Giáo viên lên tiếng: Tôi phản đối phạt quỳ, nhưng…
(Dân trí) - Tranh cãi “muốn để học sinh quỳ hay học sinh hư” trên báo Dân trí một lần nữa khơi lên chủ đề chưa có hồi kết lâu nay: Có nên duy trì hình thức phạt roi, phạt quỳ trong giáo dục? Bức ảnh cùng câu chuyện học sinh Trường THCS Thường Tín (Hà Nội) bị phạt quỳ đã làm nóng các diễn đàn suốt mấy hôm nay.
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng dư luận vẫn đang chia thành hai “chiến tuyến” và ngay trong đội ngũ nhà giáo vẫn có người ủng hộ cũng như phản đối hình thức xử phạt học sinh bằng cách đánh roi hoặc quỳ gối.
Lâu nay, xung quanh vấn đề này vẫn luôn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều. Người ủng hộ lập luận rằng “không đánh không nên người”, “quỳ một tí có chết ai đâu”, thậm chí là thẳng thừng khẳng định “nếu không chấp nhận hình phạt ở trường, phụ huynh giữ con ở nhà mà dạy”…
Còn người phản đối hành động phạt quỳ cũng ra sức đả kích, ném đá hành động của cô giáo, cho rằng đó là “sự bất lực của giáo dục”, là “hành động phản sư phạm”, là “sự sỉ nhục, xúc phạm nhân cách người học”…
Là một phụ huynh có con đang tuổi đến trường, tôi cũng cật lực phản đối các hành vi xử phạt mang tính tiêu cực xuất hiện trong thời gian qua, chẳng hạn yêu cầu học sinh tát nhau, bắt uống nước giặt khăn lau bảng hoặc là phạt roi trò đến mức thâm tím tay chân và chấn động não…
Còn hành động phạt quỳ ư? Nó không làm bọn trẻ đau về mặt thể xác nhưng nó khiến các con bị tổn thương lớn về mặt tâm hồn. Khi cô giáo yêu cầu 2 học sinh trường Tô Hiệu quỳ gối, một em chấp hành còn em kia thì không thực hiện bởi chính em lập luận “quỳ là sự sỉ nhục”.
Nhìn nhận thẳng thắn thì lập luận ấy có phần đúng khi mà hành động quỳ gối giữa lớp học, ngay trước mặt các bạn cùng trang lứa là một sự trừng phạt nặng nề. Hành động quỳ gối trước tập thể ấy chỉ khiến sự bất mãn trong lòng học sinh dâng cao, và mục đích giáo dục học sinh thông qua biện pháp phạt quỳ hoàn toàn phản tác dụng!
Tôi không hoàn toàn phủ nhận tác dụng của các cách phạt truyền thống trong giáo dục. Chúng tôi cũng lớn lên, trưởng thành từ trong phương pháp giáo dục nghiêm khắc của thầy cô. Thời ấy, việc học sinh “ăn” roi, bị phạt quỳ gối là việc thường xuyên.
Ở thời điểm ấy, trong giai đoạn ấy, việc thầy cô và bố mẹ sử dụng đòn roi cùng các hình phạt nghiêm khắc như một lẽ thường và được chấp nhận. Nhưng trong thời điểm hiện tại, khi mà quyền con người được ý thức hơn, bọn trẻ lại tiếp nhận nhiều luồng thông tin về nhân quyền hơn thì các phương pháp giáo dục truyền thống đã thực sự không còn phù hợp.
Đặc biệt là toàn ngành giáo dục đã phát động phong trào “trường học thân thiện”, nghiêm cấm các hành vi “xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học” thì những đòn roi và hành động phạt quỳ của cô giáo vấp phải sự phản đối của cộng đồng là lẽ tất nhiên.
Tuy nhiên, là một nhà giáo trực tiếp đứng lớp gánh nhiệm vụ “trồng người”, tôi thấu hiểu hơn ai hết nhiệm vụ nhọc nhằn của người thầy trong bối cảnh hôm nay. Dạy chữ không vất vả bằng dạy người. Người thầy hôm nay phải gánh lấy áp lực khủng khiếp trên con đường gieo chữ, trồng nhân cách.
Tâm sinh lý của học sinh đang thay đổi theo những biến động của xã hội, thời đại. Sự ủng hộ, đồng hành của một bộ phận gia đình cũng biến chuyển theo chiều hướng công kích mọi biện pháp giáo dục của người thầy. Bên cạnh đó là áp lực từ cấp trên, sự đơn độc trong tìm kiếm phương pháp giáo dục tích cực… khiến người thầy mất phương hướng thật sự.
Không ít giáo viên đã ca thán “xã hội đang tước dần quyền giáo dục của người thầy”. Từng có giáo viên buông xuôi “mặc kệ nó”, “lương tâm không bằng lương tháng”… Đó là hệ quả tất yếu khi mà gia đình sẵn sàng kiện tụng, dư luận hả hê “ném đá” mỗi lúc phát hiện người thầy đánh trò, phạt trò.
Chính nó sẽ khiến nghề giáo bỏ rơi nhiệm vụ “dạy người” mà chỉ chuyên tâm “dạy chữ”. Và nó cũng sẽ để lại những hậu họa khủng khiếp về nhân cách thế hệ trẻ tương lai. Không ai muốn điều ấy xảy ra!
Bởi vậy, người thầy rất cần sự đồng hành, hỗ trợ từ nhà trường, gia đình và xã hội trên con đường giáo dục nhân cách trẻ.
Nguyễn Thùy
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!