Đề án đưa máy tính bảng vào trường học:

Giáo viên phải “chín” cùng công nghệ

(Dân trí) - Ngay đến soạn bài trên phần mềm Powerpoint mà nhiều giáo viên không làm được do không đủ kỹ năng sử dụng máy tính để soạn giáo án điện tử. Khi thay đổi phương pháp dạy học tiên tiến, cần chú trọng bồi dưỡng người thầy “chín” cùng công nghệ.

ThS Lê Thị Lan Anh - Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV) chia sẻ, đề án sách giáo khoa (SGK) điện tử của TPHCM đang nhận nhiều phản hồi khác nhau ở các khía cạnh như: đồng bộ hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng máy tính bảng (MTB), các hình ảnh minh họa trong từng bài học, ảnh hưởng của việc sử dụng MTB thường xuyên đến trẻ em, tính khả thi của đề án… Với vai trò là người làm trong lĩnh vực giáo dục, điều ThS Lê Thị Lan Anh đặc biệt quan tâm chính chất lượng GV.

Thạc sĩ Lê Thị Lan Anh
Thạc sĩ Lê Thị Lan Anh.

"Cưỡi tên lửa xem hoa"

Phóng viên: Nhiều nhà quản lý, hiệu trưởng tại TPHCM tỏ ra tâm đắc với đề án SGK điện tử. Tuy nhiên, mối bận tân chung của họ chính là khả năng quản lý lớp học của GV với SGK điện tử được số hóa trong MTB khi GV chỉ có 2 tuần để tập huấn sử dụng trang thiết bị và các phần mềm. Bà nghĩ sao về điều này?

Bà Lê Thị Lan Anh: Trong 5 điều kiện để triển khai SGK điện tửông Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu trong hội thảo ngày 18/7, tôi quan tâm đến yếu tố thứ 2: Phải có chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và GV phù hợp để có thể làm chủ được thiết bị công nghệ hiện đại, vận dụng nhuần nhuyễn phương pháp dạy học mới và khai thác hiệu quả SGK, học liệu điện tử.

Trước tiên, đội ngũ quản lý các cấp trong hệ thống giáo dục từ Ban giám hiệu các trường, Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục… phải là những người hiểu hơn ai hết về phần mềm SGK điện tử. Họ phải sâu sắc cấu tạo, đặc trưng, bản chất của từng bài giảng được mềm hóa trong MTB.

Tôi đặt giả sử, nếu người làm quản lý chưa được tập huấn, chưa kịp hiểu hoặc hiểu chưa đầy đủ thì sẽ rất tai hại. Hàng năm chúng ta vẫn có các cuộc thi GV giỏi các cấp, chúng ta sẽ đánh giá chất lượng GV ra sao, quy trình đánh giá GV liệu có thay đổi khi phần mềm này chính mình cũng chưa kịp hiểu hết.

Thứ hai, về công tác đào tạo GV, theo đề án chỉ có 2 tuần để tập huấn phương pháp dạy học ở lớp học thông minh mà SGK được số hóa trong MTB, tôi khẳng định chắc chắn rằng, tập huấn kiểu này chẳng khác gì “cưỡi tên lửa xem hoa”. Khi đi máy bay, bay qua một rừng hoa đẹp, may ra bạn mới kịp ngắm một chút xíu màu sắc bên dưới, nhưng tên lửa phóng đi, bạn thậm chí không kịp nhận ra đó là một rừng hoa.

Để thay đổi một phương pháp dạy học không thể trong ngày một ngày hai. Theo bà, những khó khăn GV có thể gặp phải khi chuyển từ phương pháp dạy học truyền thống sang một phương pháp hoàn toàn mới?

Hiện nay, khi chưa có phần mềm SGK điện tử, GV thường giảng với 2 phương pháp: (1) đơn thuần dùng bảng đen phấn trắng và (2) sử dụng giáo án điện tử. Giáo án điện tử này chủ yếu soạn bài trên phần mềm Powerpoint - một ứng dụng khá phổ biến trên máy tính.

Thế nhưng, tỷ lệ GV soạn bài trên phần mềm Powerpoint và giảng bằng giáo án điện tử không phổ biến trong các bậc học mầm non, tiểu học. Lý do thì có nhiều, trong đó có một lý do quan trọng là không phải GV tiểu học nào cũng có đủ kỹ năng để sử dụng máy tính, để soạn giáo án điện tử chứ chưa nói đến việc thay đổi phương pháp giảng dạy khi sử dụng giáo án điện tử.

Việc dạy học chỉ thật sự hiệu quả khi người thầy tự tin với khả năng, phương pháp của mình
Việc dạy học chỉ thật sự hiệu quả khi người thầy tự tin với khả năng, phương pháp của mình.

Để có một bài giảng hay, hấp dẫn với học trò, người GV không chỉ giỏi chuyên môn mà phải rất nhuần nhuyễn các kỹ năng đứng lớp. Như vậy, nếu chỉ với 2 tuần để thay đổi hoàn toàn phương pháp giảng dạy từ bảng đen phấn trắng sang dùng phần mềm - chẳng khác nào “ép” nhau - mà thực chất là “chạy” cho kịp tiến độ.

2 tuần chỉ đủ thời gian để GV làm quen ở mức độ căn bản nhất về phần mềm SGK điện tử, làm quen với các thao tác kỹ thuật trên máy, làm quen với các nội dung mới mẻ khác với sách in thông thường chứ chưa thể soạn giáo án, chưa thể làm chủ công nghệ, lại càng không thể hướng dẫn học trò một cách nhuần nhuyễn - như phương pháp giảng dạy cũ mà các cô từng dạy nhiều năm nay.

