Giấy khen “ngợp” Facebook
(Dân trí) - Con nhỏ kết thúc năm học, các ông bố bà mẹ lại có dịp “khoe” giấy khen, thành tích của con. Trên mạng xã hội thời điểm này, giấy khen của con trẻ xuất hiện rào rào.
Trong lúc chờ con tham dự lễ tổng kết năm học, chị Hà Thị Đào, có con học tiểu học ở quận 3, TPHCM đã kịp bấm điện thoại, đăng lên Facebook cá nhân hình ảnh con cầm giấy khen đạt thành tích xuất sắc về học tập và rèn luyện đứng trên sâu khấu với niềm vui: “Thành quả cả năm của con mẹ là đây!”.
Chị nhận được nhiều lời chúc mừng con gái của nhiều bạn bè. Nhiều phụ huynh có đà cũng “khoe” ngay giấy khen của con mình. Nào là vở sạch chữ đẹp, nào là hoàn thành năm học, có thành tích xuất sắc… ngợp sắc vàng, sắc đỏ trên Facebook của bố mẹ. Ngoài giấy khen ở trường học, nhiều phụ huynh còn tranh thủ “đính kèm” các loại chứng chỉ ngoại ngữ, song ngữ, Toán thông minh.... mà con đạt được.
Việc cha mẹ háo hức với giấy khen, thành tích của con trước hết là họ muốn chia sẻ niềm vui, chia sẻ kết quả một năm đến trường của con nhỏ. Con đạt kết quả học tập tốt, không vui sao được.
Chị Phan Nga, có con học mầm non ở Thủ Đức, TPHCM bộc bạch, ở trường con chị, các bé đều nhận được giấy khen nên chị chia sẻ cho vui chứ chẳng có ý khoe hay phô trương gì. Đối với trẻ mầm non, những tờ giấy khen chỉ đơn thuần như một món quà, một phần thưởng để tạo niềm vui cho các bé bên cạnh chiếc kẹo chiếc bánh chứ không hàm ý kết quả hay thành tích học tập.
Thế nhưng, phía sau những tấm giấy khen lấp lánh của con nhỏ có muôn hình vạn trạng mà ẩn đằng sau đó không thiếu bóng dáng của bệnh thành tích, hình thức.
Việc đánh giá cào bằng theo hướng toàn giỏi trong trường học - nơi căn bệnh thành tích và hình thức đang chưa có thuốc chữa - tờ giấy khen giờ đây không còn nặng giá trị như trước. Con trẻ đi học không được giấy khen mới là… của hiếm. Có những phụ huynh đã “tỉnh” trước tờ giấy khen con nhận được mỗi khi kết thúc năm học.
Thế nhưng việc con đi học là có giấy khen, được đánh giá nào là hoàn thành, tốt, xuất sắc… em nào cũng như em nào cũng có làm phụ huynh ngộ nhận và ảo tưởng về khả năng của con. Không thiếu những học trò chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản của chương trình, kiến thức bị hổng, kỹ năng còn hạn chế... lẽ ra cần được củng cố lại thì vẫn được "ca tụng" tưng bừng.
Bệnh thành tích trong trường học là vấn nạn nan giải nhưng bệnh thành tích trong gia đình, từ bố mẹ trút lên vai con trẻ cũng chẳng thua ai. Con đạt điểm 8, điểm 9 là có phụ huynh đã không bằng lòng. Con được khen “hoàn thành” mà con nhà khác nhận “xuất sắc” là toàn nghĩ ngay đến bất công, tiêu cực.
Nhiều giáo viên chia sẻ, vào mùa tổng kết năm học, rất nhiều phụ huynh ráo riết “truy” kết quả khen thưởng của con. Con điểm 9 vẫn đến xin cho lên điểm 10, hỏi sao con mình không nhận được giấy khen”giỏi”, “xuất sắc”… Ngay cả những phụ huynh luôn nói với giáo viên, gia đình không đặt áp lực học tập lên vai con, không quá quan trọng kết quả nhưng trẻ không nhận được giấy khen, không đạt được thành tích như ý bố mẹ, như bạn bè… thì đừng nói con trẻ mà đến giáo viên cũng không được yên.
Đành rằng, con trẻ luôn cần nhận được sự khen ngợi, khích lệ ngay cả khi hoàn thành những việc nhỏ nhất. Nhưng sự khen ngợi đó phải đúng và trúng nhằm giúp trẻ nhận ra khả năng, thế mạnh và cả những hạn chế của mình để hình thành thái độ biết người biết ta. Việc khen ngợi ồ ạt, không giỏi cũng khen số lượng biến mọi đứa trẻ giống nhau, một mặt làm cản trở sự nỗ lực của nhiều học sinh còn không ít học trò khác lại bị “tưởng bở”.
Nhà trường duy trì công thức đào tạo mọi học sinh đều giỏi, bố mẹ lại luôn ấp ủ con mình được như con nhà người khác… đã trút hết áp lực, hậu quả lên đầu con trẻ. Thay vì học để tìm ra sự khác biệt của bản thân các em lại học làm sao để giống người khác.
Bên cạnh niềm vui, bên cạnh sự chia sẻ, tờ giấy khen đặt không đúng chỗ, trao không đúng người trút vô số áp lực lên đầu trẻ nhỏ. Con phải có giấy khen, phải đạt kết quả, phải đạt thành tích học tập như bố mẹ mong muốn, kỳ vọng… tước đi của trẻ quá nhiều cơ hội.
Đó là cơ hội được sống đúng với tuổi thơ. Cơ hội để khám phá chính bản thân với những khả năng, tư duy có thể còn vượt xa những khuôn khổ thành tích gói gọn trong tờ giấy khen. Cơ hội biết mình khác người, người khác mình để chấp nhận sự khác biệt, sống hợp tác, hòa bình.
Tờ giấy khen cũng là vật chứng mà rồi đây khi nhìn lại sẽ không ít học trò thấy tên mình mà… đâu phải của mình. Nó thuộc về sự thỏa mãn của người lớn!?
Hoài Nam
(Hoainam@dantri.com.vn)