Giỏi thì không sợ thiếu việc làm

Bộ trưởng Lao động - Thương binh & Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trao đổi với <i>Tiền Phong</i> xung quanh thực trạng việc làm của thanh niên hiện nay cũng như các giải pháp, chính sách giải quyết việc làm cho thanh niên.

Bà Chuyền cho biết, việc giải quyết việc làm cho thanh niên đang là bài toán khó đối với cả nền kinh tế. Thanh niên có hai diện: một đã qua đào tạo; hai là vì nhiều lý do vẫn chưa được đào tạo.

 
Đa số thanh niên hiện đang thích làm “thầy” hơn làm “thợ”.
Đa số thanh niên hiện đang thích làm “thầy” hơn làm “thợ”. Trong ảnh: Học nghề hàn bậc cao 6G - một nghề đang thiếu tại nhiều công trình xây dựng lớn hiện nay. (Ảnh: Phong Cầm)
 
Có trình độ vẫn thất nghiệp là nghịch lý
 
Bộ trưởng bình luận gì khi tỷ lệ thanh niên thất nghiệp đang ngày càng có xu hướng gia tăng?
 
Ngành Lao động là ngành chức năng quản lý về lao động nhưng không tạo ra được việc làm. Muốn tạo việc làm cho thanh niên, phải bắt nguồn từ sự phát triển của nền kinh tế. Theo chuẩn quốc tế, một tuần có từ 1 đến 2 giờ làm việc được coi là có việc làm, nên với tỷ lệ thất nghiệp 23% ở Việt Nam chưa phải là cao. Tuy nhiên, tỷ lệ giữa người có việc làm với người có thu nhập đang cách rất xa nhau.

 

Bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng LĐ-TB&XH
Bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng LĐ-TB&XH.

 

Nhưng thực tế, thanh niên có trình độ cũng vẫn chịu cảnh thất nghiệp?

 
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, quý 4 năm 2013, có khoảng 72.000 thanh niên có bằng cấp nhưng vẫn chưa có việc làm. Đây là vấn đề rất nan giải. Họ chưa có việc làm, theo tôi xuất phát từ sự khó khăn chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, xu hướng thích học đại học hơn học nghề đang là xu hướng của giới trẻ. Hơn nữa, các bậc phụ huynh cũng có tư tưởng thích con học đại học hơn học nghề. Hậu quả là dẫn đến tình trạng tạo ra nhu cầu “ảo” về người có bằng cấp (thị trường lao động cần lao động trực tiếp hơn là lao động có bằng cấp).
 

Về số trường (cả công lập và dân lập), cách dạy vẫn theo lối truyền thống. Việc dạy các kỹ năng mềm cho thanh niên chưa được chú trọng nên khi ra trường rất khó để xin việc làm. Số người có bằng cấp chỉ được các cơ quan nhà nước tiếp nhận với tỷ lệ thấp, đa số chủ yếu làm việc ở các lĩnh vực kinh tế. Trong khi đó, ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, ngoài trình độ, họ còn cần ở thanh niên những kỹ năng mềm. Do đó, người có trình độ vẫn thất nghiệp là một nghịch lý nhưng cũng là bài toán hóc búa hiện nay.

 
Theo Bộ trưởng, các chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên hiện nay hiệu quả đến đâu?
 
Đối với thanh niên chưa có điều kiện đi học, chưa có nghề, hiện Chính phủ đã có chủ trương giải quyết việc làm. Trong đó, thanh niên được hỗ trợ học nghề để phù hợp với điều kiện của nông thôn mới. Cụ thể, Thủ tướng đã có Quyết định 1956 (phê duyệt đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến 2020). Tôi cho đây là một chính sách quan trọng, tạo điều kiện để thanh niên sẵn sàng ở lại địa phương cống hiến, phát triển sản xuất. Nhờ chính sách này, thanh niên nông thôn được đào tạo nghề. Qua đó, có điều kiện nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm tốt hơn.
 
Chương trình ưu tiên cho vay vốn, tạo việc làm đối với những hộ gia đình ở nông thôn có các chương trình dự án phát triển chăn nuôi, trồng trọt cũng có tính khả thi cao. Trong đó, có chính sách cho vay vốn đối với thanh niên, cho hộ nghèo, cận nghèo. Tôi nghĩ rằng, nhiều thanh niên đã tự tin hơn khi được hỗ trợ về vốn. Họ đi học nghề vài tháng, nhưng đã dám làm, dám thành lập nên các trang trại lớn...
 

Ngại về vùng sâu-xa vì mặc cảm

 
Chính phủ đã, đang có những chính sách gì để giúp thanh niên có việc làm thưa Bộ trưởng?
 
