Bạn đọc viết:
Giáo viên lên tiếng: Tại sao môn Tập làm văn tiểu học khó?
(Dân trí) - Bài viết chẳng may diễn đạt sai một từ, viết sai một lỗi chính tả thì ngay lập tức cô giáo gạch chân và trừ một điểm mỗi lỗi. Chính điều này đã dẫn đến một hệ lụy rất nguy hại: Trò học thuộc lòng bài văn đã viết sẵn để tránh dùng từ sai, viết câu sai.
Lời than thở “Môn Tập làm văn tiểu học khó thật!” của phụ huynh Thanh Mai không phải lần đầu tiên xuất hiện trên báo Dân trí. Là một độc giả quen thuộc của báo, tôi thấy Dân trí đã nhiều lần mổ xẻ, bàn luận về cái khó trong việc dạy học sinh tiểu học làm văn cũng như vấn nạn học thuộc lòng văn mẫu. Tuy nhiên, để tháo gỡ cái khó này phải xuất phát từ giáo viên và phụ huynh.
Tôi đã từng làm gia sư dạy các cháu tiểu học môn Tiếng Việt. Thú thật, có những kiến thức trong phân môn Luyện từ và câu buộc cả thầy trò phải căng mình ra suy luận, lý giải. Riêng phân môn Tập làm văn thì quả thật làm các cháu phải lúng túng, sợ hãi.
Theo chương trình hiện hành, từ năm lớp 3, các con bắt đầu làm quen với hình thức viết đoạn văn và lên lớp 4, lớp 5 là bài văn. Mọi vấn đề sẽ cực kỳ đơn giản nếu chúng ta không đặt ra mục tiêu quá cao với học sinh tiểu học.
Các con đang dần làm quen với cách thức sử dụng từ ngữ, đặt câu, liên kết đoạn và các con đang “tập” làm văn. Mọi thứ đang rất bỡ ngỡ, các con đang tiến dần những bước đi chông chênh trên con đường dài phía trước. Nhưng những yêu cầu khắt khe từ giáo viên và phụ huynh vô tình làm “con đường” học văn của con vốn dĩ gập ghềnh càng trở nên chông gai hơn.
Sau những tiết học lý thuyết hàn lâm ở lớp, các con bắt đầu lập ý, xây dựng dàn bài. Một người thầy giỏi sẽ xác định đây là khâu then chốt để xây những “viên gạch” đầu tiên cho bài làm của học sinh. Tuy nhiên, vì thời lượng luyện tập xây dựng dàn bài quá ít nên nhiều giáo viên không thể bao quát được toàn bộ học sinh để giúp học sinh xây dựng ý, sửa từng ý một cho trò.
Có giáo viên lại còn rất hời hợt khi yêu cầu trò về nhà tự làm dàn bài, đến lớp đọc rồi cô giáo đọc dàn bài mẫu, thậm chí là bài văn mẫu cho trò chép và yêu cầu học thuộc. Bởi vậy, khi con trẻ mang bài ở lớp về nhà, nhiều phụ huynh bối rối vội “cầu cứu” sách giải, sách tham khảo, “thầy” Google… Từ đây xuất hiện những bài văn được “đúc khuôn” na ná, đọc vào không thể nhịn được cười.
Vì áp lực thành tích, điểm số nên giáo viên buộc phải gồng gánh kết quả bài làm của học sinh. Ngoại trừ những em thật sự có năng khiếu văn chương và chữ viết đẹp, diễn đạt tốt thì điểm 10 mới xứng đáng được chấm.
Tuy nhiên, giờ đây học sinh “kiếm” điểm 10 quá dễ, môn Tiếng Việt cũng đạt điểm tối đa hàng loạt như thế nên vô hình trung điểm 10 là thang điểm lý tưởng nhất của học trò. Và phụ huynh cũng quá “mê mẩn” điểm 10 đỏ chói ấy. Hễ con trẻ làm bài không đạt điểm như ý là y như rằng lại tra tấn bằng muôn kiểu câu hỏi “Tại sao?”. Điều này cũng xuất phát từ yêu cầu cao của công tác tuyển sinh vào trung học cơ sở. Hồ sơ xét tuyển xét học bạ các lớp tiểu học vào trường điểm thường đòi hỏi điểm 10 hai môn Toán và Tiếng Việt suốt năm năm tiểu học. Vì vậy, điểm 10 lại càng “có giá”.
Làm gia sư, tôi có nhiều thời gian hơn để giúp học trò lập ý, dựng dàn bài và rèn câu chữ. Và cũng không ít lần tôi phải cùng trò “kéo dài” câu này ra, kéo dài đoạn văn kia ra. Bởi vì cô giáo yêu cầu đoạn văn phải viết hết số hàng quy định trong vở bài tập, bài văn phải viết hết bao nhiêu dòng trên giấy kiểm tra thì mới đạt điểm tuyệt đối.
Văn hay hoặc văn dở hoàn toàn không phụ thuộc vào độ dài ngắn của trang viết. Nhưng khi cô giáo “đo gang” để chấm bài thì trò buộc phải viết dài ra, càng dài càng tốt. Bài viết chẳng may diễn đạt sai một từ, viết sai một lỗi chính tả thì ngay lập tức cô giáo gạch chân và trừ một điểm mỗi lỗi. Chính điều này đã dẫn đến một hệ lụy rất nguy hại: Trò học thuộc lòng bài văn đã viết sẵn để tránh dùng từ sai, viết câu sai.
Những ý tưởng tươi mới về sự vật, những cách diễn đạt đầy hồn nhiên của con trẻ vô tình bị chính giáo viên và phụ huynh làm thui chột. Trẻ không được diễn đạt những gì mình nghĩ, viết những gì mình cảm nhận về con người, đồ vật, phong cách. Bởi giáo viên và phụ huynh lo trẻ viết vậy sẽ mắc lỗi, mà có lỗi trong bài làm văn đồng nghĩa với việc không đạt điểm 10.
Rất nhiều lần tôi trực tiếp trao đổi với phụ huynh về việc để học trò “tự biên tự diễn” cho bài làm văn của mình, còn giáo viên chỉ gợi ý, hướng dẫn, chỉnh sửa. Và tất nhiên, phụ huynh phải chấp nhận những con điểm chưa hoàn thiện, khi 9 điểm, lúc 8 điểm cho một bài viết văn.
Tuy nhiên, điều đó dường như rất khó thành hiện thực bởi phụ huynh lúc nào cũng quan tâm con được bao nhiêu điểm chứ không phải năng lực viết văn của con tiến bộ đến đâu…
Nguyễn Thùy
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!