Giáo viên mầm non quá tải giờ làm việc

(Dân trí) - Làm việc mỗi ngày từ 11- 12 tiếng ở trường, chưa kể thời gian soạn giáo án, làm học cụ ở nhà nên nghe đến định mức giờ dạy 6 giờ/ngày, nhiều giáo viên mầm non chỉ biết… cười rầu và không lý giải được tại sao mình phải làm "không công"?

"Phá rào" giờ định mức

6h30 sáng, như mọi giáo viên (GV) mầm non khác, cô Nguyễn Thị Minh Nghĩa, GV Trường mầm non Bến Thành (Q.1, TPHCM) có mặt ở trường để dọn vệ sinh lớp học và đón học trò. Liên tục cho đến sau 5 giờ chiều, cô Nghĩa cùng một GV nữa vừa làm công việc chuyên môn, vừa để mắt trông chừng trẻ và phải làm thêm rất nhiều công việc khó gọi thành tên khác để dạy và chăm sóc cho hơn 40 trẻ trong lớp.

Chưa kể, vào mùa cao điểm dịch bệnh, các cô và bảo mẫu phải ở lại vệ sinh lớp học, đồ chơi bằng Javen hoặc Cloramin B đến 6 giờ tối mới có thể rời lớp học.

Thời gian làm việc tại trường của GV mầm non từ 11 - 12 giờ/ngày, gấp đôi so với quy định.
Thời gian làm việc tại trường của GV mầm non từ 11 - 12 giờ/ngày, gấp đôi so với quy định.

Với những GV độc thân, không vướng bận chồng con thì họ có thể thu xếp được nhưng với những GV đã lập gia đình thì rất nan giải. “Có GV sáng sớm chở con theo đến trường, tranh thủ làm vệ sinh trường lớp, đón trẻ xong việc rồi mới tranh thủ mới chở con mình đến trường. Những ngày rảnh rỗi nhất trong năm, GV mầm non cũng phải làm việc ít nhất hơn 10 giờ/ngày”, cô Nghĩa nói.

Đặc biệt, trong thời gian dài nửa ngày làm việc đó, các cô gần như không có thời gian để nghỉ. Giờ trưa, chờ học trò đi ngủ, các cô mới vội vàng ăn cơm rồi lại đi kiểm tra chăn gối, canh chừng trẻ vì các em có thể thức dậy hay đòi đi vệ sinh bất kỳ lúc nào.

Cô Đặng Huỳnh Bích Trân, GV Trường mầm non Tuổi Thơ 7 cho biết, những lúc quá "đuối", hai cô trong lớp phải thay nhau đặt lưng nhưng chẳng bao giờ được ngủ yên quá 10 - 15 phút. Vì một chút sơ sẩy có thể xảy ra điều không hay với trẻ ngay. 

“Nhiều hôm gia đình có việc hay mệt trong người, GV cũng rất ngại xin nghỉ vì mình nghỉ, gánh nặng sẽ trút lên GV còn lại. Có GV bị đau cột sống, vừa làm việc vừa chảy nước mắt chịu đau, mệt quá ngồi trệt xuống giữa nhà đấm lưng thình thịch, mình nhìn mà ứa nước mắt”, cô Trân bày tỏ.

Nửa ngày ở lớp chưa hết việc, về nhà, đội ngũ GV mầm non phải soạn giáo án, thiết kế bài giảng, làm học cụ… cũng như tìm hiểu các kiến thức chuyên môn. Chưa kể, mỗi lần có đoàn kiểm tra thì nhiều GV phải thức xuyên đêm để chuẩn bị hồ sơ, bài giảng.

“Ai cũng tưởng ở bậc mầm non soạn bài giảng một lần rồi dùng luôn vài năm nhưng thật ra năm nào cũng thay đổi cái này đến cái kia. Nhất là gần đây thực hiện chương trình đổi mới, GV phải chuẩn bị bài giảng rất cực, vừa làm vừa sợ sai”, cô Minh Nghĩa cho hay.

Cách đây hơn một năm, để giảm tải cho GV bậc học mầm non, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư 48 quy định GV mầm non làm việc 6 tiếng/ngày đối với trẻ học 2 buổi và 4 giờ/ngày đối với trẻ học 1 buổi/ngày. Quy định này không có giải pháp cụ thể nên không nơi nào thực hiện, mà có muốn thực hiện cũng không nổi.

Bà Vũ Thị Thu Hà - hiệu trưởng Trường mầm non Bến Thành (Q.1) cho hay, để thực hiện đúng quy định ngày dạy 6 tiếng chỉ có cách duy nhất là cần phải có đủ GV luân phiên, chia thành 2 ca mỗi ngày. Nhưng không thể được vì lấy đâu ra kinh phí để chi trả tiền lương, chưa nói đến việc thiếu nguồn tuyển GV.

Chỉ cần trả đúng công sức

Khi hỏi về quy định làm việc 6 giờ/ngày, các GV mầm non cười cho rằng quy định quá hài hước và thiếu thực tế. Điều này thể hiện rõ là không một trường mầm non nào ở TPHCM, GV được làm việc đúng giờ theo quy định. Tuy làm việc “ngoài giờ” quy định mỗi ngày từ 5 đến 6 tiếng nhưng GV mầm non chỉ được trả tiền phụ trội là 200 giờ mỗi năm (mỗi ngày 1 giờ), còn lại họ phải làm việc không công.

Nhiều GV chia sẻ, không công việc nào "phá" quy định giờ giấc làm việc công khai như GV mầm non. Họ cũng không vui vẻ khi nhận tiền phụ trội vì không hiểu được tại sao lại gọi là tiền phụ trội trong khi thực tế mỗi ngày GV mầm non làm việc trên 11 tiếng đồng hồ. Ngoài 6 giờ như quy định, 1 giờ phụ trội còn lại 4 tiếng đồng hồ họ làm việc thì để đi đâu? Cũng như tất cả mọi nghề, không GV nào đi dạy mong nhận tiền trợ cấp, phụ trội mà họ chỉ mong được trả đúng với công sức, thời gian làm việc của mình.

Lúc trẻ ngủ trưa, GV mầm non ngồi trông chừng trẻ. 
Lúc trẻ ngủ trưa, GV mầm non ngồi trông chừng trẻ. 

“Nếu được làm việc 6 tiếng/ngày thì quá tốt, GV sẽ có thời gian để bồi dưỡng chuyên môn và chăm sóc gia đình. Còn đưa ra quy định mà biết không thể thực hiện thì thà rằng cứ tính giờ làm việc cho GV đúng với thực tế để trả lương công bằng cho GV có hơn không? GV cũng sẽ bớt áp lực về kinh tế và không phải lăn tăn về sự quá tải trong công việc của mình”, một GV mầm non ở quận Tân Bình bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương - phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.5 cho hay, quy định GV làm việc 6 tiếng/ngày trong điều kiện hiện nay không thể nào thực hiện được. Theo bà Hương, một vấn đề rất áp lực đối với GV mầm non là các cô không được tập trung vào chuyên môn giáo dục mà phải kham rất nhiều việc về công tác chăm sóc trẻ.

Ở nước ngoài, công việc của GV mầm non chủ yếu là giáo dục, còn việc chăm sóc trẻ hay các công tác vệ sinh trường lớp là do bảo mẫu. Theo bà Hương, để giảm áp lực cho GV cần tăng cường đội ngũ bão mẫu ở trường mầm non nhưng hiện nay đội ngũ bảo mẫu cũng rất hạn chế vì chưa có định biên, lương thấp và rất khó tuyển.

Tại các không ít các cuộc hội thảo của ngành, nhiều lãnh đạo bày tỏ không thể để tình trạng những GV mầm non có trình độ đại học, cao đẳng phải đi dọn vệ sinh. Điều này không chỉ làm các cô chán nản với nghề mà còn dẫn đến hệ lụy các thế hệ sau e ngại chọn Sư phạm mầm non. Nhưng cũng chỉ là những lời lẽ mang tính động viên, hô hào mà chưa có lời giải.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm