TPHCM:
Giáo viên xoay xở với giá cả leo thang
(Dân trí) - Giá cả mỗi ngày một tăng trong khi mức thu nhập được xem là cố định, đời sống của không ít giáo viên trở nên rất chật vật.
Với những giáo viên đang độc thân, chưa phải lo lắng cho gia đình còn có thể xoay xở. Còn nhiều giáo viên còn có gia đình, con cái thì nỗi lo càng nhân lên nhiều lần. Với mức lương cơ bản của giáo viên như hiện nay, việc có thể lo cho con cái ăn học đầy đủ quả là một điều không dễ.
Đời sống giáo viên trở nên khó khăn hơn khi vật giá tăng cao. (Ảnh minh họa: Hoài Nam)
Cô Hồng Điệp, giáo viên Trường mần non 19 tháng 5 (Q.1, TPHCM) cho hay từ lâu, chi tiêu trong đình cô đều phải lên “kín lịch” cho từng khoản một, không cái nào “đụng” cái nào vì chỉ cần “nhỡ tay” làm thâm hụt ngay. Thế nhưng, hiện nay, khi giá cả tăng, “lịch” chi tiêu đang bị rung chuyển mà cô chưa biết phải sắp xếp bằng cách nào.
“Trước mỗi tuần tôi đi chợ hết chỉ hơn 50.000 đồng, giờ lên đến 70.000 đồng, mỗi tháng đã “đội” lên gần trăm nghìn. Tất các khoản điện nước, ăn uống, chi tiêu trong gia đình… đều tăng vọt. Gia đình phải cắt giảm chi tiêu, ăn uống tiết kiệm đến mức thấp nhất có thể. Giờ xoay xở sao cho đủ sống chứ không có khái niệm nâng cao chất lượng đời sống gì hết”, cô Điệp nói.
Mỗi tháng, lương cùng các khoản phụ cấp của cô Điệp trên 4,5 triệu, chồng cô cũng làm công ăn lương, vợ chồng phải rất chỉn chu trong sinh hoạt vì còn phải lo cho hai đứa con. Ngoài tiền ăn uống, chi tiêu cần thiết hàng ngày chẳng bao giờ vợ chồng mình dám mua sắm gì. Cô cho hay: “Thu nhập của mình chẳng bao giờ gom góp để mua được đồ dùng đáng giá trong nhà. Chủ yếu bố mẹ bên nội bên ngoại thương tình mua cho thôi”.
Việc nuôi con nhiều giáo viên phải “phụ thuộc” hoàn toàn vào vợ hoặc chồng. Tuy nhiên, đó chỉ với những người có chồng hoặc vợ có thu nhập cao, đỡ được phần nào gánh nặng. Với giáo viên là “trụ cột” của gia đình thì đồng lương càng phải "chia năm, xẻ bảy".
Là thu nhập chính trong gia đình 5 người, thầy L.V.T, một giáo viên cấp 2 ở quận Gò Vấp ngại ngần cho biết cuộc sống vô cùng khó khăn. Vợ thầy T bán hàng tại căng tin của một trường học, thu nhập cũng chỉ 1,5 triệu/tháng. “Nói ra thì ngại chứ tiền ăn cả gia đình mỗi ngày không được quá 100.000 đồng, vợ tôi mỗi lần đi chợ về lại thở dài. Vắng hẳn những bữa cơm có thịt có cá, thay vào đó chủ yếu là rau... Bản thân tôi, chẳng dám chiêu tiêu hay mua sắm chi”.
Sống và làm việc ở thành phố, có thời gian hơn 5 năm trời gia đình thầy T không có điều kiện về thăm quê. Chẳng báo đáp được bố mẹ bên ngoại bên nội thứ gì, có lúc thiếu thốn còn phải gọi điện về quê vay mượn. “Khổ thế nào mình cũng chịu được nhưng lo nhất là ảnh hưởng đến chuyên môn. Đứng dạy mà có lúc đầu óc còn nghĩ, tháng này ứng tiền đâu cho con đóng học phí. Nói quở, mọi người trong nhà khỏe mạnh thì không sao chứ nhỡ vợ con ốm đau bệnh tật gì thì…”.
Thầy T tính kiếm việc làm thêm tăng thu nhập nhưng vừa lo chuyên môn, hành chính ở trường, còn lo cho con cái nên thầy không dư chút thời gian nào.
Vật giá như vậy, có những giáo viên đã lập gia đình nhưng ...không dám tính đến chuyện sinh con. Bởi họ không biết, sinh con rồi sẽ lo cho con thế nào.
“Nhiều người nói giáo viên có thể đi dạy thêm, kiếm thêm tiền nhưng có phải giáo viên dạy môn nào cũng có thể dạy thêm đâu. Hơn nữa, bây giờ dạy ở trường cũng kín thời gian, dạy thêm là họ phải hy sinh thời gian chăm sóc cho con cái, gia đình”, một giáo viên dạy thể dục ở Q.5 chia sẻ.
Mới đây, trong buổi làm việc giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên -Thiếu niên và Nhi đồng với các sở, ngành TPHCM về việc thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên phổ thông của TP.HCM, các ý kiến cũng khẳng định với mức thu nhập bình quân hiện nay, giáo viên gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Mức thu nhập bình quân của giáo viên phổ thông tại TP.HCM 3,8 - 4,5 triệu đồng/tháng Hiện TP cũng đã có chính sách hỗ trợ thêm cho giáo viên vùng sâu 500.000-600.000 đồng/tháng, giáo viên mầm non được hỗ trợ thêm 200.000-250.000 đồng/tháng.
Mức thu nhập này với giá cả như hiện tại, lại chưa có chính sách thỏa đáng để đảm bảo cuộc sống rất khó giáo viên có thể yên tâm đầu tư cho chuyên môn. Nhiều giáo viên sẽ phải tính đến các phương án làm thêm để tăng thu nhập. Đó phải chăng cũng là một những nguyên nhân mà nhiều giáo viên không thể gắn bó với nghề, thành phố luôn trong tình trạng "khát" giáo viên.
Hoài Nam