thế mạnh để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.
* Sự khác nhau trong chuyên môn hoá nông nghiệp giữa Đồng Bằng Sông Hồng và Đồng Bằng Sông Cửu Long là:
- Đồng Bằng Sông Hồng: Có ưu thế về tập đoàn cây trồng, đặc biệt là rau, cây thực phẩm có nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới (khoai tây, cà rốt, bắp cải…).Chăn nuôi lợn, gia cầm.
- Đồng Bằng Sông Cửu Long:Cây trồng chủ yếu có nguồn gốc nhiệt đới.Chăn nuôi thuỷ sản nước ngọt, lợ, mặn. Vịt đứng đầu cả nước.
- Cùng là trồng lúa và nuôi trồng thủy sản nhưng quy mô sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long lớn hơn nhiều so với đồng bằng sông Hồng.
* Nguyên nhân: là do sự khác biệt về điều kiện sinh thái nông nghiệp: địa hình, đất trồng, nguồn nước và đặc biệt là sự phân hóa của yếu tố khí hậu.
- Đồng bằng sông Hồng:
+ Đồng bằng châu thổ có nhiều ô trũng.
+ Đất phù sa sông Hồng và sông Thái Bình.
+ Có mùa đông lạnh.
- Đồng bằng sông Cửu Long:
+ Các dải phù sa ngọt, các vùng đất phèn, đất mặn.
+ Vịnh biển nông, ngư trường rộng.
+ Các vùng rừng ngập mặn có tiềm năng để nuôi trồng thủy sản.
+ Khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo nóng quanh năm.
Lê Văn Thông
(Trung tâm BDVH và LTĐH Vĩnh Viễn)