Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt để chống bệnh “sính chữ”
(Dân trí) - Hiện nay, quá nhiều sách vở, báo chí (kể cả báo hình) hiện tượng quá lạm dụng và dùng sai từ Hán Việt đã đến mức quá đáng, không chấp nhận được. Theo chúng tôi, việc dùng sai từ Hán Việt có nhiều nguyên nhân và sự biểu hiện phức tạp.
Cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (ảnh: Báo Đại đoàn kết)
Bệnh sính dùng từ Hán Việt
Lúc sinh thời, Bác Hồ đã từng dạy bảo về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nhắc nhở căn dặn với đại ý: Tiếng Việt ta rất giàu và đẹp. Phải yêu quý Tiếng nói nước nhà. Bác đã chỉ rõ với ý nghĩa nước ta phải dùng tiếng ta. Trong trường hợp phải dùng tiếng nước ngoài thì phải có chọn lọc, nhất là từ Hán Việt. Từ phải dùng thì ta dùng. Từ có thể thay thế được thì ta thay thế. Ta phải nói "Hội Phụ nữ" không thể nói là "Hội đàn bà". Ta nên nói là "Công ty ngoại thương", không thể nói là "Công ty buôn bán với nước ngoài"... Ta nói là "Nữ dân quân" nhưng cũng có thể nói là "dân quân gái". Một số người hay nói là "sĩ số", "hy hữu" nhưng phải nói là "số học sinh", "hiếm có”...
Hiện nay, quá nhiều sách vở, báo chí (kể cả báo hình) hiện tượng quá lạm dụng và dùng sai từ Hán Việt đã đến mức quá đáng, không chấp nhận được. Theo chúng tôi, việc dùng sai từ Hán Việt có nhiều nguyên nhân và sự biểu hiện phức tạp.
Trước hết là bệnh sính dùng từ Hán Việt. Một số người cho rằng bài viết, nói "Phải có nhiều từ Hán Việt", "dùng từ hán Việt mới thức thời, mới là người có chữ"...Cho nên họ không dùng từ "hiếm có" mà lại dùng từ "hy hữu", không dùng từ "phần nhiều, phần lớn" mà lại dùng từ "phần đa, đa phần" không dùng từ "giúp đỡ" mà lại dùng từ "trợ giúp" không dùng từ "thiếu sót, nhược điểm, khuyết điểm, non kém, sai trái, sai phạm ..." mà lại dùng chung từ "tồn tại" thay cho các từ đó, không dùng từ "cha mẹ học sinh" mà lại dùng từ "phụ huynh học sinh" …
Thứ hai là không hiểu nghĩa từ, cấu tạo từ, quan hệ ngữ pháp của các từ trong câu văn nên dùng từ sai nghĩa và sai ý trong văn cảnh. Xin nêu mấy thí dụ:
Nói ”giảm thiểu" tai nạn giao thông, giảm thiểu các hiện tượng tiêu cực, giảm thiểu số hộ nghèo …Giảm là bớt đi về mức độ, số lượng, chất lượng, giảm bớt tai nạn giao thông là làm bớt đi số vụ tai nạn giao thông. Giảm bớt số hộ nghèo là phấn đấu bằng mọi cách để bớt dần đi số hộ nghèo, đưa số hộ nghèo thoát khỏi nghèo và lên giàu. Như vậy thì phải giảm nhiều, giảm mạnh, giảm nhanh, tiến tới giảm triệt để chứ sao lại giảm thiểu? "Thiểu" là từ Hán Việt có nghĩa là ít (thiểu số phục tùng đa số, dân tộc thiểu số, con số tối thiểu...), "thiểu" đi sau từ "giảm" bổ nghĩa cho GIẢM về mức độ. Như vậy thì dùng từ giảm thiểu như các trường hợp nêu trên là hoàn toàn sai ý, sai nghĩa, sai cả thực tế cuộc sống và chính trị nữa.
Nói anh đang còn nhiều thiếu sót, nhược điểm: chưa biết tiến hành đồng đều các việc, chưa quan tâm đến chất lượng... như vậy là anh còn nhiều "Yếu điểm" cần khắc phục...Nói sai như thế là vì không hiểu nghĩa của từ "Yếu điểm".
Theo từ điển Hán Việt, yếu điểm là điểm, là vấn đề quan trọng, chủ yếu, cốt yếu, có tính chất quyết định. Đây là trường hợp không hiểu nghĩa từ mà dùng sai từ, sai ý.
Nói..." hiện nay đang còn nhiều bất cập. Bất là không, cập là đến, đủ, kịp thời". Bất cập là chưa đủ, không đủ, không đến kịp, không đầy đủ kịp thời. Cập là một tính từ - Bất đứng trước cập làm thành một ngữ tính từ chỉ sự thiếu kém, không đủ, không kịp. Vậy muốn dùng từ bất cập thì phải có một danh từ đứng trước từ bất cập, như việc, điều, vấn đề...
Thứ ba là do không hiểu nghĩa từ rồi dùng sai cả chữ lẫn nghĩa. Thí dụ: Còn tồn tại, còn tồn kho, còn tồn quỹ. Tồn tại là còn có tại một điểm, (chỗ) nào đó trong một thời gian nào đó. Vậy đã dùng từ tồn tại thì không dùng từ còn đứng trước. Có sách từ điển giải thích tồn tại là vấn đề chưa giải quyết thì quả là không chính xác.