Tôi tin chắc chắn rằng, không ít GV sẽ chán nản khi bị ép phải dạy trong tình trạng chính mình còn lơ mơ như thế - đặc biệt với những GV hiếm khi hoặc chưa bao giờ dùng máy tính.

Mô hình lớp học thông minh góp phần giải quyết tình trạng đọc - chép, HS chủ động mày mò, khám phá với sự hỗ trợ của công nghệ. Ở đó, chúng ta cần hiểu như thế nào về vai trò của người thầy?

Trong bất kỳ lớp học nào - dù là lớp học thông minh hay không thông minh - GV luôn đóng vai trò là linh hồn, là người chủ động truyền đạt tri thức đến học trò. Khi GV chưa đủ “chín” cùng công nghệ sẽ ảnh hưởng cực lớn đến chất lượng dạy và học.

Khầy cô rơi vào trạng thái bị động thay vì chủ động, thăng hoa, tự tin truyền đạt kiến thức cho học trò như trước đây có thể dẫn đến rất nhiều tính huống: GV bị áp lực tâm lý một cách không đáng có khi loay hoay với kỹ thuật và công nghệ, “bỏ quên” mất việc mình phải dạy gì, tình trạng cháy giáo án rất có thể sẽ diễn ra thường xuyên.

Công nghệ khi đó sẽ được dùng một cách chiếu lệ, qua loa, dùng cho có theo yêu cầu để khỏi bị phê bình, khỏi bị chê bai là “gà công nghệ”, là tụt hậu. Hoặc công nghệ sẽ trở thành “đồ trang trí” thầy có có thể lúng túng, khó xử khi thao tác kỹ thuật sai, hướng dẫn HS nhầm. Rồi chúng ta phải đặt ra giải pháp nào cho GV khi lớp học mất điện, mất internet?

Khi người thầy chưa chủ động với công nghệ thì sẽ tạo ra sự lãng phí tiền bạc, lãng phí tài nguyên tri thức rất lớn. Đề án sẽ đạt hiệu quả cao hơn khi triển khai theo lộ trình phù hợp, tập huấn đào tạo GV kỹ lưỡng. Quy trình kiểm tra, giám sát và cấp chứng chỉ nghiêm túc. Phải có phương án bổ sung, thay thế GV khi GV chưa đáp ứng được yêu cầu dạy theo phương pháp mới.

Cần đội ngũ giáo viên tiên phong về công nghệ

GV của chúng ta hạn chế về công nghệ là một thiệt thòi rất lớn cho học trò?

Như tôi đã phân tích ở trên, khi GV không làm chủ được công nghệ, hệ quả nặng nề nhất do học trò gánh chịu. Ngay cả trong nền giáo dục hiện tại - khi chưa có đề án SGK điện tử - việc GV không tiếp xúc với công nghệ, không sử dụng công nghệ để tìm kiếm nguồn tài nguyên, tạo dữ liệu phong phú cho bài giảng… cũng đã khiến học trò chịu nhiều thiệt thòi.

Dường như chúng ta đang rơi vào luẩn quẩn: GV yếu công nghệ, còn học trò không thể bắt các em chờ thế hệ GV thành thạo về công nghệ mới tiếp cận các phương pháp, những đổi mới tiên tiến. Bài Toán này theo bà, cần giải quyết thế nào?

Đúng vậy, học trò không thể chờ một thế hệ GV thành thạo công nghệ. Vì thế chúng ta phải có những giải pháp phù hợp.

Trước mắt, tổ chức các khóa đào tạo căn bản về kỹ năng sử dụng máy tính cho GV chưa từng biết về máy tính. Các thuật căn bản trong khi sử dụng Word, Excel, Powerpoint…trong soạn giáo án điện tử, tìm kiếm tài liệu, khai thác tài nguyên số hóa trên Internet.

Đào tạo nâng cao, chuyên sâu các kỹ thuật máy tính trong soạn giáo án cho đội ngũ GV từng thực hành, biết về công nghệ. Khuyến khích GV sử dụng thành thạo máy vi tính tham gia vào các diễn đàn trao đổi bài giảng trên internet để thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ của bản thân.

Xây dựng lực lượng tinh hoa tại chỗ, đào tạo đội ngũ GV tiên phong là điều rất cần thiết để giải quyết vấn đề. Đội ngũ này cần được tuyển chọn khắt khe với các yêu cầu giỏi về chuyên môn, thành thạo máy tính (để có thể đào tạo nâng cao). Hơn nữa, họ cần có chế độ chính sách đặc biệt để chuyên tâm phát triển chuyên môn, làm chủ công nghệ, từ đó trở thành lực lượng nòng cốt huấn luyện cho những GV chưa có kinh nghiệm khác.

Về lâu dài, vẫn là chất lượng đào tạo trong các trường sư phạm phải được chú trọng. Sinh viên ra trường bên cạnh chuyên môn, cần thành thục các kỹ năng vi tính văn phòng, sử dụng công nghệ trong công việc - một điều tối đơn giản nhưng rất ít SV của chúng ta làm được.

Tuy nhiên, GV chỉ là một trong những yếu tố cho những bước đổi mới. Các yếu tố quan trọng không kém chính là quyền lợi của học sinh, phụ huynh. 

Trân trọng cảm ơn bà!

Hoài Nam (thực hiện)