Giáo viên lên tiếng về đoạn văn mở 0 điểm gây xôn xao

(Dân trí) - Sau khi Dân trí đăng tải thông tin về đoạn văn mở bị chấm 0 điểm, nhiều giáo viên Văn đã chia sẻ về cách chấm này.

Giáo viên cần chỉ lỗi cho học sinh

Mặc dù không đăng tải trọn vẹn nhưng phần đầu hình ảnh bài văn bị điểm 0 của học sinh lớp 7 do phụ huynh Lê Huệ vừa đăng tải trên mạng xã hội đã được nhiều độc giả và giáo viên quan tâm.

Cô Hồng T (giáo viên huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) cho rằng, bài văn được em học sinh mở bài kiểu gián tiếp- một trong những kiểu mở bài khó. Tuy nhiên, học sinh này đã vào đề rất ngắn gọn, giàu cảm xúc.

Là giáo viên từng nhiều năm làm tổ trưởng tổ chuyên môn, cô T cho rằng, rất ít em học sinh lớp 7 viết hay đến thế bởi hiện nay, các em ít đọc và ít quan sát, cùng với ngôn ngữ truyện tranh, máy tính đã khiến nhiều em viết lách khô khan hơn.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có những học sinh có năng khiếu viết văn hay như bài văn trên đây. Điều đáng nói, khi giáo viên thấy “gợn” để đặt bút chấm điểm 0, cô phải có lời phê vào vì sao để các con được nắm rõ và sửa lỗi ở bài làm sau.

Giáo viên lên tiếng về đoạn văn mở 0 điểm gây xôn xao - 1

Giáo viên cần có kỹ năng để phát huy sự sáng tạo của học trò

Cô giáo Đức, một trong những giáo viên môn Văn lâu năm của Trường Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) cho biết, cô cũng đã xem thông tin về đoạn mở đầu bài văn bị điểm 0 ở trên mạng.

Theo quan điểm cá nhân cô, một khi không chỉ ra học sinh đó chép trong bài văn nào, trong giờ kiểm tra giáo viên không phát hiện thấy học sinh sử dụng tài liệu, không lập được biên bản học sinh quay cóp hoặc gian lận thì mặc nhiên, cô giáo phải công nhận bài làm đó của các con.

“Tôi không được xem toàn bộ bài làm của các con nên không biết cô giáo có lời phê ở đâu không. Nhưng về nguyên tắc chấm, giáo viên phải có bút phê bên cạnh để giải trình lý do vì sao cô cho 0 điểm để học sinh và phụ huynh đều biết thì sẽ có sức thuyết phục. Chẳng hạn với tôi, khi chấm bài tôi vẫn phải chỉ cho con bị lỗi chính tả, lỗi diễn đạt ở đâu để con còn sửa”, cô Đức chia sẻ.

Cùng chung quan điểm với cô Đức, anh Nguyễn Trung Dũng (Hải Dương) cũng chia sẻ, tại sao giáo viên trên không làm rõ vấn đề chép hay không chép với em học sinh rồi mới cho điểm?

Nếu chính xác chép từ bài văn nào đó, một kiểu “đạo văn” thì lúc ấy cô phê vào bài làm và cho 0 điểm cũng không sao. Còn nếu em ấy không chép thì rõ ràng điểm số của cô đã làm tổn thương tới học sinh đó.

Theo văn mẫu cũng nên cho điểm

Theo cô Hồng T, thông thường với một giáo viên cấp 1 hoặc cấp 2, khi chấm bài chúng tôi không quá cứng nhắc và trong các nhận xét phải luôn mang tính dộng viên, khuyến khích các con để học sinh mạnh dạn sáng tạo theo cảm xúc của mình.

Chẳng hạn, với một bài làm nếu phát hiện thấy học sinh viết na ná một bài văn hay đã từng có trước đó, bản thân tôi vẫn chấm điểm bằng nửa điểm số mà đáng ra học sinh đó đạt được và phê vào bên cạnh: “Em cần sáng tạo hơn khi viết”. Cách nhận xét này không quá sốc với các con vì các em vẫn nhận ra lỗi để sửa nhưng phần nào đó vẫn thấy mình được động viên.

“Nếu không chỉ ra lỗi, làm sao con biết sai ở đâu mà sửa. Có điều những lời phê này không được phê gay gắt khiến các con tổn thương. Chẳng hạn học sinh viết chữ xấu, giáo viên chỉ nên phê: “Em cần cố gắng luyện chữ cho đẹp hơn”... cô Thủy cho biết.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, cô giáo Đức cũng nhận xét, với ngôn ngữ này, học sinh lớp 7 bình thường rất khó có thể tự nghĩ ra và chắc chắn có tham khảo đâu đó vì hành văn cực kì mượt mà, đoạn văn tuyệt vời rất có cảm xúc, kể cả cấu trúc bài viết lẫn cách diễn đạt ngôn từ.

Tuy nhiên, có thể một học sinh cảm thụ tốt, các con có thể “ngấm” ngôn ngữ sau thời gian mình học tập và tìm đọc sách báo và tài liệu là điều hoàn toàn dễ hiểu và đáng khen ngợi.

“Việc các con cảm thụ từ một tác phẩm khác và đưa vào bài làm, giáo viên vẫn nên ghi nhận để chấm điểm cho các con. Những giáo viên Văn như tôi vẫn thường khuyến khích các con đọc thật nhiều, tham khảo các bài viết hay để mở rộng thêm cách hàn văn và sử dụng ngôn ngữ”, cô Đức nói.

Việc tham khảo ý tưởng này có thể không được giáo viên đánh giá cao và chấm điểm tối đa cho các con nhưng không thể chấm 0 điểm. Nếu là tôi thì vẫn chấm điểm ít hơn nhưng thay vào đó, có thể phê vào bài làm là “con nên sáng tạo hơn”.

Quốc Huy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm