Giữa "cơn cuồng" IELTS, tiến sĩ ngoại khuyên cha mẹ Việt... thực dụng
(Dân trí) - "Không ít cha mẹ cho con học IELTS và TOEFL từ tiểu học mà không hiểu bản chất của các kỳ thi này", Tiến sĩ Nguyễn Yến Khanh, Giảng viên Đại học Erasmus University Rotterdam, Hà Lan nhận định.
"Học và luyện thi IELTS từ cấp 1 là vô nghĩa"
Những năm gần đây, độ tuổi luyện thi IELTS đã xuống bậc tiểu học. Tình trạng học sinh tiểu học đi học các khóa định hướng IELTS, tiền IELTS, luyện thi và thi chứng chỉ IELTS ngày càng trở nên phổ biến. Nhưng điều này thực sự không cần thiết.
Đồng cảm với lý do cha mẹ Việt "chạy đua" cho con luyện thi IELTS từ sớm, song TS Nguyễn Yến Khanh cho rằng họ cần "thực dụng" hơn với việc học tiếng Anh của con.
"Luyện thi IELTS cũng tốt thôi nếu điều đó có thể góp phần giúp con bạn vào các trường đại học tốt, các trường cấp 3 tốt. Nhưng lúc con còn nhỏ thì cứ để trẻ học tiếng Anh một cách vững bền, toàn diện, đến lớp 9-10 thi IELTS là vừa. Còn học và luyện thi IELTS từ cấp 1 là vô nghĩa.
Theo TS Nguyễn Yến Khanh, trẻ chưa có kiến thức xã hội đủ lớn trong khi đề thi IELTS mang tính học thuật cao, kiến thức bao trùm từ toàn cầu hóa tới chính trị. Học IELTS ở tuổi này là một sự đầu tư lãng phí về cả tiền bạc lẫn thời gian, không mạng lại hiệu quả
Thêm nữa, thời đại này học tiếng Anh chỉ để giao tiếp là quá lạc hậu. Ít người nghĩ đến việc học tốt tiếng Anh từ nhỏ để học các chương trình bổ trợ khác bằng tiếng Anh giúp con mở rộng kiến thức mà chương trình ở Việt Nam hoàn toàn không dạy.
Đặc biệt là các gia đình trung lưu và dưới trung lưu không có điều kiện cho con học trường tư, trường quốc tế, việc học tiếng Anh càng nên hướng tới mục đích sử dụng được nguồn học liệu đa dạng, miễn phí hoặc có mức phí thấp trên mạng internet, hay các chương trình phổ thông Mỹ.
Nhiều cha mẹ hơi ngược đời, cho con học các chương trình phổ thông Mỹ online chỉ cốt nâng cao tiếng Anh. Các chương trình phổ thông Mỹ rất hay, trong môn khoa học xã hội cấp 1 đã dạy trẻ rất nhiều vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa rất người lớn.
Chương trình cấp 2 phong phú và nhiều lựa chọn hơn. Chương trình cấp 3 sẽ rất có ích, đặc biệt với bạn nào dự định đi du học, vì bạn sẽ được làm quen với nhiều tư tưởng, vấn đề đa dạng mà nền giáo dục Việt Nam không coi trọng, giúp các con đỡ bỡ ngỡ khi ra nước ngoài.
Bạn nào muốn tiết kiệm khi đi du học cũng có thể học các môn AP (Chương trình xếp lớp nâng cao) để tích lũy tín chỉ, có thể rút ngắn thời gian học năm 1 và năm 2 đại học Mỹ.
Nhưng các bạn không đi du học cũng sẽ được hưởng lợi cực nhiều, nhất là các môn khoa học xã hội, kinh tế, chính trị, kinh doanh, marketing, tài chính cá nhân, tâm lý... mà chương trình Mỹ đã đưa vào cho các bạn học từ lớp 9.
Do đó, phụ huynh cần thực dụng lên. Hãy cho con học tiếng Anh để có một công cụ học những kiến thức khác bằng việc tự học, tiết kiệm rất nhiều chi phí cho gia đình thay vì đổ tiền vào học IELTS", chị Nguyễn Yến Khanh nhận định.
"Trẻ học tiếng Anh ở tuổi nào cũng không muộn nếu có cha mẹ đồng hành"
Chị Nguyễn Yến Khanh bắt đầu học tiếng Anh khi đã 15 tuổi, với người thầy đầu tiên là em gái của chị khi đó vừa học xong SGK tiếng Anh lớp 6. Đó là những năm đầu thập niên 90, Hà Nội chỉ có vài cửa hàng bán sách ngoại văn, tài liệu học tiếng Anh rất ít ỏi.
Không thỏa mãn với những câu từ ít ỏi trong SGK của em, chị Khanh tìm mua cuốn "English Grammar in use" (Sử dụng ngữ pháp tiếng Anh) tự học trong 2-3 tháng, vừa học vừa tra từ điển, sau đó lại tìm thêm các bài tập để làm. Một năm sau, chị mua sách TOEFL và IELTS về luyện, mục đích là để thi đại học khối D. Kết quả, chị đỗ top đầu các trường Đại học Tài chính, Đại học Tổng hợp…
"Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi có thể nói rằng kể cả cha mẹ 30-40 tuổi mà muốn học và cần học tiếng Anh để đồng hành cùng con hay thăng tiến sự nghiệp hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu nếu thực sự kiên trì", chị Nguyễn Yến Khanh cho hay.
Chị Nguyễn Yến Khanh cũng kể thêm về hành trình giúp con tự học tiếng Anh tại nhà hoàn toàn mà vẫn có đủ vốn ngôn ngữ để học online các chương trình phổ thông Mỹ:
"Khi con đã 8 tuổi và học lớp 2, tôi mới bắt đầu giúp con học tiếng Anh. Tôi thử nghiệm với một vài cuốn sách như "Family and Friends" song thất bại vì con không thích những gì khuôn mẫu, cứng nhắc. Con chỉ bắt đầu hứng thú khi tôi tìm được một chương trình học tiếng Anh của Disney. Con cứ xem đi xem lại 55 clip và tập nói theo trong khoảng 3 tháng thì bắt đầu bật ra được những câu tiếng Anh với mẹ".
Song song với việc cho con xem clip tiếng Anh, chị Khanh mua tài khoản sách trực tuyến cho con đọc, học thêm qua các ứng dụng tiếng Anh online, chỉ với chi phí 300 ngàn VNĐ/năm, xem phim hoạt hình. "Con chỉ tăng cường học tiếng Anh với mẹ ở nhà trong vòng hai năm, mà lúc đi với mẹ sang New Zealand, con vào thẳng trường công lập, học lớp chính khóa với các bạn người New Zealand mà không có khó khăn gì đáng kể về nghe, nói và đọc", chị Khanh chia sẻ.
Để con có thể tiến bộ vượt bậc về tiếng Anh trong thời gian ngắn như vậy, chị Khanh chỉ cần dành 1h mỗi ngày. Sau này, khi con bắt đầu học chương trình phổ thông Mỹ vào năm lớp 3, chị Khanh dành khoảng 3 tiếng một ngày ngồi học cùng và trò chuyện với con bằng tiếng Anh trong sinh hoạt đời thường.
Chị Khanh không phủ nhận bản thân có vốn tiếng Anh khá nên thuận lợi trong việc giúp con học. Song chị khẳng định, cha mẹ ngày nay có rất nhiều điều kiện thuận lợi khác để đồng hành với con, chỉ cần quyết tâm và kiên nhẫn.
"Nếu có điều kiện, cha mẹ nên bắt đầu cho con học tiếng Anh từ 3 tuổi, vì ở tuổi đó, trẻ tiếp thu tiếng Anh tự nhiên, gần như tiếp thu tiếng mẹ đẻ. Học như vậy thì đến 5-6 tuổi, trẻ đã có đủ vốn từ để học chương trình tiểu học Mỹ.
Cha mẹ và con không cần đưa đón nhau vượt qua tắc đường, khói bụi mà chỉ cần ngồi ở nhà cũng có thể học tiếng Anh được. Nếu nhu cầu giao tiếp là thứ cha mẹ chưa đáp ứng được cho con, thì ngày nay con cũng có thể học 1 kèm 1 online với giáo viên nước ngoài, với mức học phí rẻ hơn học trung tâm.
Cha mẹ cũng có thể tìm kiếm các nguồn học liệu miễn phí suốt đời trên Internet, điển hình như chương trình Khan Kids và Khan Academy do các tỷ phú người Mỹ quyên góp để vận hành. Tận dụng internet để học tiếng Anh và học tiếng Anh để học được những điều mênh mông bát ngát của tri thức nhân loại, đó mới là mục tiêu cuối cùng và đáng giá của việc học ngoại ngữ", chị Nguyễn Yến Khanh chia sẻ.