Trước tình trạng nhiều thanh niên được đào tạo nhưng chưa có việc làm, thời gian qua, Chính phủ đã có một số giải pháp. Theo tôi, trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, các bạn trẻ cần có kiến thức phong phú, đầy đủ hơn. Vì thực tế, những người dám nghĩ, dám làm chủ yếu là các bạn trẻ. Đây là những điều kiện cơ bản để giúp thanh niên chủ động tiếp cận với việc làm, nhằm ổn định cuộc sống.

 

Lao động đến đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội
Lao động đến đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội.

 

Vừa rồi, Chính phủ có chính sách khuyến khích thanh niên đi về vùng sâu, xa. Một số nơi hiện vẫn rất thiếu bác sỹ, nhưng nghịch lý là sinh viên ngành y ra trường vẫn thất nghiệp. Đối với giáo viên cũng vậy. Tuổi trẻ khi đã có bằng cấp, cần chấp nhận khó khăn, chọn một nơi để có việc làm ổn định. Trung tâm thành phố, thị xã ở đó nhu cầu việc làm đã bão hòa.

Một cánh cửa việc làm nữa là khi tốt nghiệp đại học, thanh niên nên về làm công chức cấp xã. Tôi cho đây là một chính sách rất tốt. Khi thanh niên về làm công chức xã, sau 5 năm, họ sẽ rất cứng cáp, sẽ là lực lượng cán bộ có chất lượng cho huyện, tỉnh, trung ương sau này.
 

Vậy vì sao thanh niên khi ra trường lại ngại đi công tác ở vùng sâu, xa?

 
Đúng là phần đông thanh niên khi mới ra trường rất ngại đi vùng sâu, xa. Vì đi vùng sâu, xa sẽ khó khăn nhiều hơn ở thành phố. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do mặc cảm với bạn bè, người thân. Chính vì thế, chính sách khuyến khích tri thức trẻ đi công tác vùng sâu, xa ra đời và thu kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

 

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, trong năm 2014, Bộ LĐ-TB & XH sẽ tiếp tục có nhiều chương trình phối hợp với TƯ Đoàn. Theo đó, hai bên tiếp tục thực hiện các đề án, chương trình lớn của Chính phủ về việc làm, dạy nghề (Đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015; chương trinh mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề giai đoạn 2011-2020). Ngoài ra, còn phối hợp triển khai các nội dung, chương trình thuộc các Đề án 1956, 103, 71... Bộ LĐ-TB & XH cũng tiếp tục hỗ trợ tăng nguồn vốn vay Quỹ quốc gia việc làm cho TƯ Đoàn.  

Người giỏi sẽ được trọng dụng

 
Được biết, tới đây sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ thanh niên, Bộ trưởng có thể cho biết chi tiết?
 
Với chính sách về phát triển khoa học quốc gia, sinh viên trong các trường đại học nếu mạnh dạn nhận các chương trình khoa học để nghiên cứu, sẽ được nhà nước cấp kinh phí. Đây là một hướng đi tốt vì hiện nay, nghiên cứu khoa học để ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp hầu như chưa được nhiều. Là thanh niên, bạn hãy cứ mạnh dạn làm và sẽ được người nông dân cảm ơn, được xã hội tôn vinh.

 

Với những sinh viên xuất sắc có chính sách gì không thưa Bộ trưởng?

 
Sắp tới, Chính phủ sẽ có đề án hỗ trợ cho sinh viên xuất sắc, cho các nhà khoa học trẻ để tạo điều kiện và ưu tiên việc làm cho đối tượng này. Nếu sinh viên có học lực xuất sắc ở các trường đại học và các trường quốc tế có đủ điều kiện, sẽ được nhà nước ưu tiên tiếp nhận vào các tập đoàn, tổng công ty của nhà nước. Đây là cơ hội rất tốt để sinh viên khẳng định mình. Nếu anh cố gắng học tập xuất sắc và được nhà trường ghi nhận, sẽ có nhiều điều kiện để phát triển. Tôi rất ủng hộ đề án này vì sẽ tạo ra động lực để cho sinh viên phấn đấu.
 
Riêng với cán bộ khoa học trẻ, thạc sỹ dưới 27 tuổi, tiến sỹ khoa học dưới 35 tuổi, cũng sẽ được ưu tiên tiếp nhận vào làm tại các tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước. Tới đây, đề án này ra đời sẽ thuận lợi cho cả địa phương và trung ương khi tiếp nhận lực lượng lao động có chất lượng cao.
 
Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 

Theo Phong Cầm

Tiền Phong