Gỡ khó cho trường nghề

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Chỉ trong 1 buổi làm việc, Sở LĐ-TB&XH TPHCM nhận hàng chục phản ánh khó khăn từ các trường nghề. Giám đốc Sở khẳng định sẽ đồng hành cùng các trường để giải quyết từng vướng mắc.

Đầu tư cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất khó khăn

Ngày 19/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Sở với tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và công tác đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 376 cơ sở GDNN. So với cả nước, tổng số trường cao đẳng, trung cấp chiếm 12,51%.

Gỡ khó cho trường nghề - 1

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Tùng Nguyên).

Ông Lê Văn Thinh nhấn mạnh: "Bình quân hàng năm có hơn 195.000 người học tốt nghiệp các trình độ GDNN và tham gia thị trường lao động. Chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động của thành phố và các tỉnh xung quanh".

Tuy nhiên, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM thừa nhận quá trình hoạt động vẫn còn nhiều vướng mắc phát sinh, các cơ sở GDNN và cơ quan quản lý lúng túng, trở ngại khi triển khai các chủ trương, chính sách.

Ông Thinh điểm 8 vướng mắc lớn của lĩnh vực GDNN trên địa bàn thành phố. Trong đó, nổi cộm lên là vấn đề thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho người học nghề. Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, chính sách này có nhiều thay đổi về mức chi, cách thức thực hiện khiến các trường và địa phương lúng túng, chưa triển khai hiệu quả.

Ngoài ra, công tác liên kết đào tạo giữa các cơ sở GDNN, công tác phối hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp vẫn còn nhiều trở ngại. Chế độ chính sách dành cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động GDNN chưa đủ hấp dẫn. Công tác giao đất, cho thuê đất cho các cơ sở GDNN chưa được thực hiện hiệu quả…

Ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM, phản ánh việc xây dựng cơ sở vật chất của trường ông rất khó khăn, thủ tục phức tạp. Khi xảy ra vướng mắc, ông đi gõ cửa khắp nơi nhưng các sở, ban ngành và địa phương đẩy qua, đẩy lại mà không giải quyết được. Hơn 10 năm rồi mà cơ sở mới của trường chưa xây xong.

Ông Tống Văn Danh, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cao Thắng, cũng phản ánh khó khăn của nhà trường khi xây dựng cơ sở mới rộng 10ha tại huyện Nhà Bè. Dự án này đã thực hiện từ năm 2014 đến nay chưa xong.

Ông Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ 2, cho biết việc triển khai công tác dạy văn hóa cấp 3 trong trường nghề vẫn còn khó khăn. Đồng thời, ông thắc mắc là các chính sách hỗ trợ phát triển, đặt hàng đào tạo của thành phố không được bố trí công bằng cho các trường trực thuộc cơ quan trung ương như trường ông.

Gỡ khó cho trường nghề - 2

Các trường than gặp nhiều vướng mắc (Ảnh: Tùng Nguyên).

Bà Võ Thị Mỹ Vân, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Saigontourist, băn khoăn về thủ tục để trường liên kết với các trường quốc tế mở chương trình đào tạo chất lượng cao như thế nào cho phù hợp, văn bằng được công nhận...

Trực tiếp nghe trường kể khó

Kết thúc buổi làm việc, hội nghị ghi nhận 52 câu hỏi, ý kiến đóng góp bằng văn bản của 24 đơn vị (trường, công ty và các phòng LĐ-TB&XH); 9 ý kiến phát biểu tại hội trường với 18 nội dung.

Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại TPHCM, khẳng định sẽ ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, tổng hợp để trình lãnh đạo bộ xem xét, có văn bản hướng dẫn các cơ sở GDNN giải quyết những vướng mắc đang gặp phải.

Ông đánh giá, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại TPHCM vô cùng quan trọng vì thành phố là địa phương có số trường, số cơ sở GDNN và học viên lớn bậc nhất cả nước.

Gỡ khó cho trường nghề - 3

Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Tùng Nguyên).

Theo ông Phạm Anh Thắng, TPHCM nói riêng và cả vùng Đông Nam bộ nói chung có đủ lực lượng lao động chất lượng cao để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế trong thời gian tới hay không phụ thuộc rất lớn vào công tác đào tạo của lĩnh vực GDNN thành phố.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, đồng tình với các trường là việc đầu tư 1 cơ sở GDNN từ xin dự án, xây dựng, đầu tư, giấy phép hoạt động… phải trải qua rất nhiều thủ tục nhiêu khê, gây phiền toái cho nhà đầu tư.

Ông Lê Văn Thinh khẳng định, Sở LĐ-TB&XH TPHCM sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, rút ngắn các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý của Sở. Đối với các thủ tục do những đơn vị khác phụ trách, Sở LĐ-TB&XH TPHCM sẽ làm văn bản đề nghị các đơn vị trên hướng dẫn, hỗ trợ cho các trường.

"Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH TPHCM sẽ tổ chức hội nghị có các sở, ngành liên quan đến việc đầu tư xây dựng cơ sở GDNN để họ hướng dẫn các đơn vị làm. Hội nghị có thể tổ chức hàng tháng hay hàng quý để giải quyết vướng mắc của các trường, các nhà đầu tư. Như vậy mới có thể đồng hành cùng các trường giải quyết những vướng mắc còn tồn tại", ông Thinh cho hay.

Ngoài ra, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cũng đề nghị các trường chú trọng đến công tác kết nối thông tin với Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố nhằm điều phối nhịp nhàng cung cầu lao động. Từ đó, tiến tới các cơ sở GDNN và doanh nghiệp trực tiếp ký kết hợp đồng đào tạo, tuyển dụng với nhau.

Gỡ khó cho trường nghề - 4

Ý kiến của các trường được ghi nhận, trả lời tại hội nghị (Ảnh: Tùng Nguyên).

Cuối cùng, ông Lê Văn Thinh nhắc nhở các đơn vị về nhiệm vụ nâng cao chất lượng quản lý, giảng dạy. Bởi TPHCM dự kiến hoàn thành quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN trong năm 2024. Tiêu chuẩn đánh giá các trường chủ yếu dựa vào chất lượng quản lý, đào tạo…

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM nhắc lại vụ việc ông N.T.H. sử dụng bằng tiến sĩ giả để giảng dạy tại nhiều trường đại học gây xôn xao dư luận thời gian qua. Theo ông, việc này không thể xảy ra nếu công tác tuyển dụng, quản lý giáo viên của trường chặt chẽ, đúng quy định.