Muốn nói những vấn đề thiếu sót, non kém...chưa giải quyết, chưa khắc phục được mà dùng từ tồn tại thì phải nói là: cho đến bây giờ, đến nay, đến thời điểm này, vẫn tồn tại một số vấn đề chưa giải quyết...Vì thế cho nên khi dùng từ tồn tại người ta hay dùng một số phó từ chỉ thời gian như đã, đang, sẽ, mãi mãi, luôn luôn, có thể, không thể...tùy theo ý cần diễn đạt và tùy theo văn cảnh.
Trợ là từ Hán Việt có nghĩa là giúp. Trợ là từ Hán - giúp là từ Việt. Trợ là giúp thì tại sao lại ghép với từ giúp để có một từ trợ giúp lôm côm cả chữ lẫn nghĩa?
Mới đây lại có từ “Ly điền”, nông dân ly điền xuất hiện trên báo đài. Từ điển Hán Việt có 24 chữ LY, trong đó có một chữ ly nghĩa là phân tán, phân ly, lìa tan, cách xa ra, cắt đứt ra. Nói hiện tượng nông dân vì lý do nào đó mà bỏ ruộng, xa ruộng, không canh tác nữa thì tại sao dùng ly điền (cách xa ruộng) mà không dùng “nông dân bỏ ruộng” cho đúng thực tế và chính xác?!
Có vấn đề “nói theo, nói leo”
Ngoài các bệnh, các lý do nói trên, việc lạm dụng và dùng sai từ Hán Việt còn có vấn đề “nói theo, nói leo” sính từ mà tắc trách, không có ý thức nghiên cứu nghĩa từ để dùng từ cho đúng nghĩa và đúng văn cảnh.
Cứ nghe đài nói trợ giúp, hy hữu, hiện hữu, ly điền, còn tồn tại, còn tồn kho, nhiều bất cập, kiến thức cập nhật… thì dùng theo chứ không chịu học tập, nghiên cứu, nhận xét để biết dùng như vậy đúng hay sai, có chính xác hay không. Cũng vì cái bệnh đó mà có người đã viết trên báo rằng việc xóa đói giảm nghèo là vấn đề bất khả kháng, vấn đề trẻ em phạm tội có nhiều nguyên nhân bất khả kháng. Bất là không, khả là khả năng, năng lực, sức lực… kháng là chống lại. Bất khả kháng là không có khả năng chống lại hoặc nói tổng quát là không thể giải quyết được. Rõ ràng là do nói theo, nói leo, không hiểu nghĩa từ mà nói sai một vấn đề quan trọng. Tại sao những nguyên nhân dẫn đến trẻ em phạm tội lại là nguyên nhân bất khả kháng?? Tại sao việc xóa đói giảm nghèo lại là vấn đề bất khả kháng? Thực tế là ta đã giải quyết tốt các vấn đề trên chứ đâu phải là bất khả kháng?
Chưa quan tâm đến giữ gìn sự trong sáng của Tiến Việt là làm sai điều Bác dạy. Trong chất lượng dạy và học có chất lượng dạy học ngôn ngữ, dạy học văn. Chưa đặt vấn đề đúng mức về giữ gìn sự trong sáng Tiếng Việt là thiếu tôn trọng Tiếng nói nước nhà - “Tiếng Việt ta rất giàu và đẹp”, thiếu quan tâm tới chất lượng giáo dục, đạo đức và nhân văn.
Chống bệnh “sính chữ”
Nhân kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho ngành giáo dục, nhân việc chuẩn bị cho đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục nước nhà, tôi mạnh dạn có mấy đề nghị:
Thứ nhất là Ban văn hóa giáo dục Quốc Hội, Ban Văn hóa tư tưởng Trung ương, cơ quan ngôn ngữ… sớm có những văn bản, những chủ trương giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, chống bệnh “sính chữ”, quá lạm dụng và dùng sai từ Hán Việt hiện nay.
Thứ hai là đề nghị toàn xã hội có ý thức dùng đúng từ, dùng hay, chăm lo nói đúng viết hay có ý thức giao tiếp đúng, đẹp cả về ngôn ngữ và nhân văn, thẳng thắn góp ý vào việc chống bệnh sính từ, nói theo, nói leo, dùng từ ngữ tắc trách.
Các nhà ngôn ngữ, các báo chí kể cả đài phát thanh và truyền hình có thêm mục giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, tăng mục “dọn vườn” như trước đây.
Thứ ba là đề nghị trong chương trình đổi mới, Bộ Giáo dục nên có phần dạy tiếng nước ngoài hợp lý và dạy từ Hán Việt chu đáo vì hiện nay chúng ta bắt buộc phải dùng quá nhiều từ Hán Việt. Ngoài từ điển (rất tiếc là hiện nay có một vài cuốn vẫn giải nghĩa từ sai) Bộ Giáo dục nên cho biên soạn một số sách hướng dẫn giáo viên và học sinh nghiên cứu, học tập và dùng đúng, dùng hay từ Hán Việt.
Thứ tư là đề nghị các cơ quan, nhất là cơ quan ngôn ngữ, báo chí và giáo dục đào tạo có biện pháp giải quyết tình trạng đọc sai tên âm, tên chữ cái, đọc sai số (nhất là các số liên quan đến từ Hán Việt) vì âm, chữ cái, tên các số… có liên quan chặt chẽ đến ngôn ngữ, đến tiếng nói nước nhà. Ta đọc các nước Rê bảy. Rê tám, Rê 20 (G7, G8, G20) chứ sao lại đọc là Gờ bảy, Gờ tám, Gờ hai mươi…
NGƯT Trần Danh Hải
UV Ban chấp hành hội Cựu Giáo chức, hội Khuyến học huyện Thạch Hà, Tỉnh Hà Tĩnh