Đại diện Bộ GD-ĐT lên tiếng về đề án 4.000 tỷ mua máy tính bảng
(Dân trí) - Ngày 21/8, trao đổi với báo chí, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD-ĐT cho biết: “Thực hiện đề án 4.000 tỷ không phải chuyện đơn giản. Sở GD-ĐT TPHCM phải xin phép thành phố và Bộ GD-ĐT để thực hiện".
Theo đề án sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng, TPHCM sẽ trang bị trên 337.500 máy tính bảng cho giáo viên (GV) và học sinh (HS) lớp 1, 2, 3 với tổng kinh phí thực hiện thí điểm dự kiến 4.000 tỷ đồng. Theo đó, lớp học sẽ được trang bị wifi, mỗi học sinh (HS) sử dụng một máy tính bảng riêng, trong đó cài đặt nội dung sách giáo khoa chính thức của Bộ GD-ĐT ở tất cả các môn học từ lớp 1 đến lớp 3 đã được số hóa theo công nghệ 3D. GV sẽ sử dụng phần mềm để soạn giáo án, quản lý lớp học và có thể kiểm soát các em đang thao tác gì trên máy.
Đề án thí điểm trong năm học 2014 - 2015, với 60% số lượng GV và HS từ lớp 1 đến lớp 3. Tổng số máy tính bảng cần trang bị là 337.516 chiếc. Trong đó, nguồn ngân sách thành phố sẽ trang bị cho mỗi GV một máy tính bảng, số lượng là 10.389 chiếc và5.334 chiếc và cho HS thuộc diện đối tượng chính sách.
Liên quan đến đề án trên, ngày 21/8, trao đổi với báo chí, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD-ĐT cho biết: “Bộ GD-ĐT chưa nhận được ý kiến xin phép của Sở GD-ĐT TPHCM. Có lẽ vì đây là đề án mà Sở mới đưa ra để thảo luận, chưa tới bước xin phép. Tuy nhiên, sau thông tin báo chí đăng tải, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Sở báo cáo lại về sự việc”.
Ông Định cho hay, Sở GD-ĐT TPHCM đã xây dựng đề án, tổ chức hội thảo xin ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục, phụ huynh học sinh. Nếu thấy nội dung đề án có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của giáo dục và có tính khả thi, Sở phải xin phép thành phố và Bộ GD-ĐT để thực hiện. Nếu không hiệu qủa chắc chắn phải dừng lại.
Theo ông Định, TPHCM dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư. Vì vậy người dân có thu nhập khá hơn nhiều địa phương khác. Đặc biệt, giáo dục TPHCM được lãnh đạo thành phố quan tâm, đầu tư, chăm sóc. Đại đa số học sinh TPHCM thuận lợi trong học tập hơn so với các địa phương khác. Vì vậy, việc đổi mới giáo dục ở TPHCM có thể có những nghiên cứu, thực nghiệm đi trước các tỉnh thành khác, để đẩy nhanh quá trình đổi mới giáo dục. Cho đến thời điểm này chưa có địa phương nào có phương án dạy học như TPHCM đưa ra.
Ông Định cho rằng: “Đề án đưa ra thực hiện phải có sự đồng tình của phụ huynh và được các cấp có thẩm quyền cho phép. Với nội dung đề án này liên quan đến sách giáo khoa, phạm vi đối tượng thử nghiệm là học sinh, nên nhất thiết phải xin ý kiến của Bộ GD-ĐT. Máy tính bảng liên quan tới kinh phí thì phải xin phép thành phố”.
Hồng Hạnh