Giáo viên ngại... đọc sách

(Dân trí) - Trong khi chúng ta lo lắng học trò không có thói quen đọc sách thì một thực trạng được nhiều người cảnh báo: Giáo viên cũng... lười đọc sách.

Trong tọa đàm mới đây về việc đưa sách vào trường học diễn ra ở TPHCM, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Trường song ngữ Horizon cảnh báo thực trạng các nhà quản lý giáo dục phổ thông chỉ chú trọng tỷ lệ lên lớp, kết quả các kỳ thi; thầy cô tập trung hết cho việc hoàn thành chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu. 

Giáo viên ngại... đọc sách - 1

Thầy trò Trường tiểu học Hùng Vương, Q.5, TPHCM trong giờ đọc sách 

"Học sinh của chúng ta chỉ thuần túy đọc, học SGK, học thuộc lòng đề cương. Và một sự thật trong trường học là ngay cả thầy cô giáo cũng rất ít người có thói quen đọc sách", bà Diệp cảnh báo. 

Hiệu trưởng một Trường tiểu học ở Bình Dương kể lại, khi bà triển khai tiết đọc sách 35 phút/tiết bắt buộc trong nhà trường thì nhiều giáo viên (GV) không tham gia. Hoặc tham gia nhưng khi kiểm tra thực tế thì hầu hết GV lại dùng tiết cùng đọc sách với học trò dành cho việc học văn hóa với lý do môn học chưa xong, cần thời gian để học thêm. 

Chính thầy cô cũng chưa thấy được giá trị của việc đọc sách cho chính mình và tạo thói quen cho học trò. 

Cô Nguyễn Hằng, một GV tiểu học kể, khi Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT được triển khai ban đầu cô cũng lấn cấn, phản đối. Nhưng đọc đi đọc lại cuốn Totto Chan - Cô bé bên cửa sổ, cô càng hiểu việc bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học là việc cần phải làm vì chính học trò. 

Nhưng khi cô nói với đồng nghiệp thì họ phản đối, nói họ đọc sách đi, họ cũng lắc đầu. Thực hiện dự án về sách, cô Hằng ấp ủ kế hoạch kêu gọi các nguồn tài chính để mua sách tặng GV. Theo cô GV là người cần đọc nhiều nhất, người thầy ngại đọc sách dễ dẫn đến cái nhìn phiến diện, thiếu đa chiều... 

Thu hút vô số trẻ em nghèo đến thư viện miễn phí tại nhà để đọc sách, đưa sách đến tận lớp, tận trường cho học trò nhưng cô Huỳnh Thị Thanh Phương (người sáng lập Không gian đọc Củ Chi, TPHCM) phải thừa  nhận mình "thất bại" trong việc "rủ" đồng nghiệp đọc sách. Là một GV, hết sức quan tâm đến sách, cô khẳng định, hầu hết GV ở trường mình không đọc sách.

Có rất nhiều lí do để họ khước từ việc đọc sách như không có thời gian, làm biếng, không có thói quen, thấy không cần thiết... Có nhiều đồng nghiệp nói với cô rằng, cứ cầm sách là họ buồn ngủ. 

Giáo viên ngại... đọc sách - 2

Học sinh TPHCM đọc sách. (Ảnh tư liệu tọa đàm "Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ")

Quan tâm đến vấn các đề giáo dục, điều nhà văn Trần Nhã Thụy đau đáu nhất chính là thực trạng đọc sách của chính thầy cô. Ông đã phải tự đặt câu hỏi: Thầy bây giờ có mấy người đọc sách? 

Ông biết có những người làm thầy nhưng không đọc một cuốn sách nào ngoài giáo khoa, giáo trình, tài liệu. Họ say sưa với các hoạt động liên quan đến thành tích, học vị, chức vụ... 

Nhiều người quên mất rằng bản chất của sự học chính là tự học và học suốt đời; vai trò của người thầy không chỉ dạy trò viết chữ, giải toán, làm văn... mà chính là dạy học trò làm người. Những điều này rất khó tách rời vai trò của việc đọc sách. 

Giáo viên hiện nay cũng là sản phẩm của giáo dục nặng thi cử, điểm số, chưa thật sự coi trọng đến văn hóa đọc, đến khả năng tự học của mỗi người. 

Tuy nhiên, một khi đã chọn công việc của một nhà giáo, hơn ai hết mỗi người thầy cần chủ động "lấp chỗ trống" những hạn chế của bản thân, thầy có khả năng tự học mới truyền được khát khao tự học sang học trò. 

Thấy được hạn chế "ngại" đọc sách của GV, những năm gần đây một số trường sư phạm liên tục tổ chức nhiều chuyên đề, bồi dưỡng về kỹ năng tự học thông qua việc đọc sách cho sinh viên các khoa. Trong đó nhấn mạnh đến thông điệp, mỗi người thầy hãy tập yêu sách để đến với học trò, với thế giới gần hơn, bản lĩnh hơn nhưng cũng nhân văn hơn. 

Hoài Nam 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm