Đồng Tháp:

Giáo viên về hưu mở bếp ăn dành cho người bán vé số

(Dân trí) - Từ bếp ăn khuyến học dành cho hàng trăm em học sinh trên địa bàn TP Sa Đéc, các giáo viên về hưu ở thành phố hoa này tiếp tục mở bếp ăn phục vụ người bán vé. Ngoài ra, các cựu giáo chức còn mở quầy quần áo cũ, phục vụ cho người bán vé số.

Bếp ăn dành cho người bán vé số do Hội Cựu giáo chức TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) thành lập vào tháng 8 năm nay tại đường Phan Bội Châu, phường 1, TP Sa Đéc. Hiện bếp ăn đang phục vụ gần 200 người bán vé số trên địa bàn TP Sa Đéc và một số huyện lân cận.

Bếp ăn nghĩa tình dành cho người bán vé số ở TP Sa Đéc

Ông Huỳnh Công Biểu - nhà ở xã Long Hậu, huyên Lai Vung, cho biết, từ nhiều năm nay ông đạp xe từ Lai Vung đến TP Sa Đéc bán vé số. Mỗi ngày bán trên 100 tờ, bán xong ông đạp xe về nhà, do vậy khi các cựu giáo chức phục vụ cơm trưa, những người bán vé số như ông rất vui mừng.

Các thiện nguyện phục vụ ở bếp ăn dành cho người bán vé số chủ yếu là các giáo viên về hưu đang sinh hoạt trong Hội cựu giáo chức TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp
Các thiện nguyện phục vụ ở bếp ăn dành cho người bán vé số chủ yếu là các giáo viên về hưu đang sinh hoạt trong Hội cựu giáo chức TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp

Còn bà Nguyễn Thị Lộc có thâm niên hơn 10 năm bán vé số vui vẻ nói: “Cơm ở đây ngon và vui hơn là tinh thần phục vụ của các cô chú ở đây luôn cởi mở, họ đồng cảm với những người bán vé số như chúng tôi. Tôi cám ơn nhà tài trợ, các cựu giáo chức đã cho chúng tôi có bữa cơm trưa ngon và ấm lòng như thế này”.

Dù có tật ở chân nhưng khi ăn xong ông Hồ Minh Hưng vẫn bê khay cơm ra bể rửa như bao người khác. Ông cho biết, gia đình có hai đứa con, đứa lớn đang học cao đẳng, đứa nhỏ đang học lớp 10. Từ nhiều năm qua vì tật nguyền nên ông chỉ đi bán vé số nuôi hai con ăn học. Hiện ông đang làm hồ sơ vay tiền, lo cho đứa con lớn đi lao động nước ngoài. Ông hy vọng cuộc sống khấm khá hơn.

Hiện tại bếp ăn phục vụ cho gần 200 người bán vé số trên địa bàn TP Sa Đéc và một số huyện lân cận. Bếp ăn phục vụ từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần.
Hiện tại bếp ăn phục vụ cho gần 200 người bán vé số trên địa bàn TP Sa Đéc và một số huyện lân cận. Bếp ăn phục vụ từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, khi đến ăn, mỗi người bán vé số đều có một chiếc thẻ (do Công ty XSKT tỉnh Đồng Tháp cấp), sau khi trình thẻ, bà con nhận cơm ăn mang đến nhà ăn, một số người khác không ăn tại bếp ăn thì mang về nhà.

Tại bếp ăn, các cựu giáo chức còn mở một quầy quần áo cũ, phục vụ miễn phí cho người bán vé số, các cháu học sinh và những người nghèo khác. Bà Nguyễn Thị Hai, vừa ăn cơm xong ghé qua quầy quần áo lựa được hai chiếc áo khoác ứng ý, bà vui vẻ cho biết: “Mấy hôm này trời nắng, có hai chiếc áo khoác này không lo lắng nữa”.

Anh Hồ Minh Hưng - đi bán vé số nhiều năm qua để lo cho hai đứa con ăn học đến nơi đến chốn
Anh Hồ Minh Hưng - đi bán vé số nhiều năm qua để lo cho hai đứa con ăn học đến nơi đến chốn

Một cô phụ trách quầy quần áo cũ ở đây cho biết, mỗi ngày có rất nhiều cô chú bán vé số đến lựa đồ. Nếu tính từ ngày mở cửa đến này đã cung cấp trên 3.000 bộ quần áo. Hiện trong kho vẫn còn nhiều nên những ai có nhu cầu không phải lo thiếu quần áo.

Ông Nguyễn Văn Mốt - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP Sa Đéc, người điều hành bếp ăn, quầy quần áo cho người bán vé số, cho biết, một suất cơm có giá 12.000 đồng do công ty XSKT Đồng Tháp hỗ trợ. Bếp ăn có các thành viên thiện nguyện là hội viên Hội Cựu giáo chức đến “thổi lửa”, phục vụ cơm cho người bán vé số từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần.

Tại bếp ăn này, Hội cựu giáo chức TP Sa Đéc còn mở một quầy quần áo cũ, phục vụ miễn phí cho những ai có nhu cầu về quần áo.
Tại bếp ăn này, Hội cựu giáo chức TP Sa Đéc còn mở một quầy quần áo cũ, phục vụ miễn phí cho những ai có nhu cầu về quần áo.

“Điều chúng tôi quan tâm nhất là thức ăn phải đảm bảo vệ sinh, ngon, đủ chất. Ngoài ra, tinh thần phục vụ cũng phải niềm nở, tận tình để chị em bán vé số ăn cơm ngon miệng hơn”, ông Mốt chia sẻ.


Khi có nhiều người cho quần áo, ông Nguyễn Văn Mốt - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP Sa Đéc liên hệ đến các địa phương khác biếu lại để có thêm nhiều người khó khăn được nhận quần áo

Khi có nhiều người cho quần áo, ông Nguyễn Văn Mốt - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP Sa Đéc liên hệ đến các địa phương khác biếu lại để có thêm nhiều người khó khăn được nhận quần áo

Riêng quầy quần áo cũ, hiện Ban điều hành giao cho 4 người phụ trách theo các khâu: tiếp nhận, quản lý, phân loại và phân phát. Hiện có rất nhiều mạnh thường quân, người dân mang quần áo đến cho. Sau khi phân loại, làm sạch, tổ điều hành quầy quần áo cũ trưng bày tại shop, ngoài ra, còn liên hệ đến các địa phương khác để chia sẻ lại.

Nguyễn Hành